Hoạ sĩ Thành Chương và lối sống dị biệt
Anh được biết đến bởi những hoạ phẩm trừu tượng, độc đáo và phong cách sống tài tử. Với mái tóc húi cua ấn tượng và cặp kính John Lennon luôn thường trực, Thành Chương đã bật mí về nghề và cuộc sống riêng.
- Anh quan niệm thế nào về sự thành công trong nghề họa sĩ?
- Điều trước tiên, người hoạ sĩ phải cho biết "anh là ai". Tính cách, cá tính của anh không thể trộn lẫn với ai khác. Và phải cho mọi người biết anh thuộc về nền văn hoá của dân tộc, đất nước nào. Cuối cùng, tác phẩm của anh phải mới mẻ, hiện đại, dị biệt.
- Anh đánh giá thế nào về các đồng nghiệp trẻ?
- Tôi luôn nghĩ già có cái hay của già, trẻ có cái hay của trẻ. Thấy cái gì hay thì mình trân trọng và học hỏi. Bản thân tôi luôn học lớp người đi trước và hướng về những lớp người đi sau.
- Các giải thưởng mỹ thuật có ý nghĩa thế nào với anh?
- Tôi là người không coi trọng giải thưởng. Bởi với tôi, những bức tranh được giải thưởng không phải là những bức tranh đẹp và thật tiêu biểu. Mặt khác, thị hiếu của người xem tranh hiện nay không cao. Tôi không muốn cách sáng tác của mình bị ảnh hưởng bởi thị hiếu và quan niệm của khán giả.
- Anh vào nghề như thế nào?
- Tôi vào nghề do sự hướng nghiệp của bố. Hội hoạ là niềm đam mê từ nhỏ của cụ. Nhưng bản thân cụ lại không thực hiện được. Vì vậy, cụ muốn cho con cái thực hiện niềm mơ ước đó của mình. Năm 1960, tôi theo học hệ 7 năm trường Cao đẳng Mỹ thuật. Năm 1966, tôi nhập ngũ, là lính của E239, Bộ tư lệnh Công binh, tham gia chiến đấu ở các chiến trường khu 4, Quảng Trị Thừa Thiên. Trong thời gian này, tôi ký hoạ rất nhiều, ghi chép cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ở chiến trường, lấy bút danh là Trương Thanh. Khi giải phóng miền Nam, tôi về làm báo Văn Nghệ cho đến nay.
- Thế còn sự ra đời của biệt phủ Thành Chương?
- Tôi ấp ủ mong muốn xây dựng một khu đất rộng để sống và làm việc trong không gian của văn hoá, nghệ thuật dân tộc truyền thống. Mặc dù bị hạn chế bởi kinh phí và thời gian nhưng tôi đang gấp rút xây dựng một kiến trúc thể hiện tương đối đầy đủ về tinh thần và tâm linh người Việt. Người ta vẫn nói: nghệ thuật cao nhất chính là ở tâm linh và con người phải luôn gắn với truyền thống. Do vậy, nhiều người tới thăm khu đất này đã cho rằng ở đây không chỉ hội tụ được tinh thần, kiến trúc mà còn lưu giữ được nếp xưa đậm đà tính dân tộc qua những bộ sưu tập cổ với những vật dụng dân gian còn lưu giữ lại. Do đó có ý kiến bảo tôi rằng không nên gọi đây là trang trại mà gọi là phủ. Ông cụ tôi còn đùa rằng phải gọi là biệt phủ chứ không chỉ là phủ đơn thuần bởi ở đây tập trung rất nhiều thứ đặc biệt. Tôi có thú sưu tập đồ cổ như gốm, sứ... từ nhỏ nên đã có cơ hội bày cả vào đây. Nhiều khách từ các tỉnh xa tới rất khoái những khu nhà bày tranh, những khu vườn rau xanh ao cá, chuồng lợn, chuồng bò, cối giã gạo, cối xay lúa bằng đất nêm dăm gỗ. Ý tưởng đầu tiên của tôi chỉ là phục vụ cho bản thân và gia đình cũng như muốn lưu giữ lại những gì cổ xưa nhất của vùng đất này.
- Thời bé của anh như thế nào?
- Từ nhỏ, tôi đã được bố chở tới chơi nhà những danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm..., được tiếp xúc với cả những loại hình nghệ thuật mới mẻ và hiện đại như trào lưu của Picasso, Gaugin, Van Goh. Do vậy, khi theo học mỹ thuật ở trường, quan niệm hội hoạ trong tôi cũng có phần bị phá cách so với bạn bè và cách đào tạo từ xưa nay của các thày cô. Tôi thường đứng đầu lớp về điểm số, nhưng trong sổ đen của lớp, của trường về các trò ma quỷ và tính tình ương bướng của tôi thì cũng xếp hàng đầu. Tôi học rất vất vả và luôn trong tâm trạng chán nản vì không được thày cô đồng cảm và hiểu mình. Bố tôi cũng bị nhà trường gọi lên vài lần vì tính nết của thằng con trai. Họ cho biết không sớm thì muộn tôi cũng bị buộc thôi học. Mà tính tôi lại lì lợm, thích gì làm nấy. Khi còn nhỏ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã nhận định về tôi thế này: "Gan lỳ cóc tía ấy chú Chương".
Thế rồi bố tôi may mắn có được một suất đi lao động xuất khẩu. Ông đã nói với tôi trong nước mắt: "Thày đã trót đưa con vào nghề hội hoạ, thôi bây giờ kiếm nghề khác mà theo con ạ" và tỏ bày ý định muốn đưa tôi sang Đức lao động vài năm. Tôi hiểu nỗi trăn trở của bố, nhưng không thể đi lao động để bỏ mất niềm đam mê cháy bỏng là vẽ.
- Sở thích của anh?
- Tôi thích có nhiều tiền và dùng số tiền ấy để xây dựng một khu bảo tồn, giữ gìn những giá trị tâm linh, văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
- Quan niệm của anh về thời trang?
- Tôi thích ăn mặc thoải mái, không bị gò bó. Đến những nơi long trọng, cũng ăn mặc bình thường, không complet, cà vạt gì. Còn nhớ, hồi năm 73-74, báo Văn Nghệ tổ chức cho bọn tôi đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hoá). Lúc đứng trước biển, tâm hồn phấn chấn trước thiên nhiên, tôi hứng chí lấy lá chuối quấn quanh người, vòng thành mũ trên đầu, buộc quanh bụng, gần giống sự kiện mà hoạ sĩ Đào Anh Khánh vừa thực hiện ở bãi biển Nha Trang, rồi cứ thế đi khắp bãi biển để trình diễn. Mọi người đổ ra xem đông nghịt. Được bạn bè phụ hoạ, cả buổi chiều hôm đó, tôi dẫn đầu một đoàn người náo loạn cả bãi biển Sầm Sơn với một thứ mốt dân gian tự tạo: thời trang lá chuối.
(Theo Mốt)