NSND Đình Quang: 'Sự ăn xổi sẽ giết chết sân khấu'
"Một số đạo diễn hễ có chút tiếng tăm là tranh thủ chạy sô. Dựng một vở chỉ vài ba chục ngày. Làm quá nhiều, vắt mãi cũng kiệt thì lấy đâu hơi sức sáng tạo. Hễ cứ diễn tả sự đau khổ thì phải cho diễn viên gào thét, hễ là cán bộ thì phải cắp cặp, đeo cà vạt", nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT, kiêm trưởng ban nghiên cứu sân khấu, nói.
- Theo ông, sự xuống cấp của sân khấu hiện nay là do đâu?
- Tôi nghĩ trước hết, những người làm sân khấu phải kiểm điểm mình. Đạo diễn trẻ thì chưa vững tay nghề. Đạo diễn có chút kinh nghiệm lại khó thoát khỏi cái bóng của mình. Trước đây, tôi rất thích cái sân khấu bục bệ của anh Doãn Hoàng Giang. Nhưng rồi, một vở, hai vở... đến vở thứ ba thì... ngán quá. Người khá ở mảng trò thì yếu nền tảng văn học và xử lý tổng thể. Sự hành nghề của đạo diễn chủ yếu là ở cái miệng, tức là nói để cho diễn viên tự sáng tạo. Thế mà có người chỉ thích thị phạm để diễn viên bắt chước cho... nhanh. Như vậy, vô hình trung đã làm giảm khả năng sáng tạo của người diễn.
- Vậy theo ông, muốn kéo khán giả đến rạp thì các đạo diễn phải điều chỉnh như thế nào?
- Chúng ta còn quá ít những vở đi vào xung đột đời sống. Những Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Trương Viên, Sơn Hậu... phản ánh đạo đức tam tòng, trung quân ái quốc, răn người phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, trung hiếu tiết nghĩa... thì làm sao khán giả bây giờ còn mặn mà được. Đã vậy, các mô hình, trình thức cổ điển cùng những quy phạm cách điệu ngặt nghèo cũng khiến đạo diễn khó có thể bứt phá để xây dựng những mẫu hình hiện đại. Có muốn làm chèo, tuồng về đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cũng không biết xử lý sân khấu thế nào cho ra tính cách nhân vật. Bởi không thể cho đại tướng mặt mũi nửa xanh nửa đỏ rồi hát múa, theo mẫu quan vũ trong tuồng cổ được.
- Là người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống phương pháp biểu diễn của Stanislavski và những tác phẩm của Bertolt Brecht, ông thấy sân khấu đã có những thay đổi gì?
- Đầu thế kỷ XX, các vở Chén thuốc độc (Vũ Đình Long), Quẫn (Lộng Chương), kịch Vi Huyền Đắc, Thế Lữ, Song Kim... chỉ làm theo cảm tính và bản năng. Nhưng từ khi tiếp thu ảnh hưởng của Stanislavski và Bertolt Brecht, sân khấu của ta đã dần thoát khỏi tình trạng nghiệp dư. Thông qua Stanislavski, các đạo diễn và diễn viên của ta học được cách hoá thân tự nhiên vào nhân vật. Còn qua Brecht mà sân khấu có thể tiếp thu các phương thức gián cách, tự sự, hoà cảm. Theo tôi, nếu các đạo diễn của ta chịu nghiên cứu đến nơi đến chốn sân khấu phương Tây thì sẽ học được khá nhiều kỹ năng sáng tạo, ví như thủ pháp độc thoại nội tâm của Shakespeare, thủ pháp tạo xung đột trong bi kịch cổ điển Phục hưng....
Hiền Hoà