Độc giả chúng tôi rất công bằng và rạch ròi lắm, cũng vẫn rất trân trọng những gì mà con người, mà cụ thể ở đây là Quốc Bảo đã có công sáng tạo bởi độc giả cũng rất biết thưởng thức tinh hoa của nhân loại đấy bạn ạ.
Người gửi: Dung Hien,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Về bài của ban Que Anh với nhạc sỹ Quốc Bảo.
Tôi là độc giả thường xuyên của VnExpress nên cũng đã đọc và theo dõi một loạt bài của nhạc sĩ Quốc Bảo và bạn đọc với Quốc Bảo. Tôi cũng đã mường tượng ra cái kết cục sau đó của các bài viết: Phải chăng là không có lý do gì để Quốc Bảo phải có những bài viết lên giọng dạy đời hoặc chĩa mũi nhọn phê phán gay gắt những gì mà ông cho là trái với đạo lý...? Nhưng hôm nay, đọc nội dung bài viết của bạn Que Anh (bạn thân của Quốc Bảo) tôi thấy cần phải đặt thêm một vài dấu chấm hỏi như sau:
- Bạn Que Anh viết: "Cao Bá Quát ngắm hoa của tự nhiên, ngắm mãi. Trong khi bạn tôi, nghịch ngợm hơn, nghĩ đến việc chế ra một bông hoa giấy. Cũng chẳng nhằm mục đích nào khác, ngoài việc làm đẹp cho đời". = > Tôi thấy Que Anh cũng hơi giống Quốc Bảo rồi đấy vì nếu theo Que Anh thì Cao Bá Quát ngắm hoa mà chẳng biết làm gì, như một người vô hồn, chẳng có cảm xúc nên chẳng làm ra được cái gì, còn Quốc Bảo còn nghĩ ra việc chế ra được một bông hoa giấy!?
- "Bạn tôi bị mê hoặc - hơn ai hết, tôi tin điều này... Tiếc thay, bạn tôi không phải người nghe nhạc bình thường. Bạn tôi là nhạc sĩ. Phản ứng của một tay đầu bếp trước món ăn lạ của đồng nghiệp là gì nếu không phải là học cách chế biến nó? Quốc Bảo không là ngoại lệ. Và anh ấy làm với một tình yêu" . = > Que Anh cho rằng bạn của Que Anh không phải là người nghe nhạc bình thường, bạn Que Anh là nhạc sĩ..., độc giả tôi hiểu không lẽ chỉ có bạn của Que Anh là nhac sĩ mới có khả năng thưởng thức âm nhạc như vậy? Thế còn những Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trịnh Công Sơn, Đỗ Hồng Quân và rất nhiều các nhạc sĩ trẻ khác nữa không biết thưởng thức âm nhạc và do đó, họ đã chẳng biết "dùng món ăn của người khác mà chế biến thành món ăn của mình bằng cách thay tên gọi cho sản phẩm chăng!?". Theo tôi, đây là một thứ tình yêu đã bị lạm dụng.
- "Có những người sinh ra với một sứ mệnh. Sứ mệnh của người nhạc sĩ là - chỉ với 7 nốt nhạc - anh ta phải luôn luôn sáng tạo ra những giai điệu đẹp, ca từ đẹp để mang lại hạnh phúc cho người nghe. Đây thực sự là một việc hà khắc với người nghệ sĩ - người kiến tạo cái đẹp - luôn luôn phải tràn đầy cảm hứng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh không còn cảm hứng? Câu trả lời là - vay mượn chúng!".
=> Nhưng ở đây xin được nói rõ thêm: nếu có vay mượn thì cũng nói rõ là vay mượn, chứ đừng lấy họ của mình đặt tên cho đứa con tinh thần do người khác sinh ra nó, trong khi đó mình chỉ mất mỗi tiền mua quần áo cho nó mặc mà thôi!
