Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Quyền Văn Minh nỗ lực 'nhóm lửa' cho jazz

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:23
gửi bởi Inviblesi

Sau liên hoan jazz châu Âu lần 3, người nghệ sĩ này lại mải miết đuổi theo các ý tưởng sáng tác và bận rộn với việc đào luyện nhạc công. Trong câu lạc bộ vài chục mét vuông thuê ở 31 Lương Văn Can (Hà Nội), Quyền Văn Minh say sưa nói về tương lai của âm nhạc gốc Phi khi nhập 'quốc tịch' Việt Nam.

- Trên thế giới, jazz đã phát triển mạnh mẽ với các khuynh hướng nhạc nhảy (house music) hoặc fussion (kết hợp cả pop, rock)... Thế nhưng ở Việt Nam, các nhạc công, kể cả anh, vẫn "trung thành" trong lối khai thác triệt để chất liệu dân gian, tại sao vậy?

- Jazz khởi phát từ New Orleans (Mỹ) 1 thế kỷ trước. Song mãi đến những năm 40, 50 của thế kỷ XX, jazz mới chảy được đến Việt Nam. Thoạt đầu nó không có tên gọi và chỉ được coi như một dạng nhạc dancing ở các club. Thậm chí đến giờ, jazz vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường vì còn khá mới mẻ với tai người Việt. Các ban nhóm cũng chỉ thực sự tồn tại trong các kỳ liên hoan.

Thực tế trên cho thấy muốn jazz đi vào khẩu vị âm nhạc Việt Nam thì phải tìm cách xóa nhòa cảm giác xa lạ từ các điệu ragtime, blues... Mà nếu kết hợp jazz với pop, rock - vốn là những thể loại âm nhạc nguồn gốc châu Âu, sẽ càng khiến jazz thiếu bản sắc và xa lạ với công chúng. Do đó, "lối thoát" duy nhất cho jazz Việt Nam chỉ có thể là kết hợp các làn điệu âm nhạc truyền thống như chèo, dân ca... Vì như thế có nghĩa là anh không bắt chước ai cả và anh đã có một cái gì là riêng của anh. Tuy nhiên, khai thác chất liệu dân gian nào để phù hợp với tiết tấu jazz và đảm bảo tính ngẫu hứng không phải điều dễ. Bởi nếu không khéo thì các điệu swing cùng với chèo, dân ca... sẽ trở nên cầu kỳ, lập dị.

- Song mặc cho những nỗ lực của anh thì jazz Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, còn các nhạc công chỉ "dám" chơi jazz một thời gian ngắn rồi chuyển sang blues, một loại nhạc đơn giản hơn... Anh lý giải thực tế này thế nào?

- Các nhạc công Việt Nam đang phải chơi jazz trong điều kiện thế giới đã phát triển hơn 100 năm, trong khi jazz Việt Nam mới đi được quãng đường rất ngắn nên trình độ tất nhiên chưa thể ngang ngửa. Mặt khác, các nhạc công cũng chưa ý thức rõ về nghề. Họ chủ yếu chơi ở nhà hàng, khách sạn, những nơi mà jazz được coi như thứ âm nhạc giải trí thuần tuý, chỉ để kiếm sống. Và, nhìn chung, các nhạc công đang chơi theo một khuôn chung và hẹp của thời kỳ jazz thế giới bắt đầu chập chững. Ngay bản thân tôi, cũng chỉ thực sự thể nghiệm với jazz từ năm 1994. Qua liên hoan jazz châu Âu lần 3, chơi cùng người nước ngoài, tôi mới biết được chỗ hay chỗ dở của mình chứ nếu chỉ đóng cửa mẹ hát con khen hay ở trong nước thì...

Bên cạnh đó, người sáng tác cho jazz ở Việt Nam lại chỉ duy nhất một mình tôi. "Gia tài" jazz của tôi cũng mới ngót nghét hơn chục tác phẩm. Trong khi đó, giảng dạy trong trường cũng chưa thành một khoa, mới chỉ lẻ tẻ ở một vài bộ môn piano, kèn, trống... Ở Nhạc viện Hà Nội, tôi dạy học sinh theo cách vừa học tập các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới vừa phải tự soạn solo. Thế nhưng bao giờ đến phần soạn solo, học sinh cũng bế tắc... Thế là các nhạc công Việt Nam vẫn cứ phải chơi bài... nước ngoài chủ yếu! Còn nữa, trong khi tất cả các loại hình âm nhạc khác đều được Bộ Văn hóa Thông tin "chăm sóc", được tài trợ khi lưu diễn... thì jazz vẫn bị ghẻ lạnh.

