Cờ người - nét độc đáo của ngày hội xuân
Trong các thú tiêu khiển vào dịp lễ Tết, cờ người thường thu hút đông đảo người xem bởi đây là môn thể thao giải trí rất sinh động và hấp dẫn. Xem đấu cờ, khán giả thường bị cuốn hút với những pha võ cổ truyền do các võ sĩ thực hiện.
Trẩy hội mừng xuân, nếu có dịp dừng chân ở một đình làng nào đó ở các tỉnh phía Bắc, bạn sẽ được dịp chứng kiến những ván cờ người mang đậm nét văn hóa truyền thống. Đây là một lễ hội vui của cả làng. 32 quân cờ thường được tuyển chọn từ các nam thanh nữ tú là con cháu trong làng. Tiếng chiêng, tiếng trống khua liên hồi. Cờ xí, võng lọng bay phấp phới trong tiết xuân, cùng với áo mão của "ba quân tướng sĩ" đã làm sống lại hình ảnh triều đình vua quan thời phong kiến. Các quân cờ người thường mặc áo rực rỡ có thêu biểu tượng quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo để người xem dễ theo dõi diễn tiến ván đấu. Cứ mỗi nước đi, các quân cờ thường múa các điệu múa dân gian truyền thống, kèm các bài vè đặc trưng quen thuộc.
Khác với miền Bắc, cờ người ở miền Nam được lồng ghép võ thuật nên có những nét hấp dẫn riêng. Thời kỳ đầu, các quân cờ chỉ múa dăm chiêu võ thuật chiếu lệ như diễn tuồng. Đến năm 1987, cờ người miền Nam mới bắt đầu thăng hoa. Từ ý tưởng mong muốn các ván đấu thật sự cuốn hút, hai vị đứng đầu làng cờ TP HCM là Quách Anh Tú và Lê Thiên Vị đưa ra đề nghị, 32 quân cờ biểu diễn phải là 32 võ sinh có đẳng cấp, giỏi võ thuật. Ý tưởng này được 2 HLV võ cổ truyền VN Lê Văn Vân (môn phái Bình Định Sa Long Cương) và Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà) cùng bắt tay dàn dựng và thực hiện. Trong buổi khai sinh cờ người võ thuật hôm đó, 32 quân cờ đều là những cao thủ có thâm niên hơn 8 năm khổ luyện. Những đòn thế được các cao thủ tung ra biểu diễn đã chinh phục người xem. Từ thành công ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM vào dịp Tết năm 1987, tiếng tăm đội cờ người của Lê Văn Vân và Hồ Tường đã bay xa. Lịch diễn của các đội cờ người môn phái Bình Định Sa Long Cương và môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà thường ken đặc trong 3 ngày Tết. Không chỉ biểu diễn ở TP HCM, mà họ còn truyền bá các đội cờ người độc đáo này từ Nam chí Bắc trong các đợt lưu diễn. Điều không thể thiếu của hội cờ người võ thuật là sự sắc sảo của các nhà bình luận. Các nhân vật được công chúng ưa chuộng và có tiếng tăm trong lĩnh vực này là: "Trương Thúy Sơn" Quách Anh Tú, "Thiên hạ đệ nhất sát" Lê Thiên Vị, "Độc hành đại đạo" Hoàng Đình Hồng... Tuy nhiên, mặt hạn chế của cờ người võ thuật là chưa thể biểu diễn các "ván cờ sống" mà thường phải diễn theo các ván cờ hay được chuẩn bị sẵn. Nguyên nhân chủ yếu là các võ sĩ thường không đủ sức để có thể đánh nhiều trận liên tiếp.
Tuy cờ người võ thuật rất hấp dẫn, nhưng do môn thể thao này chỉ trình diễn ở nơi công cộng không thu lệ phí, nên các nhân vật chính - những người thủ vai quân và tướng trên bàn cờ không thể sống được với nghề. Một ván cờ biểu diễn suốt buổi sáng, nhưng đội cờ người thường chỉ được trả 1.000.000 đồng. Với số tiền này đem chia cho khoảng 55 người trong đoàn thì mỗi người chẳng được là bao. Chính vì vậy mà không ít người lo lắng về tương lai của cờ người võ thuật.
(Theo Thanh Niên)