- "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người thì nhiều, tư tưởng thì ít. Hết thảy những gì ta suy nghĩ là gần như nhau. Chúng ta truyền cho nhau tư tưởng, trao đổi chúng, vay mượn chúng, lấy cắp chúng. Người ta nghe nhạc để tìm thấy hạnh phúc. Người nghệ sĩ mang lại hạnh phúc cho người khác - đó là sự hoàn thành sứ mệnh một cách rất nhân đạo". => Tôi thấy ban Que Anh hơi nhầm lẫn một chút trong việc sử ôujng từ "lấy cắp chúng" ở trên, chúng ta có quyền cho nhau, trao đổi hoặc vay mượn nhau, rất nhiều các công trình khoa học hay các sản phẩm tinh thần hoặc vật chất khác. Sau khi hoàn thành thì người làm ra chúng bao giờ cũng có phần chú thích ở trang cuối hoặc ngay trên sản phẩm cũng ghi rõ để người xem biết được rằng nó được tham khảo từ tài liệu của ai, hay được làm theo bản quyền nào... Những người đang hoàng bao giờ cũng làm như vậy, còn ngược lại không đàng hoàng thì mới phải "lấy cắp chúng".
- "Tôi đã qua tuổi 20, vẫn còn thấy hân hoan mỗi khi nghe bài Hai Mươi của Quốc Bảo do Mỹ Tâm hát. Hạnh phúc là cảm giác - không đo được. Nhưng tri ân người mang lại hạnh phúc là điều khả dĩ và nên làm." => Tôi hoàn toàn ủng hộ
- "Tên tuổi Quốc Bảo được xây dựng nên như ngày hôm nay không phải do riêng Tuổi 16. Không có Tuổi 16, Quốc Bảo vẫn nổi tiếng với các ca khúc độc đáo của riêng mình. Bạn tôi bị mê hoặc - không phải là ngụy biện, song khi người ta bị mê hoặc thì có tỉnh táo bao giờ?"
=> Hoàn toàn đồng ý với bạn Que Anh ở điểm này.
- " Điều đáng trách duy nhất ở ban tôi là anh đã không thật thà. Thay vì chú thích Phóng tác từ ca khúc Renaissance Fair của R. More, thì anh ban tôi tự nhận luôn Sáng tác - nhạc và lời: Quốc Bảo. Một chút háo danh chăng? Một chút quá tự tin rằng thiên hạ không ai nghe Shadow of The Moon chăng? Chuyện này tôi không bàn đến. Vâng, hội nhạc sĩ nói đúng - đây là chuyện liên quan đến danh dự của một người. Vậy đâu là giá trị đích thực của con người? Theo tôi, đó là sự lương thiện. Người ta có thể thật thà nhưng không lương thiện. Có người thật sự lương thiện nhưng đôi lúc lại không thật thà. Và Quốc Bảo là một người lương thiện" => xin xem lại định nghĩa từ "lương thiện" trong từ điển.
- "Nghệ sĩ là món quà của Thượng Đế. Nhưng đừng quên họ cũng là con người. Vì vậy, khi cần phải phán xét, hãy cứ nghiêm khắc nhưng đừng nhẫn tâm phủi tay với những gì họ đã làm" => Nghệ sĩ là món quà của Thượng đế - cũng có thể , nhưng đừng quên rằng Thượng đế cũng sẽ thẳng tay trừng phạt kẻ nào dám lạm dụng những gì Thượng đế đã ban để làm điều dối trá, mà trước đó chính họ cũng đã lên tiếng bảo vệ hoặc phê phán gay gắt trước bàn dân thiên hạ!
Độc giả chúng tôi rất công bằng và rạch ròi lắm, cũng vẫn rất trân trọng những gì mà con người, mà cụ thể ở đây là Quốc Bảo đã có công sáng tạo bởi độc giả cũng rất biết thưởng thức tinh hoa của nhân loại đấy bạn ạ.