Sáng tác cho thiếu nhi - còn nhiều khoảng trống
"Sự tả kể, minh hoạ đơn điệu cho lời thoại vẫn là thói quen khó bỏ. Bên cạnh đó, nhiều tác giả còn thiếu những ý tưởng, xúc cảm lạ và cách nhìn mới về hình sắc, không gian", hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định về các tác phẩm tranh truyện tại lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2002 của NXB Kim Đồng, hôm qua.
Thể loại truyện lịch sử vẫn là đề tài quen thuộc của mảng truyện tranh bên cạnh tranh truyện dân gian, đồng thoại. Nhưng theo bà Lê Phương Liên, Phó ban Văn học Thiếu nhi (Hội Nhà văn VN), nội dung của chúng cũng không mới, hình sắc đẹp nhưng không lạ. Ngay cả mảng tranh truyện hài, phản ánh đời sống trẻ em pha trộn những yếu tố viễn tưởng, cũng chưa có nét khởi sắc.
Điểm nổi bật của cuộc vận động sáng tác lần này là sự đa dạng trên các lĩnh vực kịch bản, văn xuôi, thơ, nhạc... và sự bứt phá của các cây bút văn thơ trẻ. Trong số 9 tác giả đoạt giải, có đến 5 gương mặt mới như Nguyễn Ngọc Minh Hoa, Bùi Đặng Quốc Thiều... Đặc biệt, tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, sau thành công của những Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, lại có Một thiên nằm mộng tươi mát và tinh tế giành giải nhất. Thế nhưng, bên cạnh một số tác phẩm hấp dẫn, có tính chất khám phá thì phần lớn sáng tác vẫn xoay quanh các đề tài lòng yêu nước, yêu quê hương, tình cảm với ông bà, cha mẹ, thầy cô... như Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân, giải khuyến khích), Tiếng vọng tuổi thơ (Vũ Bão, giải khuyến khích), Con nít vùng ngập lũ (Đào Thị Kim Anh, giải khuyến khích). Ngay cả Những vì sao trong mơ (giành giải B) của cây bút Nguyễn Ngọc Minh Hoa, vẫn duy trì bút pháp tả kể truyền thống để dựng lại một câu chuyện cảm động về cô bé mới lớn phải luôn sống trong suy tư, giằng xé nội tâm giữa các mối quan hệ phức tạp trong gia đình.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh bày tỏ: "Với một cuộc vận động sáng tác bị giới hạn về thời gian thì khó có thể đòi hỏi những tác phẩm vượt trội. Song không thể coi đó là lý do để biện minh cho sự tồn tại một khoảng trống không nhỏ giữa tác phẩm đoạt giải và đối tượng tiếp nhận. Những cuốn sách mà chúng ta (người lớn) đọc thấy hay thì trẻ em chẳng mấy mặn mà. Ngược lại, những cuốn các em say mê kỳ lạ thì người lớn đọc "không vô"... Nghịch lý đó, có lẽ là vấn đề lớn rất đáng để các nhà văn và những người quan tâm đến chuyện đọc của trẻ em bàn luận".
Về thơ, trong số 264 tập thơ tham dự, Ban tổ chức mới chắt lọc ra được hơn chục tác phẩm đoạt giải. Ngoài những cấu tứ hóm hỉnh của các bậc đàn anh như Nguyễn Hoàng Sơn (giải A) với: "Bố cũng từng đi/ Mà còn nhiều ấy chứ/ Cũng hõm mắt thức khuya/ Mê man bài với vở/ Bố cũng từng nín thở/ Chờ giám thị đọc tên/ Tim lồng như chợ vỡ/ Ve vào tai thổi kèn/ Chẳng ai bảo mình hèn/ Nếu có hơi hồi hộp/ Chỉ anh cầm chắc trượt/ Mới hoàn toàn không run" (Bố cũng từng đi thi); hoặc sâu sắc và thấm thía cảnh đời trong những vần thơ tả cái bập bênh ở vườn trẻ: "Khi xuống thấp, lúc lên cao/ Phía dưới là đất, phía trên là trời/ Cao chưa kịp nở nụ cười/ Bàn chân đã chạm, thấp rồi còn đâu/ Thấp rồi chẳng chịu thấp đâu/ Đã nghe tiếng gió trên đầu lao xao/ Những ai muốn mãi lên cao/ Trò bập bênh chẳng khi nào được chơi" (Bập bênh) của Vương Trọng (giải A).
Song rải rác trong các tác phẩm dự giải còn khá nhiều câu thơ non tay. Chẳng hạn, khi muốn nhấn mạnh tình yêu mẹ của trẻ em thì có tác giả viết: "Mỗi phút con chơi vắng mẹ/ Là con khó tính lạ thường/ Bố bế, con không cho bế/ Bố ru, con vẫn thét luôn/ Bố nựng, con xo mặt tránh/ Bố thương, con cáu đòi trườn". Cách thể hiện này, vô hình trung, trở nên phản cảm với việc giáo dục thiếu nhi. Bên cạnh đó, nhiều câu thơ mất vần hoặc cố ép vần cũng gây hại cho việc rèn luyện ngôn ngữ thơ ca của trẻ em "Em đi trăng cũng đi theo/ Em dừng trăng cũng dừng lại/ Hỏi trăng vì sao theo em mãi/ Chẳng lẽ vì trăng không có bạn chơi".
Về kịch bản, ngay các tác phẩm được giải như Tấm Cám (Vũ Kim Dũng, giải khuyến khích), Trận chiến giữa rừng xanh (Nguyễn Toàn Thắng, giải B), Lúa vàng thi hoa hậu (Viết Linh, giải C) cũng chỉ là những tích cũ. Những tác phẩm này đều thiếu vắng hơi thở cuộc sống đương đại và những thủ pháp bay bổng trữ tình, cũng như chưa phát huy cao độ đặc trưng ngôn ngữ của loại hình.
Trong khi đó, các ca khúc đoạt giải thì quanh quẩn với các đề tài quen thuộc về mái trường, thầy cô, ông bà cha mẹ... được nhiều tác giả viết thành công trước đây. Nói đến các trò chơi thì vẫn là bập bênh, chơi đu, ngựa ông đã về, chồng nụ chồng hoa, nu na nu nống, bé lái xe, bé ngoan, đèn xanh đèn đỏ... Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận xét: "Chúng ta bắt gặp phần lớn những nét nhạc quen thuộc, đôi khi làm người nghe có cảm giác tác giả dễ dãi trong cách viết cho các em. Việc vận dụng âm hưởng dân ca các miền một cách sáng tạo, phù hợp với đời sống hiện đại đòi hỏi một sự đầu tư, suy nghĩ nghiêm túc".
Hiền Hòa