Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tướng De Castries lên sân khấu

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:24
gửi bởi Inviblesi

Lần đầu tiên, vị tướng bại trận ở Điện Biên Phủ cùng nhiều sĩ quan Pháp sẽ được đạo diễn Phạm Thị Thành tái hiện trong vở kịch "Kỵ sĩ Điện Biên", dự kiến ra mắt khán giả vào cuối tháng 4. Dưới đây là cuộc trò chuyện với bà về những ý tưởng của vở diễn.

- Tại sao bà nhận lời dàn dựng vở kịch này?

- Tôi nhận lời dựng vở với sự hồi hộp kích thích sáng tạo tự thân, bởi tôi là người đầu tiên dàn dựng tác phẩm toàn các nhân vật phía Pháp. Anh em nghệ sĩ vừa lạ lẫm, vừa hăng hái, tất cả đều thích thú trước thử thách sáng tạo này. Bối cảnh vở chủ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sẽ thấy De Castries trong đời thường, khi cùng vợ con ở Hà Nội, khi chỉ huy ở Điện Biên.

- Điểm đặc biệt ở vở diễn này ở chỗ nào?

- Chúng tôi không nhìn lịch sử bằng sự hận thù, chia chiến tuyến địch ta, mà nhìn bằng "đảo ảnh", qua phía Pháp để thấy trí tuệ của tướng Việt Nam, sự anh hùng, đức hy sinh, kiên cường, ứng xử văn hóa của quân đội, nhân dân Việt Nam. Đây là sự khác biệt so với cách nhìn bấy lâu nay. Câu chuyện được "kể" qua Maria, con gái tướng De Castries. Tôi chọn cách dẫn dắt này, dựa trên sự kiện có thật. Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, De Castriess muốn trở lại Điện Biên, khi ấy ông đã 84 tuổi, nhưng hồi đó tình hình chưa cho phép. 10 năm sau, Việt Nam sẵn sàng mời De Castries sang, thì ông đã qua đời. Maria, con gái ông, thay cha trở lại. Sinh năm 1944, khi chiến dịch Điện Biên nổ ra, cô chưa đầy 10 tuổi, sống với mẹ ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần bố mới về thăm. Khi trở lại Việt Nam, được bố trí ô tô lên Điện Biên nhưng Maria từ chối, cô tự đạp xe cuốc vượt 500 km lên Điện Biên.

- Vậy bà sẽ dàn dựng thế nào để vở kịch giàu tính chân thực, khi diễn viên ta phải đóng vai tây?

- Họa sĩ Lê Sơn, người vừa tham gia dựng cảnh trong lễ hội Năm du lịch Điện Biên, đảm nhiệm thiết kế mỹ thuật vở này, đạo cụ xen lẫn thật và giả. Không thể "Pháp hóa" tất cả các diễn viên Việt Nam. Ngoài yếu tố hóa trang (tóc, mắt, khuôn mặt), phục trang, phần đài từ, tất cả vẫn nói tiếng Việt bình thường (chữ không phải "lơ lớ") tất nhiên phải chú ý phát âm chuẩn tiếng Pháp), thể hiện sự lịch lãm của người Pháp. De Castries xuất thân quý tộc, có học, tôi muốn qua sự chỉ huy, lối sống của ông, người xem thấy được nền văn hóa Pháp lâu đời, khó khăn là ở thủ pháp đảo ảnh là điểm nhìn của tác giả, nhân vật và người xem.

(Theo Tuổi Trẻ)

Sưu tầm từ vnexpress