Đạo diễn sân khấu trẻ sáng tạo trong chật vật

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Đạo diễn sân khấu trẻ sáng tạo trong chật vật

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 14:46

Dựng vở đầu tay ấn tượng, rồi mất tăm. Chật vật làm vở tốt nghiệp đạo diễn rồi tuyên bố không theo nghề vì "oải". Tuy đầy trẻ trung, nhiệt huyết, một lớp đạo diễn sân khấu kịch hôm nay đang khó nhọc tìm đường. Thành công, hay thất bại, họ chung trăn trở: "Sân khấu VN chưa nhiều đất để sáng tạo".

Sau vở kịch cổ điển Salome gây tiếng vang một thời gian, đạo diễn trẻ Hồ Minh Thương lặn mất tăm. Hỏi ra mới biết, dù đã được gọi là đạo diễn, Minh Thương cũng rơi vào tình trạng "hẫng" và ngồi chờ kịch bản hay tiếp theo, và hy vọng được nhận về một sân khấu.

Chuyện của đạo diễn Q.T. cũng gian truân không kém. Vốn là một diễn viên hài ăn khách, anh quyết chí bỏ tiền bạc và mấy năm trời theo học ngành đạo diễn sân khấu. Nhưng chỉ sau khi dựng vở đầu tay để làm vở tốt nghiệp gặp đủ sự cố, Q.T. mới thấm được nỗi khó nhọc của nghề đạo diễn kịch: vừa eo hẹp về tiền bạc, vừa khan "đất" để sáng tạo, lại thêm tự biết khả năng có hạn. Đến nay, anh vẫn chưa biết bao giờ mình có thể dựng được một vở kịch ấn tượng như từng mơ ước. 

Đạo diễn sân khấu Đức Thịnh. Ảnh: BHD.

Muốn cho ra đời một vở kịch hay, đạo diễn trẻ trước hết phải có sân khấu để thể hiện ý tưởng, tiếp đến là có kịch bản, rồi cả một êkíp phía sau lo liệu trăm thứ: âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, thiết kế sân khấu. Thế nhưng, trong tình trạng sân khấu TP HCM hiện nay, ít đạo diễn có may mắn được làm việc với một êkíp hoàn chỉnh. Chuyện đạo diễn phải ngồi dài cổ chờ diễn viên đến sàn tập, hay ngai ngái lo diễn viên "xù" vai, rồi ý tưởng đạo diễn không đồng điệu với người thiết kế sân khấu là chuyện thường xảy ra.

Đạo diễn Đức Thịnh than, có những điều anh ấp ủ nhưng cũng chỉ để đó, vì biết rằng không thể nào thực hiện được. Ví dụ, anh muốn dựng vở kịch diễn ra trên một chiếc xe buýt, nhưng bàn với ai thì sẽ nhận câu: "Điên à, sao làm được!".

Phương tiện kỹ thuật dành cho sân khấu chưa cao, nên đạo diễn loay hoay và không dám có những ý nghĩ táo bạo, khi bắt tay vào thực hiện thì phải "kéo ý tưởng xuống một bực". Kết quả là sân khấu TP HCM hiện giờ chỉ trình diễn kịch sinh hoạt vui vẻ, dễ hiểu, gần gũi với đời sống người dân là chính.

Thái Hòa, đạo diễn dựng thành công Người vợ ma, một vở kịch được đánh giá là hiện tượng nổi bật của sân khấu TP HCM năm qua, cũng có nhiều tâm sự. Nói về thành công của vở kịch, anh cho biết, mình may mắn được làm việc với bà bầu Hồng Vân và một dàn diễn viên hết sức tâm huyết. Thế nhưng, bản thân anh cũng "phải biết liệu cơm gắp mắm", chưa dám tung tẩy nhiều mà tìm cách tiết kiệm tối đa cho "bà bầu". 

Đạo diễn Minh Thương (ngoài cùng, bên phải) sau lần ra mắt "Điệu nhảy cuối cùng" gây tiếng vang, đến nay vẫn chưa biết khi nào sẽ tiếp tục dựng vở. Ảnh: A.V.

Dù được khen rất nhiều, Thái Hòa cũng chỉ là một đạo diễn tự học, chưa từng trải qua trường lớp chính quy về đạo diễn sân khấu. "Giả sử mà được đưa 3-4 tỷ đồng thì tôi cũng chẳng biết làm gì, bởi tôi tự hiểu mình còn phải học nhiều lắm để biết cách nên và không nên làm gì nhằm mang lại hiệu quả sân khấu thật sự", anh nói.  

