'Quy ước và vĩnh cửu' của họa sĩ Phạm Minh Tuấn
"Tôi không có ý định đi tìm cho mình một hình thức bởi đó chỉ là phương tiện để bộc lộ suy nghĩ. Những ý tưởng sinh ra hình thức và điều đó làm đa dạng và phong phú cho hội họa", Phạm Minh Tuấn tâm sự về ý tưởng trong triển lãm của anh tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, diễn ra từ ngày 3 đến 11/12.
Ngay ở cái tên của triển lãm, Quy ước và vĩnh cửu đã gợi cho người xem nhiều suy nghĩ. Hai khái niệm một hữu hạn, một vô hạn được đặt cạnh nhau. Những quy ước mà Phạm Minh đặt ra trong các tác phẩm cũng là những lằn ranh mong manh trong cảm nhận của cái hư và thực. Xuất phát từ ý tưởng đó, 40 tác phẩm được trưng bày lần này của Phạm Minh Tuấn đều khiến người xem phải suy nghĩ. Sớm tiếp cận với những trường phái hội họa hiện đại phương Tây, tranh của anh cũng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới nên những sáng tác mang nhiều dấu ấn của trường phái siêu thực. Cái tôi nghệ sĩ thường mang dáng vẻ lãng đãng, của một "hành giả" giữa chốn trời mây sông nước. Biểu hiện những giá trị cuộc sống vĩnh hằng qua sự tồn tại của sự vật cụ thể là dụng ý của họa sĩ.
Bức Vĩ nhân với hình ảnh con người hàng trăm cánh tay, là sự biểu hiện một cái dị thường nhưng Minh Tuấn muốn mượn điều đó để gửi gắm những ý tưởng, quan niệm về vĩ nhân. Những người đứng cao hơn bình thường ấy, có sự nhân từ của Phật nhưng vẫn là con người với những tâm tư chân thật. Tranh của Phạm Minh Tuấn gợi những ám ảnh về chân giá trị đích thực của đời sống.
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Minh Tuấn. |
Nhà phê bình hội họa Phan Cẩm Thượng nhận xét: "Tranh của Phạm Minh Tuấn vẽ những cái bình thường, hiển hiện để thấy được cái hư vô. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ là vật đo thời gian và chỉ cho ta biết cái giới hạn của thời gian. Vậy thời gian là đồng hồ hay là sự cảm nhận về cái trôi đi không bao giờ trở lại. Hay cái vân tay của mỗi con người như mã vạch duy nhất của từng cá thể, để khẳng định cái tôi duy nhất. Vậy, khả năng hiểu và dùng cái duy nhất vào việc gì. Sự phát triển các ý nghĩ này dẫn đến một thứ hội họa rất gần với siêu hình". Nhờ vào sự hiện diện của những cá thể trong tranh mà nó luôn nhắc nhở người ta về ý nghĩa của sự sống, làm thế nào để con người không bị lãng quên trong thế giới rộng lớn này, để cái hữu hạn trở nên bất tử.
Quan niệm của Phạm Minh Tuấn là không chú trọng đến hình thức, để cho ý tưởng dẫn dắt, và nhờ vào đó có thể sản sinh ra những hình thức đa dạng và phong phú. Hơn 40 tác phẩm của Phạm Minh Tuấn có thể coi như những tiếng nói riêng của "phong cách tinh thần".
Triển lãm được tổ chức với sự giúp đỡ của Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.
Đức Anh