Nguyễn Ngọc Tư: 'Văn học trẻ chưa có xu hướng riêng'
"Một truyện ngắn viết ra bắt buộc phải có nội dung, tôi không tán thành kiểu viết mà đọc lên các ý tưởng mông mênh, không rõ ràng, đó là bút ký, hoặc tản văn chứ không phải là truyện ngắn. Dường như văn học trẻ hiện nay chưa có định hướng, từng cá nhân vẫn đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ", chị tâm sự.
- Gần đây chị viết truyện không còn theo bản năng như trước nữa, điều gì đã khiến chị thay đổi như vậy?
- Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi, có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương một sự màu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống chạm chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một cậu con trai hơn 20 tháng tuổi rồi thì phải khác.
- Chị thấy mình có điểm chung nào so với các nhà văn trẻ hiện nay?
- Không có, họ viết khác tôi. Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng phải để truyện đó gắn bó từ đầu đến cuối chứ không như một số nhà văn viết ra nhiều ý tưởng rất cao xa và trừu tượng.
- Theo chị, điều gì là khó nhất khi viết truyện ngắn?
- Tôi sợ viết phần đầu, vì lối viết truyện của tôi phần vào đầu rất quan trọng, diễn biến toàn câu chuyện hoàn toàn ảnh hưởng và bị chi phối ở phần mào đầu ấy. Đặc biệt, tôi thích viết phần kết và muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đầu cũng được.
- Chị muốn một kết thúc như thế nào?
- Lúc mới viết, tôi thường thích một cái kết có hậu, sau này tôi thấy những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau, điều đó sẽ làm họ nhớ những chuyện của mình lâu hơn.
- Tại sao chị không viết tiểu thuyết như nhiều văn trẻ khác?
- Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.
(Theo Thể Thao Văn Hóa, Tiền Phong)