"Tôi là người không bao giờ chạy theo mốt, vì quanh đi quẩn lại, hết dài rồi ngắn, hết rộng rồi chật, hết loe rồi bó, hết kín rồi hở, hết dày rồi mỏng... cứ như con kiến mà leo cành đa vậy. Vì thế, cả đời tôi chỉ mặc một kiểu áo tự tay vẽ ra, độc đáo và hiệu quả cho riêng mình", nghệ sĩ tâm sự.
- Có người nói anh lập dị, vì vài chục năm nay anh chỉ đi guốc mộc. Anh phản ứng sao về nhận xét này?
- Không chỉ là guốc mộc, tôi còn đeo nhẫn bạc, vòng bạc và cả xích hổ vuốt bạc nữa. Các cụ ngày xưa vẫn dạy, để kỵ gió mà. Với đôi guốc mộc, tôi thấy đó là một sản phẩm, mang nét đẹp văn hóa rất Việt Nam đã nhiều đời, nên tôi yêu quý nó. Về mặt thực dụng, đi guốc rất mát, rất sạch, thuận tiện, và rất rẻ, tôi chưa bao giờ bị ăn cắp mất guốc cả. Về tình cảm riêng tư, cả đời cha tôi cũng chỉ đi guốc, cả kháng chiến, hòa bình cho đến khi mất, đó là một ấn tượng sâu sắc trong tôi.
- Thời trang cuộc sống thay đổi hằng ngày. Anh cứ nhất định đi guốc mộc xem ra có vẻ hơi gàn. Anh thấy sao?
- Sao lại gàn? Về nghề nghiệp, tôi là nghệ sĩ, đi guốc cũng rất phù hợp. Vả lại tôi là người nhiều máu tự do, rất sợ bị gò bó, bị đóng hộp, sẽ mất tự tin ngay, và quan trọng nhất là mình bị giống người khác, bị lẫn vào người khác. Nếu trong cuộc sống, anh không có cá tính thì trong nghệ thuật, anh sẽ không có phong cách của riêng mình, sẽ bị lẫn vào người khác. Về mặt xã hội, tôi là người không bao giờ đi vào con đường quyền chức, lãnh đạo nên không bị lệ thuộc vào khuôn thước của sự ăn mặc theo kiểu complet, sơ mi cổ cồn, thắt cà vạt, đi giày đánh xi bóng lộn, để đi dự những cuộc họp quan trọng.
- Với những cuộc họp quan trọng, anh làm thế nào với đôi guốc mộc?
- Với tôi, ở đâu, họp gì thì cũng vẫn đi guốc. Mới đầu cũng có người khó chịu, nhưng dần dà, qua vài chục năm, người ta cũng quen đi, rồi hình như họ thấy cũng được. Tôi nhớ một kỷ niệm với cố nhạc sĩ Trần Hoàn, ngày ông còn là Bộ trưởng VHTT. Năm 1993, Bộ VHTT tổ chức lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại rạp hát chèo Kim Mã. Hôm đó vì đi guốc, tôi định trốn nhưng không xong, đành phải lên sân khấu. Thấy tôi vẫn đi guốc, Bộ trưởng Trần Hoàn vừa mỉm cười, vừa nói chỉ đủ cho tôi nghe thấy: "Hôm nay mà đi guốc là hơi quá đáng đấy...". Tôi cũng cười vui và cảm ơn ông, thầm nghĩ, may quá không ai nghe thấy.
- Không chịu thay đổi thời trang cho riêng mình. Vậy trong mấy chục năm qua, quan niệm làm nghệ thuật của anh thay đổi những gì?
- Tôi luôn quan niệm, thời trang trước hết phải phù hợp với tư cách của người nghệ sĩ, thuận tiện cho nghề nghiệp của mình... Vì thế, cả đời tôi chỉ mặc một kiểu áo tự tay tôi vẽ ra, cũng chỉ với hai màu đen đỏ, đặc biệt thuận lợi nhất là hệ thống các loại túi ở cả hai tay có thể cài được 3 loại túi, rồi bật lửa, cả bót hút thuốc lá và cả 2 cái dải bay phất phơ nữa. Tóm lại, tôi không dám cho là đẹp đẽ gì, nhưng độc đáo và vô cùng hiệu quả cho riêng mình.
Có người hỏi tôi sao chỉ mặc hai màu đen đỏ, bởi đơn giản, tôi là người thích sự tương phản mạnh mẽ, đối lập và cũng rõ ràng, tách bạch, không thích kiểu sống "trung trung, gian gian". Tất nhiên, đó là chuyện mặc, dù đẹp dù xấu cũng chỉ là phương tiện - giống như đồng tiền ấy - không phải là lẽ sống, càng không phải là mục đích đời mình, nhất là với một người làm nghệ thuật, chỉ có lao động, lao động nữa, lao động mãi mới tạo ra được những tác phẩm và cả giá trị đích thực của chính mình mà thôi. Vì thế, phải luôn luôn đổi mới và đổi mới, nếu không anh sẽ lặp lại chính mình, trước khi lặp lại người khác trong việc sáng tạo.
- Tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực: hội họa, đồ họa, thiết kế sân khấu, làm báo, viết thơ..., anh thấy mình thành công nhất ở lĩnh vực nào?
- Thật ra, tôi chỉ làm hai việc, hoặc hai nghề. Một là về màu sắc (vẽ tranh, trang trí sân khấu, minh họa, vẽ bìa sách), thứ hai là chữ nghĩa (làm thơ, làm báo, viết kịch). Thơ là họa cảm thấy, họa là thơ nhìn thấy, trong thơ có họa, trong họa có thơ. Lúc nào không viết được thì vẽ, hoặc ngược lại. Tôi cũng là người chẳng có tham vọng gì, nên vẽ hay thơ thì trước hết là cho mình sự sung sướng, vui vẻ, thanh thản và bình yên. Cho nên, có mỗi thằng con trai, tôi cũng đặt tên Lê Huy Bình Yên là vì lẽ đó.
- Niềm yêu mến môn tuồng cổ phải là nguyên nhân dẫn anh đến với sự "trung thành guốc mộc"?
- Cha tôi vốn là nghệ sĩ tuồng cổ nên tôi mê tuồng từ bé. Lớn lên lại trở thành họa sĩ sân khấu, vì thế tôi hết sức cảm ơn nghệ thuật tuồng đã dạy cho tôi những bài học về sự biến hóa kỳ ảo của không gian, thời gian, nghệ thuật cách điệu, ước lệ, tượng trưng đến cao độ, chất bi và chất hùng mạnh mẽ, hoành tráng đến mê say lòng người. Chính từ những bài học đó, tôi đã đưa vào trong sáng tạo hội họa, thơ ca để tìm cho mình những nét văn hóa truyền thống, dân gian của ông cha ta, để càng tiên tiến, hiện đại bao nhiêu, lại càng không bao giờ được rời xa bản sắc của dân tộc bấy nhiêu.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)