- Thiếu tiền, thiếu người tâm huyết, thường xuyên bị đòi đất (vì đi thuê)..., chật vật lắm anh mới cho ra Jazz Minh Club (năm 1999), câu lạc bộ jazz duy nhất ở Việt Nam. Vậy hiện nay nó hoạt động thế nào?

- Ước nguyện của tôi là có một lực lượng trẻ chơi jazz thực sự chứ không thể cứ mãi chui vào các khách sạn, nhà hàng để khách vui tai. Vì vậy, tôi đã đầu tư cho Jazz Minh Club 500 triệu đồng, thậm chí thế chấp tài sản ở ngân hàng. Thế nhưng Jazz Minh Club của tôi có những ngày rất thảm hại, chỉ có 8-10 khán giả! Chúng tôi thường xuyên không trả đủ tiền thuê. Song cũng không vì thế mà bi quan trước tương lai của jazz. Thế này nhé, nếu Jazz Minh Club phát tài thì ở Việt Nam sẽ không chỉ có duy nhất một câu lạc bộ như của tôi và biết đâu lúc ấy, jazz lại biến tấu sang dạng thái khác, có thể mang tính chất thương mại nhiều hơn chẳng hạn! Vả lại, với Jazz Minh Club, tôi sẽ làm được cái việc là dìu dắt các bạn trẻ và chứng minh rằng người Việt Nam có thể chơi jazz giỏi. Còn để sống ư, tôi sẽ làm rất nhiều việc khác, ví như đi dạy, đi chữa kèn... Vậy là đủ!

- Jazz thuộc về phong cách thể hiện chứ không phải sáng tác. Nó đòi hỏi người chơi phải là nghệ sĩ ứng tấu ngẫu nhiên. Nhưng cũng vì thế mà dễ dẫn tới sự tầm thường hoặc cằn cỗi sáng tạo. Anh có sợ đến ngày nào đó sẽ cạn kiệt...?

- Với jazz, tôi không hề phiêu lưu. Ngẫu hứng không có nghĩa là tuỳ tiện. Muốn chơi jazz tốt phải hội đủ các kiến thức, kỹ thuật, ý tưởng sáng tạo... Cũng vì thế mà người ta hoặc là không muốn chơi jazz (vì lười nhác và không có sức sáng tạo) hoặc là ngày càng đam mê (nếu đã đạt tới một trình độ nào đó). Jazz Minh Club, sở dĩ duy trì được bởi tôi và các nhạc công đều yêu thích jazz và tập luyện hằng ngày. Tình yêu và lao động miệt mài - đó là cội rễ nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo.

- Ở jazz, một số giá trị bị đảo lộn so với âm nhạc cổ điển. Vì vậy, nghe CD thường rất khó hưởng nguyên hiệu quả của nó như khi nghe trực tiếp dàn nhạc biểu diễn. Song anh vẫn ra liên tiếp các CD 1-2 và sắp tới là CD thứ 3. Đã đến lúc phải... kiếm sống chăng?

- Với tôi, ra CD jazz là một cách quảng bá tốt tới công chúng nếu họ không có điều kiện nghe trực tiếp. Thế nhưng như vậy không có nghĩa là dễ dãi với nghệ thuật. Để thu một đĩa jazz cũng gian nan lắm. Làm cả tháng trời mới xong là chuyện thường, bởi phải chọn ra cả chục buổi tập một khoảnh khắc ăn ý nhất, ngẫu hứng tốt nhất. Thu nhập cũng cần, nhưng quan trọng phải là tinh thần vì nghệ thuật.

- Jazz là thể loại âm nhạc kén khán giả, đòi hỏi nhạc sĩ có trình độ cao, khả năng sáng tạo và ngẫu hứng tốt. Thế nhưng hơn hai chục năm nay, anh chưa hề đặt chân vào trường lớp chính quy nào. Vậy, anh có cho rằng mình đủ sức đặt nền móng cho jazz Việt Nam?

- Người khác không làm thì tôi phải làm. Phải có người nhen lên đống lửa chứ! Nếu có hai cuộc đời thì tôi sẽ không chơi jazz mà làm một công việc khác kiếm được nhiều tiền hơn, tích luỹ kinh tế để đời sau làm jazz. Nhưng nếu chỉ có một cuộc đời thì tôi sẽ chỉ chơi jazz thôi. Vì yêu jazz, tôi đã tự học, tự sưu tập tài liệu nước ngoài và chơi một cách kiên nhẫn. 5 năm trăn trở, tôi đã cho ra đời các bản Giai điệu Sapa (dựa trên dân ca Mèo), Vấn vương (dân ca đồng bằng Bắc bộ), Ngẫu hứng Tây Nguyên, Người Mèo xuống núi, Tiếng vọng... cộng với 2 CD. Và vẫn thấy mình tràn trề sức sáng tạo.

Hiền Hòa thực hiện

Sưu tầm từ vnexpress