Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Kịch bản 'Nhà có ba chị em' bị nghi đạo ý tưởng

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:29
gửi bởi Zelda

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà vừa phát biểu trên báo về việc truyện ngắn "Nhà có ba chị em" của mình bị "đạo" chuyển thành kịch bản phim, sân khấu. Nguyễn Thu Phương, tác giả kịch bản trùng tên với truyện ngắn, lên tiếng phản đối điều này.

Tuy không nêu đích danh người bị nghi ngờ đạo ý tưởng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà khẳng định trên một tờ báo rằng: "Ba chị em gái trong gia đình và số phận của họ đều tương đối giống nhau giữa truyện ngắn và kịch bản"… Chị còn nói: "Mấy lần tôi định nhấc máy gọi điện cho đạo diễn. Kịch bản sân khấu mà bộ phim vừa đoạt giải dựa theo là "thuổng" ý tưởng từ truyện ngắn Nhà có ba chị em của tôi. Vẫn mô hình ba nhân vật, rồi những va đập của từng số phận cá nhân trong gia đình… Xem phim, tôi thấy cốt truyện giông giống truyện của mình, chứ rất khó chỉ ra câu chữ nào của mình".

VnExpress có cuộc trao đổi với cả hai nhà văn nữ xung quanh vấn đề này.

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu Phương: "Một sự vu khống và xúc phạm thô bạo"

- Từ cảm hứng nào chị sáng tác "Nhà có ba chị em"?

- Khi viết Thời con gái đã xa (ban đầu có tựa là Không Duyên) và Cây lẻ bạn, tôi đã ấp ủ ý định viết một kịch bản "rộng đất" hơn. Trong kịch bản đó phải có ba tuyến nhân vật nữ có những hoàn cảnh và số phận khác nhau làm "nền", để những mâu thuẫn và xung đột nội tại bùng nổ sau rất nhiều dồn nén ... Vì thế, tôi khởi viết Nhà có ba chị em từ năm 1997.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nếu từng đọc hai tác phẩm "tiền đề" của kịch bản này, cũng như truyện ngắn Phép thử, mọi người sẽ thấy bóng dáng của các nhân vật nữ trong những tác phẩm đó phảng phất ở Tú, Nhiên, Quỳnh. Các nhân vật nam trong Nhà có ba chị em cũng là sự tổng hòa của một số nhân vật nam mà tôi đã viết trong các truyện ngắn trước đây. Đó là cả một "dòng" tác phẩm có định hướng phong cách viết ngay từ đầu.

Ngoài ra, tôi cũng thích tuyến nhân vật ông bố và cô con gái của Tú. Họ là hai đối trọng trong gia đình - một già, một trẻ. Họ nhìn vấn đề bằng con mắt của thế hệ mình và phán xét ba nhân vật nữ theo cách mà họ cảm nhận, suy nghĩ. Thông thường, khi viết kịch bản, tôi thích có những tuyến nhân vật khác nhau để từ đó dễ lật đi lật lại vấn đề.

- Điều gì trong kịch bản này làm chị tâm đắc nhất?

- Ý tưởng gửi gắm ở cuối kịch bản: Hạnh phúc là biết bằng lòng với những gì mình đang có. Nhiều người đang có tình yêu, hạnh phúc mà không biết gìn giữ, rồi đánh mất vì những nông nổi nhất thời hay chạy theo những ảo tưởng. Cũng có người hết lòng hết sức gìn giữ, vun đắp cho hạnh phúc (dù có khi chỉ là ảnh ảo) để rồi kết quả đổi lại là một chuỗi thất vọng và bất hạnh.

* Võ Thị Hảo bị đạo văn.
* "Dòng sông tật nguyền" giống "Cánh đồng bất tận".

Khi kịch bản lên sàn diễn, từng có người hỏi tôi là ai trong ba nhân vật nữ này. Có người đoán tôi là Tú, là Quỳnh, là Nhiên. Khi ra Hà Nội, gặp gỡ mọi người, họ cũng nhận xét tôi giống một trong ba chị em. Tôi chỉ cười và nói: chắc là tôi giống... cả ba. Ít nhiều đã có một phần đời của tôi trong cả ba nhân vật nữ ấy.

