Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Vi Thùy Linh - kẻ si tình chung thân với nghệ thuật

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:43
gửi bởi YTSTNews

"Tôi biết ơn độc giả của mình và ước mong mọi người cũng như tôi, nhìn thế giới này qua "Đồng tử" - con mắt của tình yêu, để sống trong tình yêu thương và sáng tạo, nhân lên những cái đẹp và sự sinh sôi", nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh tâm sự với VnExpress.

- Hơn 10 năm gắn bó với thơ ca, chị thu về cho mình được những gì?

- Tôi là người thẳng tính và chân thành, yêu ghét rõ ràng nên đã phải chịu nhiều búa rìu dư luận từ khi gắn bó với thơ. Nhưng gia tài của tôi không phải là búa rìu mà là thành tựu. Hơn 10 năm nay tôi vẫn vững vàng bám trụ với thơ ca, điều này chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu và niềm đam mê. Tôi bất chấp mọi giông bão để dấn thân bởi tôi tin vào con đường mình đã chọn. Nhân cách và tài năng là những yếu tố không thể nào thay thế ở một người cầm bút. Những cuộc tranh cãi, khen chê ầm ĩ trên báo chí rồi cũng bị lãng quên. Cái đọng lại ở một nhà văn cuối cùng là tác phẩm - nơi kết tinh sức lao động nghệ thuật, đạo đức của người viết. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh. Ảnh: Đồng Đức Thành
Nhà thơ Vi Thùy Linh. Ảnh: Đồng Đức Thành

- Chị có nói, 5 năm qua chị đã phải "lao động cật lực trên bản thảo" để có được tập thơ "Đồng tử", nhưng công việc sáng tác thơ lại phụ thuộc rất lớn vào cảm xúc. Chị có thể giải thích thêm về ý nghĩa của sự "lao động cật lực" trong trường hợp này?

- Ở đây, tôi muốn nói đến ý thức lao động chuyên nghiệp. Ở những nhà thơ nghiệp dư, họ thường coi con đường đến với thơ ca của mình là một cuộc chơi, cuộc vui, thích thì làm không thích thì thôi. Nhưng nhà thơ chuyên nghiệp là người sống bằng thơ, sống vì thơ và gắn bó suốt đời với thơ. Một người nghiệp dư có thể làm việc một cách ngẫu hứng nhưng một nhà thơ chuyên nghiệp phải vững vàng về kỹ thuật và làm thơ thoát ra khỏi bản năng. Đó cũng là phong cách làm việc của tôi. Trước đây, khi cảm xúc đến tôi thường ghi lại nó, và sau đó chỉnh sửa, nhưng bây giờ khi cảm xúc đến tôi nghĩ về nó, về cấu tứ bài thơ, về những hình ảnh, cấu trúc để triển khai cảm xúc.

Để trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp, tôi đã trang bị cho mình một tiềm lực dồi dào. Tôi không dám so sánh với nồi cơm Thạch Sanh nhưng nếu coi nguồn sáng tạo của tôi như một kho lương thực thì nó khá phong phú, không đến nỗi "ăn bữa sáng phải lo bữa tối".

- Nhiều người nhận xét thơ chị mang tinh thần giải phóng phụ nữ. Chị có thể nói rõ hơn về nguồn cảm hứng này?

- Tôi không thích câu nói: "Không có người phụ nữ xấu, chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp". Có chứ, có những người phụ nữ xấu, đó là những người thiệt thòi. Thơ tôi bao dung cho cả những người phụ nữ như vậy. Giải phóng phụ nữ theo tôi không phải là giải phóng họ khỏi những thiên chức của nữ giới mà nhắc họ phải sống đúng với thiên chức của mình. Hãy sống đúng với nữ tính của mình, đó là sự giải phóng lớn nhất. Tôi thấy kỳ lạ vì có những người phụ nữ rất thích chồng làm những việc lớn nhưng khi chồng mải làm việc lớn thì họ lại phàn nàn, chồng mình không biết làm việc nhà. Còn những ông chồng rất thạo rửa bát, quét nhà lại bị vợ mắng là hèn, chỉ biết quanh quẩn ở xó bếp. Phụ nữ là một khối mâu thuẫn lớn nhưng phụ nữ hiểu biết thì mâu thuẫn ít hơn.

- Chị từng nói, thơ bây giờ mà cứ đòi hỏi phải có vần là điều lạc hậu. Nhưng thơ chị lại khá giàu nhạc tính. Vậy yếu tố quan trọng nào tạo nên tính nhạc trong thơ chị?

- Tôi thường sáng tác thơ theo thể tự do bởi nó giúp tôi biểu lộ cảm xúc một cách chân thực và mãnh liệt nhất theo nhịp điệu của cảm xúc ấy. Có thể so sánh như thế này, trong hội họa có những họa sĩ nắm rất vững về anatomy (giải phẫu cơ thể) nhưng anh ta không chịu vẽ theo phong cách tả thực mà anh ta vẽ siêu thực, còn một số họa sĩ vẽ người nghiêng, người đổ vì không bao giờ vẽ được người thẳng. Nếu ví hai loại họa sĩ này với các nhà thơ, thì tôi thuộc loại thứ nhất. Vần luật cơ bản của các thể thơ tôi đều nắm rõ.

