Công trình tiền tỷ của chàng trai khuyết tật
Vượt qua nghèo đói, thất học và tật nguyền, Danh Sếch, người dân tộc Khơme ở xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã đưa ý tưởng bóng đèn cảm quang ánh sáng của mình vào cuộc sống.
Danh Sếch sinh năm 1982, con cả trong gia đình nghèo người dân tộc Khơme. Kinh tế của gia đình Danh Sếch chỉ trông cậy vào mấy sào ruộng, lại có tới 6 anh em. Học đến lớp 9, Sếch phải bỏ học để làm nương rẫy, phụ giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học.
Chàng trai 20 tuổi tràn đầy nhiệt huyết ấy đã không cam chịu cảnh nghèo. Sếch tính đến kế hoạch học nghề để làm ăn kinh tế bền vững, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2004, khăn gói lên Sài thành, Sếch ghi tên vào trường Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ICEVN, TP HCM, do thầy Tín làm giám đốc. Trường thầy Tín là cơ sở thuộc Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam tại TP HCM đào tạo kỹ năng nghề cho học viên khuyết tật.
Thế nhưng, một tai hoạ đã ập xuống đầu Sếch. Một ngày mưa, khi đóng cầu dao điện, Danh Sếch bị điện giật phải nằm viện một tháng. Trở về từ bệnh viện, Sếch bị kết luận mất sức 80% và chiều cao chỉ còn 1,4m do bị điện rút.
Trăn trở nhiều đêm, Sếch không muốn có thêm những người cùng cảnh nên luôn đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để mọi người không bị điện giật? Và ý tưởng bóng đèn cảm quang ánh sáng ra đời.
Biết được ý tưởng này của Danh Sếch, thầy Tín ủng hộ nhiệt tình. Thầy Tín là kỹ sư giỏi, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Kiev (Liên Xô cũ), có nhiều sáng chế về điện đã thành công.
Từ đó, thầy trò miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm. Không được nhanh nhẹn như trước nên nhiều lần thử nghiệm lóng ngóng bị điện giật, đau đớn nhưng Sếch không nản lòng. Thầy Tín và Danh Sếch đã cùng nhau gần hai năm thử nghiệm ý tưởng của Sếch.
Nắm bắt được giá trị của ý tưởng nên khi vừa thành công đã có một doanh nghiệp ở TP HCM đặt mua bản quyền với giá 2,5 tỷ đồng nhưng Sếch không bán.
Gặp Danh Sếch tại Xí nghiệp Nhiệt lạnh Hà Nội, xí nghiệp được T.Ư Hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam giao lại quy trình công nghệ để dạy và sản xuất thành phẩm, Sếch cho biết dù ở lại Hà Nội có ba tháng nhưng sẽ cố gắng để truyền lại hết công nghệ cho các bạn cùng cảnh. Sản phẩm do các bạn trực tiếp sản xuất sẽ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp bán ra thị trường.
(Theo Tiền Phong)