Phạm Nhuệ Giang: 'Muốn làm phim độc đáo thì phải học'
"Tham dự 6 liên hoan phim năm vừa qua, tôi nhận thấy có một luồng điện ảnh trẻ làm phim với kinh phí hạn chế. Chính cái ít tiền buộc họ vắt óc để tạo nên ấn tượng nghệ thuật mạnh mẽ. Tôi nghĩ mình phải làm cách nào đó để tác phẩm mang lại giá trị nghệ thuật thực sự", đạo diễn Phạm Nhuệ Giang tâm sự như vậy khi quyết định đi Mỹ học thêm về điện ảnh.
- Vì sao chị vẫn quyết tâm đi học khi không còn trẻ nữa?
- Hiện nay điện ảnh Việt Nam vẫn làm phim giống như cách đây hàng chục năm. Sự cách tân về điện ảnh không nhiều. Chúng ta chỉ làm phim theo cách duy nhất là kể một câu chuyện sao cho khán giả "thấy" được câu chuyện đó.
Thế nhưng trên thế giới hiện có nhiều trào lưu của điện ảnh trẻ lại không cần cốt truyện. Mục đích của họ là tạo ra một ấn tượng dai dẳng, có sức nặng mà tác giả muốn gửi gắm. Khi xem xong, khán giả bị ám ảnh về ấn tượng đó.
Các liên hoan phim nghệ thuật rất đề cao những cái mới ở điện ảnh, mới về cách kể chuyện phim, trong chủ đề, mới trong vấn đề, trong cách khai thác nhân vật. Muốn khác biệt và độc đáo hơn thì phải học. Thế nhưng điện ảnh trong nước cứ quanh quẩn chừng ấy phim (1 năm 10 phim), không được cọ xát với nước ngoài thì rõ ràng kiến thức của đạo diễn sẽ kém cỏi, nghèo nàn đi. Vì thế không nên bỏ qua cơ hội đi học.
- Chị có muốn thay đổi dạng phim mà chị đã và đang làm?
- Tất nhiên, nếu người nghệ sĩ không nghĩ ra một điều gì đó mới mẻ mà cứ lặp lại thì sẽ rất chán. Tìm tòi một cái gì mới luôn luôn là nhu cầu tự thân. Bản thân tôi vẫn thấy rất lúng túng khi muốn thay đổi. Kịch bản gốc của Nguyễn Quang Lập đang được sửa chữa, tuy nhiên không thể hoàn toàn theo ý mình bởi còn phải dựa vào kịch bản, mà bản thân anh Lập cũng có một quan niệm điện ảnh của riêng anh ấy. Đây là kịch bản về đề tài đương đại - đời sống của những người nông dân ra thành thị kiếm sống.
- Khi bắt tay làm phim, chị nghĩ rằng sẽ làm phim cho ai?
- Từ trước nay, khi xuất phát làm phim tôi thật sự chưa nghĩ đến số đông khán giả, tôi thường làm những phim mà vấn đề đó làm cho tôi rung động, tôi cần có tiếng nói vào đấy.
- Vừa qua, dư luận rộ lên ý kiến về dòng phim giải trí đang được đẩy mạnh. Ý kiến của chị về vấn đề này?
- Theo tôi, những phim không có giá trị nghệ thuật mà cũng chẳng có giá trị thương mại thì nên lên án, các phim này tồi tệ đến nỗi chẳng ai xem mà cũng không được tham dự các liên hoan phim. Nhưng những phim như Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê, Đời cát, Thung lũng hoang vắng... tại sao lại nói là chỉ "cất vào kho"?
Dù Mùa ổi chỉ chiếu vài ngày nhưng đã được thế giới đánh giá cao. Thung lũng hoang vắng đã đi 5 liên hoan phim. Khi dự liên hoan phim lớn tại Hy Lạp, xem phim xong nhiều người đã bắt tay tôi, chúc mừng tôi. Đến giờ, vẫn có người từ Hy Lạp viết thư cho tôi để hỏi về điện ảnh Việt Nam, mong muốn có dịp để sang Việt Nam - đó là những cái lợi về giá trị tinh thần, những giá trị đó sao tính được bằng tiền. Các nhà phát hành thấy rằng chiếu phim Mỹ có lãi hơn nên họ đã xếp chiếu phim Việt Nam vào những giờ bất lợi thì làm sao có khách được.
- Theo chị, một nền điện ảnh phát triển cần có bao nhiêu dòng phim?
- Ít nhất phải có hai loại phim, nghệ thuật và thương mại cùng tồn tại. Nghệ thuật là cái để cho người ta vươn tới sự sáng tạo. Để nuôi những loại phim nghệ thuật thì các nhà sản xuất làm phim thương mại để thu lợi. Đi bằng hai chân để nuôi lẫn nhau, thế nhưng cần phải phân biệt rõ rệt chứ không nhầm lẫn, không nên hạ thấp phim thương mại.
(Theo Thanh Niên)