Thơ tự do không có nghĩa là bừa bãi. Đã là thơ phải có nhịp điệu. Nhạc điệu thơ nằm ở trong cách phối hợp bằng, trắc; cách ngắt nhịp các câu thơ; sử dụng các âm bắt vần; hoặc sự hòa hợp uyển chuyển giữa các từ trong một câu thơ. Nếu thơ có vần dễ lọt tai người đọc thì thơ tự do, không vần luật chịu áp lực rất lớn lên từ ngữ, hình ảnh và các phép tu từ.

- Là tác giả của những câu thơ miêu tả nụ hôn rất hay như "Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh", "Anh lại tô mọng môi em bằng môi anh, lần thứ chín trăm chín chín" ... chị quan niệm thế nào về ý nghĩa của nụ hôn đối với tình yêu nam nữ?

- Tôi nghĩ, khi hai người hôn nhau trong im lặng thì đó là sự hòa nhập của vũ trụ, của âm và dương. Nụ hôn có thể hóa giải nhọc mệt, buồn phiền và hờn dỗi. Khi họ "cài then tiếng khóc" của nhau bằng những nụ hôn thì đó không phải là sự đóng lại mà mở ra một thế giới - thế giới của tình yêu mà nó có thể khước từ mọi chân lý duy lý cũ, sinh tạo các chân lý khác bằng sự sinh sôi kỳ diệu. Tôi ước ao được chứng kiến những nụ hôn đẹp giữa một không gian công khai, rộng lớn. Tại sao khi hôn nhau người ta cứ phải lén lút. Tôi sẽ rất hãnh diện đi bên người yêu và được âu yếm nhau bằng những cử chỉ văn hóa chứ không phải cố gắng kìm nén để tìm một bụi rậm nào đó. Không thể gượng ép mãi vào sự khác nhau giữa văn hóa Á Đông và văn hóa phương Tây, trong khi văn hóa của loài người nói chung luôn luôn biết tôn trọng những giá trị nhân văn và thẩm mỹ.

Vi Thùy Linh tại Pháp. Ảnh:
Vi Thùy Linh tại Pháp. Ảnh: Phan Huy Đường

- Là một người viết trẻ, chị nghĩ sao về tình trạng thiếu các nhà phê bình đích thực cho văn học đương đại?

- Lâu nay, phê bình ở mình như một cái chợ, chen lấn, xô đẩy, cãi vã, thậm chí nói những lời rất thiếu văn hóa với nhau và thường dùng thủ pháp cắt đứt khỏi câu, chụp mũ, vu cáo... Phải bám vào văn bản, tất cả phải làm việc trên văn bản, trích đúng, trích chính xác. Câu thơ của tôi "Hôn đi môi anh ủ lửa" từng bị trích là "Hôn đi môi anh ủ lưỡi" để kết luận đấy là một câu thơ tục tĩu. "Môi ủ lửa" thì làm sao mà tục tĩu. Tôi chưa bao giờ tục tĩu cả, bởi tôi là một người duy mỹ đến cực đoan. Trong thơ tôi, tôi đặc biệt chú trọng đến sáng tạo ngôn ngữ và hình ảnh. Tư duy thơ của tôi là tư duy hình ảnh.

- Vi Thùy Linh trình làng một "cái tôi nhà thơ" mạnh mẽ, táo bạo và nồng nhiệt, vậy con người đời thực của Vi Thùy Linh như thế nào?

- Nghệ sĩ cần táo bạo, cần mãnh liệt để phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật chứ không thể chỉn chu như công chức hoặc mô phạm như một nhà giáo. Nhưng trong cuộc sống bình thường, tôi luôn cố gắng làm tròn bổn phận của mình. Tôi thích chăm sóc gia đình, thích tặng quà cho người khác. Tuy không biết thêu thùa đan lát, nhưng tôi biết trang trí nhà cửa. Tôi có một tình yêu lớn và đẹp. Tình yêu đó đã động viên tôi rất nhiều cuộc sống. Khi nghĩ đến những nhà thơ, nhà văn Việt Nam, người ta thường ái ngại cho nhan sắc và cuộc sống riêng tư của họ, nhưng bằng nữ tính và sự tự tin của mình, tôi sẽ cố gắng để không phải nhận sự ái ngại của người khác.

- Trong cuộc sống, chị sợ điều gì nhất?

- Tôi sợ phải sống trong tình trạng đề phòng, phải thế chấp lòng tin với người khác. Con người tôi thẳng thắn, riêng biệt và nữ tính. Tôi muốn sống một cách hồn nhiên, được nói thẳng những điều mình nghĩ, sáng tạo ra một thế giới thơ ngây và đẹp đẽ trong tình yêu.

Hà Linh thực hiện

Sưu tầm từ vnexpress