Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Sinh viên Nghiên cứu khoa học: Được và mất

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:36
gửi bởi Theme Hunter

Bộ GD&ĐT đã 11 lần tổ chức xét và trao giải thưởng Nghiên cứu khoa học và giải Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC cho các chương trình Nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên. Tuy nhiên, có không ít công trình thực sự có giá trị dần bị lãng quên trong khi hàng năm, kinh phí và công sức bỏ ra cho hoạt động này là vô cùng lớn.

Mấy năm gần đây, phong trào NCKH trong sinh viên trở nên rầm rộ, kinh phí để đầu tư cho hoạt động này cũng không phải là nhỏ. Chỉ tính riêng năm học 2000-2001, trường ĐH KHXH&NV HN đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho NCKH; ĐH Xây dựng HN: 100 triệu đồng, chưa kể mỗi khoa tự bỏ ra để hỗ trợ thêm hoạt động này.

Trung bình mỗi năm, ĐH Xây dựng HN có khoảng 130-180 sinh viên đăng ký; ĐH Sư phạm khoảng 500 đề tài được đăng ký... Hầu như với sinh viên, hoạt động NCKH là rất bổ ích và lý thú. Theo N.H.T - sinh viên năm thứ 4 ĐH Tài chính - Kế toán HN thì: Làm NCKH vừa giúp mình hiểu sâu hơn về một vấn đề, có thể tập dượt cho việc làm khóa luận tốt nghiệp sau này. Vừa có tiền vừa được cộng điểm lại vừa được mọi người ... nể hơn một chút.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh - giảng viên Khoa Môi trường, ĐH Xây dựng HN cho rằng: Phong trào NCKH không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức, tăng khả năng tư duy và phương pháp luận khoa học, phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong học tập mà còn tạo cho sinh viên tập dượt, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề khoa học trong thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật trong hoạt động NCKH của sinh viên nói chung, đã nảy sinh khá nhiều vấn đề bất cập. Trước tiên là hiện tượng sao chép, ăn cắp công trình NCKH của người khác vì những quyền lợi thu được như cộng điểm, được trợ cấp tiền, ưu tiên khen thưởng... khá hấp dẫn. Đối với các trường có sự tương quan về ngành học như Kinh tế, Ngoại thương, Tài chính, Ngân hàng thì tình trạng nói trên lại càng dễ nảy sinh.

Với những sinh viên có ý định nghiêm túc trong hoạt động này thì ngoài niềm vui tinh thần, không ít người trong số họ đã sớm nhận ra làm NCKH (dĩ nhiên là công trình NCKH thực thụ) không phải là chuyện dễ, nhất là khi bị viêm màng túi. Mặc dù mỗi sinh viên làm NCKH được trường thậm chí cả khoa hỗ trợ trung bình từ 80.000-100.000 đồng để trang trải cho các khoản photo, đánh máy, đóng bìa... nhưng trên thực tế, khoản tiền ấy chỉ như muối bỏ bể.

Có nhiều đề tài NCKH phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng, chẳng hạn đề tài Chiết xuất một chất trong cây bằng gene kỹ thuật mới của H.A, ĐH Dược, phải mất tới 60 triệu đồng vì tiền mua các hóa chất thử nghiệm quá đắt. Chỉ tiếc vất vả tốn kém là vậy nhưng rồi không ít công trình NCKH có giá trị thực sự cũng dần bị lãng quên theo năm tháng do không được ứng dụng trong thực tiễn. Ông Hoàng Ngọc Hà - Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ lập luận: Chất lượng của các công trình NCKH tuy ngày càng cao nhưng đòi hỏi phải đưa vào ứng dụng ngay tất cả thì chưa thể được vì điều kiện nhu cầu, kinh phí... trong khi mục đích chính của NCKH chỉ là tập dượt cho sinh viên phương pháp luận khoa học giúp họ tích luỹ thêm nhiều kiến thức sâu rộng ngoài những gì họ được học trên giảng đường.

(Theo Thanh Niên, 2/3).

Sưu tầm từ vnexpress