'Tính công chức hạn chế cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ'
Việc một đạo diễn người miền Nam ra dựng vở ở Hà Nội là chuyện hy hữu của sân khấu VN những năm gần đây. Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu là trường hợp "hiếm có" như vậy. Bắt đầu lên sàn tập từ 1/6 vừa qua, vở diễn "Trên cả trời xanh" do ông dàn dựng cùng Nhà hát Kịch VN đã hoàn thành.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu. |
- Ông có thâm niên làm đạo diễn tại miền Nam - nơi xu hướng xã hội hóa sân khấu đang phát triển mạnh, trong khi đó sân khấu phía Bắc vẫn thiên về bao cấp và chuyển động ì ạch, nặng nề. Ông thấy sao về sự khác biệt ấy?
- Tôi cũng hơi ngỡ ngàng. Ngoài này diễn viên làm việc rất có kỷ luật. Điển hình là chuyện dựng vở: 8 giờ họ có mặt ở sàn tập, 11 giờ ngừng lại ra về. Trong Nam thì khác hẳn: vào buổi tập, diễn viên rất khẩn trương, bởi họ không có thù lao cho việc đó. Bắt đầu tập mà chưa thấy "hứng", họ sẵn sàng bỏ đấy ngồi nghỉ. Tới lúc thấy làm tiếp được rồi, diễn viên "cày" một mạch tới nửa đêm và dừng lại khi thấm mệt hoặc ưng ý.
Tôi tự hỏi: Với nghệ sĩ, tính công chức là tích cực nhưng phần nào cũng hạn chế cảm hứng sáng tạo của họ chăng?
- Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào môi trường làm việc của từng nhà hát. Một nhà hát của TP HCM dựng trung bình 6 vở/năm, trong khi tại Hà Nội, con số chỉ là 2 thôi. Ông nói gì về điều này?
- Có thể, mật độ dựng vở như vậy giúp bạn nghề ngoài này tập trung đầu tư cho vở diễn nhiều hơn. Nhưng cường độ làm việc cũng là một cái gì đó ảnh hưởng rất mạnh đến tính chuyên nghiệp của diễn viên. Tôi hiểu hoàn cảnh của các diễn viên trẻ ngoài này. Dù muốn, không phải vở diễn nào của Nhà hát họ cũng có cơ hội được tham gia. Và nói thật, tâm lý ấy ảnh hưởng khá nhiều đến thái độ với nghề.
- Còn một điều nữa cũng ảnh hưởng đến tâm lý biểu diễn: các diễn viên phía Nam sống được bằng nghề, trong khi phía Bắc thì chưa. Ông nhận xét thế nào?
- Tôi chưa rõ ngoài này thế nào. Nhưng tại TP HCM, mức cát-xê chính là một áp lực ghê gớm cho các diễn viên. Mỗi diễn viên có một mức giá riêng. Chẳng hạn, Thành Lộc có một mức giá. Hồng Vân có một mức giá khác. Rạp đông hay vắng, họ vẫn được nhận mức thù lao ổn định cho suất diễn của mình. Bởi vậy, dù chỉ có chục khán giả đến rạp, diễn viên vẫn phải cố gắng đầu tư cho vai diễn. Đó vừa là trách nhiệm vừa là lòng tự trọng của họ.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)