Góc phố đẹp - ý tưởng liệu có thành hiện thực?
Với đồ án cải tạo mặt tiền góc phố Gia Ngư, nhóm KTS Nguyễn Trí Tân, Đặng Tất Thắng, Lê Minh Tuấn... giành giải nhất "Ý tưởng góc phố đẹp" trong cuộc thi tìm kiếm giải pháp kiến trúc cho phố cổ Hà Nội, hôm 22/11. Nguyễn Trí Tân đã trò chuyện với VnExpress sau đêm trao thưởng.
- Tại sao đồ án của các anh lại "nhắm" vào Gia Ngư chứ không phải những khu phố tiêu biểu khác?
- Chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian đi khảo sát 20 đoạn phố cổ Hà Nội, chụp hàng trăm pô ảnh. Và, cuối cùng thì chọn được Gia Ngư. Đây thực sự là góc phố đẹp, theo đúng nghĩa đen. Về không gian, đoạn gấp khúc này là một khoảng lặng thơ mộng giữa hai không gian buôn bán sầm uất (phố Hàng Đào và Tạ Hiện), ví dụ: nếu du khách đi ngang Gia Ngư vào những buổi trưa, sẽ thấy những vạt nắng nhấp nháy xuyên qua tán lá... Về kiến trúc, Gia Ngư vẫn lưu giữ được nét đặc trưng của phố cổ Hà Nội với cấu trúc nhà hình ống (có chiều ngang hẹp và bề dài sâu).
- Có một thực tế là không gian phố cổ bây giờ quá chật chội và "sặc mùi" buôn bán. Thế nhưng đồ án của nhóm dường như không quan tâm tới chuyện thay đổi môi trường sống hoặc tạo ra những khoảng trống nhỏ làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Tại sao vậy?
- Tôi thì nghĩ ngược lại, mấy trăm năm nay, cuộc sống của đất Kẻ Chợ vẫn hiện hữu ngay trên vỉa hè, ngay dưới lòng đường với những nhà hình ống san sát (một kiểu "quay ngang" của nhà hai gian ba chái ở nông thôn cho... tiện với không gian hẹp), với lối sinh hoạt và buôn bán "sặc mùi" thị dân... Bởi vậy, quan điểm kiến trúc của nhóm là chỉ tác động nhẹ tới không gian bằng các thiết bị đô thị như: thay mới nhà vệ sinh công cộng, ốp gạch, quét sơn mặt tiền, lát lại mặt đường... chứ không đập phá, xây mới các kiến trúc cũ hoặc tạo ra những thay đổi lớn làm biến dạng môi trường sống, nề nếp, thói quen sinh hoạt văn hóa vốn dĩ đã làm nên diện mạo phố cổ nghìn đời nay.
- Thế còn phương pháp quy hoạch hiện đại và lý luận về hình thái, kiến trúc đô thị cùng các phương pháp kiểm soát chất lượng môi trường, tại sao anh chưa nghĩ tới trong đồ án này?
- Nếu xây dựng một đề án quy hoạch phố cổ thì phải kết hợp được các điều kiện kiến trúc, lịch sử xã hội, kinh tế... Như vậy, kiến trúc sư chỉ chịu phần trách nhiệm rất nhỏ, quan trọng là nhà quản lý phải có tầm nhìn vĩ mô về các chiến lược kinh tế, xã hội cho phố cổ. Thế nhưng, ngay các nhà quản lý hiện nay, chính họ cũng chưa đưa ra được các đề án quy hoạch ngắn ngày khả thi mà cứ hoạch định chung chung trong những khoảng thời gian tương đối dài: 10 năm, 20 năm... Mà 10 năm, 20 năm thì khó có thể lường hết được mọi khả năng tăng trưởng về kinh tế, dân số... Hơn nữa, rất có thể ở thời điểm sau này, chỉ số quy hoạch đã trở nên lạc hậu.
- Kiến trúc sư Bevor Rem Koolhaas (Hà Lan), từng đoạt giải Pritzker năm 2000, dự đoán rằng tương lai kiến trúc sẽ phát triển theo xu hướng toàn cầu hoá. Trong đó, châu Phi và châu Á là nơi hứa hẹn nhiều thay đổi nhất. Anh có lo lắng về nhận định này?
- Toàn cầu hoá nên được nhìn nhận là xu hướng tất yếu. Và, kiến trúc đô thị Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Cũng không phải vô cớ mà bây giờ nhiều bậc kiến trúc sư lão làng đã phàn nàn về 4 "cái ngược": đô thị Việt Nam đang bị quốc tế hoá, làng xóm Việt Nam đang bị đô thị hoá, miền núi đang bị đồng bằng hoá và kiến trúc các dân tộc ít người đang bị Kinh hoá. Thế nhưng, để giữ được bản sắc kiến trúc đô thị nói chung và kiến trúc phố cổ nói riêng thì quan trọng nhất vẫn là phải có một chiến lược hoạch định đúng hướng từ phía nhà quản lý.
- Các anh sẽ làm gì với 12 triệu đồng được tặng thưởng?
- Hiện, tôi mới lấy giấy biên nhận. Có thể tôi sẽ mua máy tính mới. Có máy tính tốt, làm việc mới hiệu quả.
Hiền Hòa thực hiện