Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Thành Lộc: 'Cảm ơn số phận đã cho tôi làm nghệ sĩ'

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:40
gửi bởi YTSTNews

Suốt 23 năm theo nghề, Thành Lộc được giới chuyên môn lẫn khán giả tôn là ông thánh sống của sân khấu kịch nói bởi tài năng sáng tạo phong phú, đa dạng trong các vai diễn. Đặc biệt, gần đây, anh cũng được công chúng đánh giá cao trong vai trò đạo diễn.

- Dí dỏm với nhiều tiểu phẩm hài hước sâu - cay, tại sao anh không tham gia "Gala cười"?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một danh hài mà chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, cho nên những gì có tính khoanh vùng tôi không thích tham gia. Đặc biệt ở lĩnh vực hài mà tổ chức thi thì bản thân tôi cho là không hay, vì tiếng cười rất phong phú, muôn màu mà đi thi để xem ai có duyên nhất thì hơi vô duyên.

- Giữa hài kịch và bi kịch, anh thích diễn loại nào?

- Thật sự diễn hài rất mệt, nó đòi hỏi sự vận động nhiều thứ. Diễn hài lao lực nhiều, lại dễ bị khàn tiếng nên tôi vẫn thích bi hơn.

- Suốt 23 năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, anh nghiệm ra được điều gì?

- Những vai diễn cũng là cách để người nghệ sĩ thể hiện tính công dân của mình. Tôi cũng biểu lộ sự thẳng thắn, uất ức, đấu tranh và những thỏa mãn của mình qua vai diễn. Cho nên khi tôi đóng một nhân vật không tốt, một chủ đề tốt thì tất cả những điều đó đều cho tôi một bài học tốt về cách làm người.

- Dư luận cho rằng thế hệ diễn viên trẻ bây giờ thiếu hẳn nội lực so với các bậc đàn anh như Việt Anh, Thành Lộc, Hồng Vân... Là một người trong cuộc, anh nghĩ thế nào về hiện trạng diễn viên sân khấu kịch hiện nay?

- Nghệ thuật, đặc biệt là kịch nói, không thể đánh đồng như một mô hình sản xuất, mà đi theo quy luật hình parabol, có đỉnh điểm và tuột dốc. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong khó khăn, chính vì vậy nó đã kích thích sự vận động để tồn tại. Chúng tôi sống có lý tưởng cụ thể, biết sống và phấn đấu cho một ngày mai tốt đẹp nên có điều kiện để rèn luyện mình nhiều hơn. Ngày nay nhiều diễn viên trẻ nhạy bén hơn với xã hội nhưng khá hời hợt và hướng ngoại, lại thiếu thực tài. Phần lớn các em đến với nghệ thuật không giống như động cơ của chúng tôi, mà chỉ đến với mục đích nổi tiếng là chính. Có quá nhiều con đường để đến với nghệ thuật. Nhưng sân khấu biểu diễn là sân khấu của tài năng. Một khi thiếu thực tài, các em rất dễ bị thời gian lẫn khán giả đào thải.

- Trong vở kịch "Tiếng nguyệt cầm" anh thủ vai Hai Giỏi - một người đàn ông với ngón đàn điêu luyện đã phải trải qua bao sóng gió bởi nghiệp cầm ca. Tiếng đàn ấy có gợi lên điều gì trong anh?

- Tiếng đàn ấy đã lẩy ra một niềm trăn trở: sống trong cuộc đời này con người ta luôn thọ ơn nhau. Cũng như Hai Giỏi, cuộc đời người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng cao thượng, tràn đầy nghĩa nhân như những vai diễn. Nghệ sĩ vẫn cứ là một con người bình thường với những khát vọng, hoài bão đam mê lẫn nhiều điều đáng trách. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi làm một người nghệ sĩ.

- Khi phải đối mặt với những tuyệt vọng tức thời, anh thường làm gì để thoát ra khỏi điều đó?

- Tôi nặng về đời sống tâm linh. Đến tuổi này, tôi không bất ngờ với những gì xảy ra xung quanh nữa. Đôi khi cảm thấy bế tắc tôi đến chùa hoặc quỳ dưới chân Đức Mẹ. Tôi có niềm tin đặc biệt vào các đấng thiêng liêng. Những biến động trong cuộc sống ít nhiều có ảnh hưởng đến vai diễn, nhưng một diễn viên chuyên nghiệp sẽ tự chủ được mình và có thể tạo nên một đêm diễn xuất thần khi vai diễn đồng tâm trạng.

- Dự định sắp tới của anh?

- Tôi sẽ bắt tay dựng nhiều vở chính kịch hay của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục

(Theo Người Lao Động)

Sưu tầm từ vnexpress