- Chị có quen nhà văn Võ Thị Xuân Hà hay đọc tác phẩm của nào của chị ấy?

- Tôi chưa từng quen, chưa từng đọc bất cứ truyện ngắn nào của nhà văn Võ Thị Xuân Hà cả.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: "Tôi không khẳng định là đạo văn, tôi nói đến chuyện đạo ý tưởng"

- Chị viết truyện ngắn "Nhà có ba chị em" từ khi nào và dựa trên cảm hứng nào?

- Khoảng năm 1991, 1992 (tôi không nhớ chính xác), tôi viết truyện ngắn này và tên đầu tiên của nó là Gió từ hướng Tây thổi đến, tôi gửi truyện cho nhà thơ Hữu Thỉnh, anh ấy đọc xong và đổi thành Nhà có ba chị em.

Tôi viết truyện này vào giai đoạn nước ta mở cửa thị trường, dư âm của thời bao cấp vẫn chưa tan mà một làn gió của cuộc sống mới đã ồ ạt đến. Những giá trị truyền thống còn chưa được bảo tồn vững chắc, giá trị văn minh mới đã chực chờ thay thế. Trong buổi giao thời đó, những gia đình nhỏ và số phận con người cũng bị ảnh hưởng và chịu nhiều biến động.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ảnh do nhân vật cung cấp.

- Điều gì khiến chị lên tiếng trên báo chí về sự "giông giống" trên?

- Tôi có đọc qua kịch bản của chị Thu Phương. Tôi không nói đến chuyện đạo văn, tôi chỉ muốn nói đến chuyện đạo ý tưởng. Tôi không kết luận, không khẳng định hay kết tội chị ấy. Tôi chỉ muốn cảnh báo một hiện tượng: Hiện nay, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, bị xào xáo thành những kịch bản phim mà không ai có thể chứng minh được điều đó. Không ai bảo toàn cho ý tưởng đầu tiên của người sáng tác mà ý tưởng là điều rất quan trọng. Giả sử đây là do ý tưởng lớn, cảm xúc lớn gặp nhau thì tôi mừng thôi.

Tóm lược về kịch bản và truyện ngắn Nhà có ba chị em:

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu PhươngNhà văn Võ Thị Xuân Hà
Tên tác phẩm"Nhà có ba chị em"."Nhà có ba chị em".
Thể loạiKịch bản phim (54 trang đánh máy)Truyện ngắn (khoảng 4.200 chữ).
Tóm lược tuyến nhân vậtBi kịch gia đình thời hiện đại của ba chị em ruột. Ở đó, mối quan hệ vợ chồng, con cái cha mẹ, ông bà, anh chị em chịu nhiều thử thách, biến động để tìm về chân giá trị của hạnh phúc.Bi kịch gia đình thời mở cửa kinh tế thị trường của ba chị em gái sống cùng một người mẹ già. Mỗi cô gái đều có một cách lựa chọn, cách khát khao và con đường tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình.
Một vài mốc thời gian

- Gửi dự thi Cuộc thi sáng tác kịch bản toàn quốc do Cục nghệ thuật và biểu diễn tổ chức (Quỹ Ford tài trợ) năm 1998. Đến năm 1999 thì xét giải, và năm 2000 thì trao giải.

- Đạo diễn - NSND Xuân Huyền và Đoàn Kịch 1 dựng kịch bản trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Tác phẩm được biết đến qua diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Lan Hương, Anh Tú, Quách Thu Phương ...

- Đoàn dân ca Kịch Quảng Nam dựng kịch bản này trên sân khấu miền Trung.

- Sân khấu Kịch Tao Đàn dựng Nhà có ba chị em với tên mới là Khi người ta yêu.

- Hãng phim truyện VN mua kịch bản này để làm phim do Đỗ Thanh Hải đạo diễn. Phim nhận được Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2006, Cánh diều vàng thể loại phim truyền hình ngắn tập 2006.

- Khoảng năm 1991, 1992, nhà văn Hữu Thỉnh tiếp xúc với bản thảo Nhà có ba chị em. Và truyện được ông chọn đăng trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam.

- Sau đó, truyện được đăng đi đăng lại nhiều lần trong các tuyển tập chung và riêng.

Anh Vân thực hiện

Ý kiến của bạn?
Sưu tầm từ vnexpress