Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Phim truyền hình 'vật lộn' với đề tài mới

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:46
gửi bởi YTSTNews

Phim có nhiều đề tài lạ, nhưng cách khai thác thiếu sáng tạo đã dẫn đến tình trạng tác phẩm ra đời đi vào lối mòn kể lể lê thê thực tế cuộc sống. Nhiều sản phẩm còn lặp lại nội dung của những phim đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng trước đây.

Với đòi hỏi về số lượng phim sản xuất để phủ sóng, lấy lại uy thế của phim truyền hình Việt Nam hiện nay, điều mà các nhà làm phim trăn trở nhất là kịch bản đủ sức hấp dẫn người xem. Đứng trước áp lực sản xuất 300 tập phim mỗi năm, Giám đốc hãng TFS có lần than thở về tình trạng "thiếu sức hút" của các kịch bản phim truyền hình, cả về đề tài lẫn cách khai thác. Cùng tình trạng, những hãng tư nhân như BHD, Viet Family... đã thay thế cho việc phải sử dụng một kịch bản của tác giả trong nước bằng cách chọn nhập khẩu kịch bản đã đảm bảo độ ăn khách rồi "Việt hóa".  

Phim "Mùi ngò gai", sản phẩm do Viet Family và hãng CJ sản xuất.
Ảnh: VietFamily.

Thực tế, nhiều phim truyền hình do tác giả trong nước viết kịch bản thời gian gần đây, câu chuyện được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, độ lắt léo cũng được "nêm nếm" tăng giảm khác biệt rõ rệt, nhưng loay hoay vẫn thấy thấp thoáng những chuyện đã nói rất nhiều: kiểu nhân vật nữ chịu thương chịu khó, vượt qua nghịch cảnh như Na (Vòng xoáy tình yêu), Vy (Mùi ngò gai)...; cuộc đấu tranh quyết liệt trong thời buổi kinh tế thị trường (Hướng nghiệp, Nhịp đập trái tim...); tình cảm tay ba tay tư giữa nam thanh nữ tú (Chuyện tình yêu, Anh chỉ có mình em, 39 độ yêu)...

"Chính vì lý do này mà bắt tay sản xuất phim, để an toàn về chuyện doanh thu, nhà sản xuất không chỉ chú trọng vào đạo diễn giỏi, diễn viên đẹp, kinh phí đầu tư cao... mà đề tài còn phải đảm bảo: lạ, hút", "ông bầu" Phước Sang phát biểu.

Sau một thời chuyện tình yêu của giới trẻ, làm ăn, tiêu cực, tham nhũng... được khai thác đến mòn màn ảnh, nhiều đề tài như ẩm thực, nghề báo, bác sĩ, người mẫu, ca sĩ... đã được đưa vào nói khá mặn mà trên phim truyền hình thời gian qua. Những chuyện chưa bao giờ hoặc ít được nói đến trên phim truyện Việt Nam cũng đang được thai nghén, thực hiện như: nghề thám tử, MC, thị trường chứng khoán, người ngoài hành tinh...

Các diễn viên trong phim về nghề MC, 'Tôi là ngôi sao'. Ảnh: MT Picture.

"Hai yếu tố lạ và hút của một đề tài phim truyền hình nghe có vẻ liên quan, nhưng không hẳn lúc nào cũng song hành. Những chuyện lạ mà cách khai thác cũ chưa chắc đã hút, những chuyện có khả năng hút khán giả chưa chắc đã phải là những chuyện lạ", đạo diễn Mỹ Khanh nói. Theo chị, yếu tố hấp dẫn của một chuyện phim không chỉ dừng lại ở đề tài mà còn phụ thuộc vào cách triển khai một cách có sáng tạo của đạo diễn.

Thực tế của việc triển khai đề tài phim truyền hình hiện nay được giới chuyên môn cho là đi ngược lại với xu hướng sáng tạo của một tác phẩm nghệ thuật. "Nhiều đạo diễn chỉ tranh thủ đưa thực tế cuộc sống trong tác phẩm của mình, lời nói, hành động của nhân vật là ngồn ngộn chất liệu thực tế. Họ kiểm soát chặt chẽ để khi lên phim không bị người xem "bắt giò", nhưng nhiều khi xem xong, chẳng hiểu muốn nói gì", chị Lan, giáo viên dạy văn trường Lương Thế Vinh, TP HCM, nói.

