Nhà phê bình Nguyên Hưng, tác giả cuốn "Họa sĩ - kẻ sáng tạo nên mình" được giới mỹ thuật quan tâm đến nhờ những bài viết trực diện vào vấn đề, với vốn kiến thức sâu rộng. Anh đã có cuộc trao đổi với VnExpress trước khi sang Mỹ nói chuyện về mỹ thuật Việt Nam đương đại.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, mỹ thuật VN đang khởi sắc?
- Nếu căn cứ trên phần lớn những thông tin trên báo chí, mọi người dễ có cảm tưởng mỹ thuật Việt Nam hiện nay rất rạng rỡ. Họa sĩ, ai cũng tài năng, ai cũng đầy cảm xúc; ai cũng ăm ắp tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cái đẹp; ai cũng sâu lắng thâm trầm hay an nhiên tự tại như những thiền sư, đạo sĩ; ai cũng tràn trề năng lực sáng tạo Còn sinh hoạt mỹ thuật thì hết sức rộn ràng: triển lãm, giao lưu liên tục Thị trường mua bán tranh, tượng cũng nhộn nhịp... nhưng đó không phải là cái nhìn chuyên nghiệp.
- Vậy cái nhìn chuyên nghiệp phải như thế nào?
- Về điểm, lấy tác phẩm làm đối tượng trung tâm, độc lập với tác giả. Về diện, nhìn nó như một chỉnh thể văn hóa mỹ thuật, bao gồm hệ thống giá trị, các mối quan hệ tương tác giữa nó với các thành phần công chúng v.v Nếu nhìn đúng theo nguyên tắc này, ta sẽ có kết quả ngược lại. Tranh tượng nhiều, nhưng những công trình sáng tạo thực sự thì lại quá hiếm hoi. Họa sĩ đông, nhưng đến nay, vẫn không có ai xứng đáng được xem là người mở đầu hay ở vị trí đỉnh cao của một ý thức thẩm mỹ mới, một phương pháp sáng tác mới. Cái tên Mỹ thuật đương đại Việt Nam không chỉ mờ nhạt trên bản đồ nghệ thuật thế giới, mà cả trong tâm tưởng số đông người Việt cũng hết sức mơ hồNói chung, cái vẻ rạng rỡ kia, thực chất, chỉ là một ảo ảnh.
- Vậy anh cho rằng mỹ thuật VN đang trong tình trạng bi quan?
- Điều bi quan không phải mỹ thuật Việt Nam đang tồn tại như một ảo ảnh. Mà bởi vì các nguyên nhân cũng như hậu quả của nó, không được nhận thức, không trở thành đối tượng của phê bình. Và khi còn chưa bị phê bình, nó vẫn còn gây ra những ảo ảnh.
Đan Phượng