Môi trường giáo dục nước ngoài tạo cảm hứng sáng tạo
"Những ngày học ở môi trường quốc tế đã tạo cho tôi cảm giác muốn được đến trường, muốn được học, thích thú với những bài tập vì đó là cơ hội sáng tạo và thể hiện khả năng của mình" - Nguyễn Thị Khánh Ngọc, sinh viên khoa media communications ĐH Webster (Mỹ) tâm sự.
Năm đầu tiên khi đặt chân vào trường ĐH Mỹ, tôi học môn introduction to literature (văn học). Khi thầy thông báo chúng tôi sẽ học một cuốn sách mới đoạt giải Pulitzer, ai cũng thấy phấn khích.
Nhưng chúng tôi không được yêu cầu phải phân tích nhân vật này, bình luận nhận định kia như ở VN. Chúng tôi đọc tác phẩm, tổ chức đóng kịch rồi nhận xét về nó một cách khách quan, theo cảm nghĩ của mình.
Bài thi giữa kỳ là Nếu được chọn, bạn muốn trở thành nhân vật nào trong tác phẩm, và tại sao?. Suy cho cùng đó cũng là yêu cầu phân tích nhân vật, nhưng cách ra đề làm chúng tôi thấy hứng thú biết bao. Đầu mỗi buổi học, thầy tôi lại phát cho mỗi sinh viên một viên kẹo và một bài thơ. Thầy cho chúng tôi đọc, giải thích những chỗ khó hiểu rồi hỏi chúng tôi nghĩ gì về bài thơ, có thích không? Đương nhiên chúng tôi thoải mái nói thích hoặc không thích! Không ai ép chúng tôi phải cảm nhận theo một khuôn mẫu nào cả.
Môn composition (tương tự tập làm văn ở VN) thì còn thú vị hơn nữa khi chúng tôi được yêu cầu viết về một ai đó trong trường, về một địa danh chúng tôi yêu thích, về chính mình, viết một bài nghiên cứu về một đề tài tùy chọn, thậm chí free writing - viết cái gì cũng được. Chỉ vậy thôi, nhưng sau khi học thấy khả năng viết của mình khá hơn hẳn. Vì với những đề bài thế này, chúng tôi không thể chép sách nào ra được mà phải tự mình viết. Hơn nữa sinh viên chúng tôi luôn thấy việc viết về bản thân, về những nơi mình đã đi qua, về những bạn bè là hào hứng và thú vị biết bao.
Khi học lớp marketing, tôi được giáo sư yêu cầu chọn một ad (mẩu quảng cáo) bất kỳ, nhìn vào ad rồi phân tích đối tượng khách hàng mà ad này nhắm vào, sau đó thử tưởng tượng ra một ngày của nhóm khách hàng này. Tôi lại say mê giữa một đống tạp chí có quảng cáo, chọn lựa, phân tích, tưởng tượng rồi viết. Sau này thành thói quen, gặp bất cứ mẩu quảng cáo nào tôi cũng phân tích nó và lấy làm thích thú.
Cuối học kỳ, tôi cùng một anh bạn đồng hương được giao viết một kế hoạch marketing cho một sản phẩm bất kỳ nào đó. Cả hai đều thích ăn kem nên chọn ngay kem Swensens của Mỹ, nghĩ về việc đem thương hiệu này vào VN và cùng nhau viết một kế hoạch tiếp thị. Một bài thi cuối kỳ nhưng lại thi về cái chúng tôi yêu thích nên chúng tôi hăm hở đi... ăn kem để tìm hiểu thêm rồi hăm hở viết. Không thấy áp lực thi cử, chỉ thấy Đây là hãng kem mình thích nhất, sao không cố gắng viết cho nó một bản kế hoạch trên cả tuyệt vời?.
Học về nhiếp ảnh, thầy giáo yêu cầu chúng tôi chụp một bộ 12 tấm ảnh để kể một câu chuyện có nội dung bất kỳ. Tôi lại háo hức diễn lại vài cảnh lãng mạn trong trò chơi điện tử Final Fantasy với tôi là... người mẫu chính để các bạn chụp. Nửa khuya xuống hồ bơi ký túc xá, ngâm mình dưới nước chụp hình nộp cho thầy, không đủ ánh sáng nên phải bố trí thêm đèn pin nhưng chúng tôi không hề oán trách thầy.
Ông thầy dạy kế toán (accounting) có lần tâm sự: Kế toán là cái duy nhất mà tôi giỏi trên đời này!. Câu nói đó cho tôi biết rằng học cái gì cũng phải có niềm đam mê, yêu thích thì mới giỏi được. Nếu chúng tôi làm bài tốt, thầy cô không tiếc lời khen ngợi. Làm chưa đạt, họ cũng chỉ nói: Em làm chưa hết sức của mình. Tôi biết em có thể làm khá hơn!. Những câu như vậy làm chúng tôi thấy được tôn trọng và tin tưởng. Nó khác với lời phê quá kém mà tôi nhận được khi làm hỏng một bài kiểm tra toán năm lớp 7.
Quay lại giáo dục nước nhà, khoan bàn về việc thiếu thốn cơ sở vật chất, cơ chế còn nhiều bất cập... một khác biệt lớn giữa giáo dục Vịêt Nam và giáo dục của các nước tiên tiến là chương trình học của chúng ta không tạo được cảm hứng cho học sinh. Mà làm sao ta có thể làm xuất sắc được một việc nếu ta không thật sự yêu và hết lòng với việc đó?
Sinh viên, học sinh đến lớp học kiểu đọc - chép như những cái máy, cố gắng nhồi nhét chữ vào đầu để rồi thi xong là chữ thầy trả thầy. Có bạn học tà tà để lấy điểm 5, có bạn cố gắng đạt học sinh khá, giỏi cho ba mẹ vui lòng, để được đi du học. Có bạn học trối chết để mong đậu vào ĐH.Vào ĐH rồi thì nhởn nhơ chơi bời, đến kỳ thi mới học sáng đêm cho kịp.
Có sinh viên cố học để ra trường có tấm bằng đi xin việc làm. Nhưng bao nhiêu phần trăm các bạn học vì yêu thích, học chỉ vì cảm giác muốn học bài, muốn làm bài để khám phá những tri thức kỳ thú quanh mình? Cũng không trách các bạn được, bởi một chương trình học ôm đồm, nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành như thế thì làm sao truyền cảm hứng cho các bạn đây?
(Theo Tuổi Trẻ)