Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Nhạc viện Huế - mãi vẫn là ý tưởng

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:25
gửi bởi YTSTNews

Một vùng đất mang đậm giá trị văn hóa với di sản nhã nhạc được UNESCO công nhận, sự thành lập Nhạc viện Huế trở thành yêu cầu bức thiết. Nhưng 3 năm, kể từ khi ý tưởng thành lập Nhạc viện do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề xuất đến nay vẫn chưa có gì tiến triển.

Ông Trương Ngọc Thắng, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế, cho rằng, có nhiều thuận lợi khi thành lập Nhạc viện Huế, bởi nó có chủ trương từ phía Chính phủ, từ Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy... Nếu Nhạc viện Huế được xây dựng thì đã có nền tảng từ ĐH Nghệ thuật Huế, Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cũng như các đơn vị về văn hóa, âm nhạc của tỉnh.

Cả nước có 21 trường văn hóa nghệ thuật và 2 nhạc viện ở 2 đầu đất nước, vậy nhưng cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên duy nhất một ĐH Nghệ thuật Huế. Trường đang tổ chức đào tạo ở 2 mảng rất lớn là âm nhạc và hội họa. Với mô hình này, ông Trương Ngọc Thắng ví von: "Như nhốt 2 con hổ vào cùng một chuồng, tạo ra sự bất hợp lý cần phải giải quyết". Ông cho rằng, nếu có sự tác động mạnh mẽ từ nhiều phía, việc tách ĐH Nghệ thuật Huế thành Nhạc viện Huế và ĐH Mỹ thuật Huế chính là một hướng đi hợp lý nhất.

Trước quan điểm của Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế, lãnh đạo ĐH Huế không mấy đồng tình. TS Nguyễn Xuân Khoát, Chánh văn phòng ĐH Huế, cho rằng, khi đội ngũ, cơ sở vật chất của ĐH Nghệ thuật Huế được đánh giá là thiếu và yếu, việc tách thành 2 trường sẽ làm cho nội lực yếu đi. Nhưng lý do quan trọng hơn như khẳng định của TS Khoát, để thành lập một ĐH phải có 30% cán bộ giảng dạy là thạc sĩ, 5% tiến sĩ, nhưng hiện ĐH Nghệ thuật Huế chưa đáp ứng được.

Hiện tại, ĐH Nghệ thuật Huế mới có chừng 6 thạc sĩ trên tổng số khoảng 50 giáo viên chuyên ngành âm nhạc, còn tiến sĩ thì đang là mục tiêu phấn đấu lâu dài. Thứ hai, ĐH Nghệ thuật Huế đang tạm "cư trú" trong khuôn viên Đại Nội, cùng với một cơ sở nữa ở khu vực hồ Tịnh Tâm, nếu tách ra thành 2 trường thì địa điểm cũng như kinh phí xây dựng Nhạc viện Huế sẽ trở thành vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, theo ông Trương Ngọc Thắng, âm nhạc là lĩnh vực rất đặc thù, có tính chất năng khiếu. Giáo viên giảng dạy là người làm nghề thực hành chứ không phải là nghiên cứu. Thế nên để trở thành một tiến sĩ âm nhạc là rất khó và cũng không thể một sớm một chiều. Viện dẫn quá trình thành lập nhạc viện TP HCM và Hà Nội còn khó khăn hơn cả Huế bây giờ, ông Thắng cho rằng, nếu phải chờ hội đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất như yêu cầu thì việc ra đời một nhạc viện cho Huế sẽ mãi chỉ là một ý tưởng.

Ý tưởng là vậy, tuy nhiên ông Trương Ngọc Thắng lại lúng túng trong việc viết đề án thành lập, dù việc này đã được giao cách đây 1 năm. "Làm sao chúng tôi viết được khi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, mô hình Nhạc viện Huế và cơ cấu bộ máy đào tạo như thế nào?", ông Thắng nói.

Trả lời câu hỏi trên, PGS-TS Nguyễn Đức Hưng của ĐH Huế khẳng định, hiện tại cán bộ của ĐH Huế trong ngành âm nhạc chưa ai đủ tầm để viết đề án. Muốn viết phải có chuyên gia đầu ngành đứng ra phụ trách, mà ai là chuyên gia thì ĐH Huế vẫn... chưa biết.

Thế Nam

Sưu tầm từ vnexpress