"Nghệ thuật cần sự bay bổng. Nếu chỉ là thực tế thì xem báo hay hơn chứ cần gì phải xem phim", anh Hoàng Hải Nam, nhân viên kinh doanh gas, quận 1, TP HCM, phát biểu. Sự sáng tạo mà vị khán giả đề cập ở đây chính là những yếu tố hấp dẫn, cách nhìn từ góc khác ở những câu chuyện tưởng rất bình thường, giản đơn. "Tại sao chỉ là một chuyện yêu đương giận hờn của những cô cậu trẻ tuổi mà truyền hình Mỹ có thể sản xuất đến hàng trăm tập phim Friends thu hút hàng triệu khán giả khắp thế giới. Chỉ là ung thư máu đã nghe đến mòn tai mà khán giả vẫn đón nhận phim Hàn Quốc? Phim Việt Nam mình thường đề cập những chuyện trọng đại, vấn đề rất to tát, rắc rối, nhưng thể hiện thì lại nhạt", chị Hoàng Lan, quận 10, TP HCM, minh chứng.

Phản ứng từ phía người xem cũng phản ánh thực trạng của phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Trên những diễn đàn điện ảnh, việc yêu cầu một tác phẩm điện ảnh truyền hình Việt Nam "nhiều màu sắc, ý tưởng nghệ thuật"... đã nhường chỗ cho sự bắt bẻ những chi tiết "bất bình thường" so với đời sống thực: cô sinh viên nghèo mà nhà có tủ lạnh, chị doanh nhân đi ngủ mặt còn trang điểm, anh cảnh sát ra đường không mang súng... Mỗi lần có sự mâu thuẫn như vậy xảy ra trên phim, làn sóng tiếng nói của khán giả trở nên mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào.

Đạo diễn Mỹ Khanh, người thường tự viết kịch bản cho tác phẩm của mình, nhìn nhận những câu chuyện tưởng tượng bay bổng có khi lại dễ viết hơn những câu chuyện thực tế, hay vấn đề nóng sốt. "Dễ viết mà cũng dễ hút", chị nói, "nhưng thực tế, ít ai chịu làm dạng phim này ở nước ta". "Minh chứng cụ thể nhất, dạng phim về phù thủy, thần tiên mà các hãng phim truyền hình trên thế giới đã "hốt" bạc triệu, thì tại Việt Nam chỉ được sản xuất lèo tèo: Kính vạn hoa, Một chuyến phiêu lưu, Người mẹ nhí...", một nhà sản xuất nhìn nhận.

Phim 'Người mẹ nhí' của hãng BHD. Ảnh: BHD.

Chuyện của một đề tài đắt giá còn phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện, tác động của nó vào thời sự, đời sống xã hội bằng góc nhìn nghệ thuật. "Một đề tài hay, được khai thác tốt chưa chắc hiệu quả nếu nó không được trình làng đúng thời điểm", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói. Ông đã từ chối làm đề tài về vụ bán độ của các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam khi được đề cập đến việc làm phim hơn 1 năm sau khi sự kiện xảy ra.

Còn nhà văn Nguyễn Thu Phương khi viết kịch bản cho phim về thị trường chứng khoán đã phát biểu: "Viết về một vấn đề đang hot giống như nắm dao đằng lưỡi, bởi khi phim ra, ai biết sàn chứng khoán khi đó có còn hấp dẫn như ngày hôm nay không?". Cách thức chị chọn để an toàn cho câu chuyện của mình khi viết kịch bản này là "chứng khoán chỉ là bối cảnh câu chuyện".

Được coi là một trong những nữ đạo diễn tâm huyết với việc tìm những đề tài chưa ai khai thác, đưa lên màn ảnh truyền hình, Mỹ Khanh đúc kết kinh nghiệm: "Mới để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng là việc cần làm. Nhưng không phải lúc nào cái mới, cái nóng cũng là "thức ăn ngon". Nó cần sự tinh tế của "người nấu", biết chọn lọc để gửi đến người xem. Ngoài chuyện tài năng của đạo diễn, diễn viên, tác giả kịch bản..., một tác phẩm điện ảnh chỉ thật sự đắt giá khi người xem cảm nhận được người thực hiện nó đứng trong cuộc của vấn đề được nói. Và người làm phim cũng giống như nhà báo, chuyện được nói đúng lúc bao giờ cũng có giá hơn".

Đỗ Duy

Sưu tầm từ vnexpress