Nhiều đạo diễn trẻ ban đầu đến với sân khấu kịch vì đam mê, nhưng sau đó, phải "dan díu" với kịch truyền hình, làm nhiều công việc khác, hoặc quay sang theo đuổi điện ảnh để lấy ngắn nuôi dài và thoát khỏi cảm giác bức bối khi không thể sáng tạo trên mảnh đất sân khấu kịch chật chội. 

Thái Hòa nói, đôi khi anh cảm thấy tương lai người đạo diễn sân khấu không sáng sủa chút nào, thậm chí khá mờ mịt. Thêm vào đó, đạo diễn kịch trẻ TP HCM hiện nay hầu như đều luẩn quẩn trên sân khấu trong nước. Họ chỉ biết là sân khấu mình tụt hậu hơn người, chứ nước ngoài làm thế nào để phát triển nghệ thuật này thì họ... chịu.  

Dù được đánh tiếng là một trong những người được lựa chọn theo diện nhà nước đầu tư đưa đi du học chuyên môn, nhưng đến nay, Đức Thịnh vẫn chưa biết đích xác là sẽ được đi học lúc nào. Anh không tin vốn ngoại ngữ của mình có thể kham nổi chuyện học nơi xứ người. Thế nhưng, anh rất muốn đi một lần cho biết. Đi để được tận mắt xem các nước bạn đang làm sân khấu như thế nào, "sục" vào tận hậu trường, khán đài quan sát những hoạt động bếp núc của họ.

Lực lượng đạo diễn sân khấu trẻ hằng năm ra lò không ít, nhưng phải qua sự đào thải ghê gớm mới có thể trụ lại trên thị trường sân khấu. Ngay cả người trụ lại được cũng thẳng thắn thừa nhận, họ còn thiếu sự táo bạo, thấy đề tài ăn khách, môtíp hấp dẫn là chạy theo. "Mà nếu chỉ vin vào số lượng vé bán ra, mải mê đề tài ăn khách mà không dám làm những gì đúng nghĩa với chữ "sáng tạo" trong nghệ thuật thì quả là bi kịch", một đạo diễn tâm sự.

Không chịu nổi tình trạng sốt ruột, đạo diễn Minh Thương tự làm một chuyến sang tận Thụy Điển tìm hiểu về cách làm sân khấu xứ người. Nhưng khi về nước, nữ đạo diễn trẻ lập một shop kinh doanh để kiếm sống, vì thừa biết dù có học được nhiều thì điều kiện dựng vở tâm đắc ở quê nhà vẫn mờ mịt. Tuy vậy, Minh Thương vẫn nuôi hy vọng có một dịp được làm những vở kịch nghệ thuật thật sự cho khán giả Sài Gòn vì luôn "rất nhớ sân khấu".

Thiếu thốn, hạn chế về điều kiện nhiều mặt, non kém kịch bản, mỏng ở nhân lực. Đó chính là những nguyên nhân khiến sân khấu kịch Việt Nam chịu những nhận xét như: "Còn thua xa sân khấu học đường, sân khấu du lịch của các nước". Dù vậy, những đạo diễn trẻ vẫn phải làm việc để chờ đợi một sự thay đổi trong tương lai.

Thái Hòa vẫn miệt mài viết kịch bản Quả tim máu, tiếp tục dòng kịch kinh dị đang ăn khách trong năm 2006. Song song đó, anh còn bỏ công viết một vở hài kịch.

Còn Đức Thịnh đang gấp rút viết đề án xin Sở Văn hóa thông tin TP HCM duyệt và cấp kinh phí dựng một vở kịch lịch sử tại nhà hát Hòa Bình. Vở này có tên Chiếc áo thiên nga, nói về chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu. Anh dự trù kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng, nhưng nếu điều kiện eo hẹp với 300 triệu anh vẫn nghĩ mình có thể thực hiện vở kịch. Đức Thịnh cho biết, điều anh nhắm đến không phải là vở kịch sẽ hút thật nhiều khán giả: "Tôi muốn tất cả những ai quan tâm đến sân khấu, khi bỏ tiền vào xem sẽ cảm thấy hài lòng".

Anh Vân

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến243 khách


cron