Nét độc đáo 'Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên'
Tối 23/4, tại Nhà văn hóa thanh niên diễn ra chuyên đề "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên - kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". Qua 2 giờ đồng hồ, GS - TS Trần Văn Khê và GS - nhạc sĩ Tô Vũ đã diễn thuyết những vấn đề cô đọng, sâu sắc nhất về văn hóa cồng chiêng.
Theo giáo sư Trần Văn Khê, "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" không chỉ là tiếng cồng, tiếng chiêng mà còn bao gồm cả: văn hóa ẩm thực, dệt thổ cẩm, đời sống lao động, tâm linh... của người Tây Nguyên.
Cồng chiêng ở các nước khác có đặc điểm: một người đánh nhiều cồng, lối biểu diễn tĩnh chứ không động. Kỹ thuật đạt đến độ chuyên nghiệp cao, người đánh thường dùng 2 búa đánh đều đều để có những cao độ, sắc độ, trường độ. Do quá chú trọng vào âm thanh phát ra và lối biểu diễn nên chỉ có cái "xác" mà chưa có "hồn".
Trong khi đó, ở Việt Nam một người đánh một cồng, nhiều cuộc cồng phối hợp với nhau để tạo thành dàn nhạc. Lối biểu diễn rất "động", kêu gọi cả người xem cùng vào cuộc "xoang", hát. Kỹ thuật kích âm, chỉnh âm cồng chiêng của người biểu diễn "biến hóa khôn lường" làm cho giai điệu lúc trầm, bổng, lúc mơ màng, du dương, lúc bi tráng, hào hùng, lúc da diết, thắc thỏm... tùy theo hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt và tâm trạng. Một dàn cồng chiêng có cồng chiêng cha mẹ, cồng chiêng con cháu mang hình ảnh một gia đình gắn bó chặt chẽ với cộng đồng.
Chính sự rất khác biệt đó đã làm "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" ở Việt Nam là độc đáo nhất.
Nghệ nhân người dân tộc đang kích âm chiếc cồng. (Ảnh chụp lại từ phim tài liệu). |
Không đi vào những vấn đề mang tính học thuật như GS Trần Văn Khê, GS Tô Vũ hồi tưởng lại chặng đường dài vào đầu những năm 1980. Khi ấy, ông Jose Maceda, một giáo sư âm nhạc dân tộc Philippines, đã đặc biệt quan tâm đến cồng chiêng Việt Nam trong khi những nhà nghiên cứu trong nước vẫn mảy may chưa biết đến giá trị của nó.
Khi GS Trần Văn Khê giới thiệu ông Jose Maceda đến Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (lúc đó cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng), mọi người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của đề nghị được đi điền dã và tìm hiểu cồng chiêng Tây Nguyên. Thế nhưng, GS Tô Vũ vẫn cùng ông rong ruổi khắp những bản làng. Mỗi tối, bên ngọn đèn dầu tù mù, GS Jose Maceda thức đến 3-4h sáng ghi ghi chép chép. Điều này làm GS Tô Vũ rất ấn tượng. Kết quả của những chuyến điền dã này là một báo cáo đặc biệt của ông Jose Maceda: "Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam là cái nôi văn hóa cồng chiêng khu vực châu Á, liên quan mật thiết đến văn hóa đồng thau...".
Khi GS Maceda trở về nước, Viện nghiên cứu âm nhạc thiết lập ngay một đội nghiên cứu, đi điền dã để tiếp tục hiểu về "báu vật tinh thần này". Bài chiêng Mơ đá của người Êđê là bài chiêng đầu tiên Viện đề nghị UNESCO xét thưởng vì nó "quá tuyệt diệu!".
Hai diễn giả cũng đề cập đến những chuyện buồn vui liên quan đến cồng chiêng. Khi giá trị của cồng chiêng được công nhận cũng là lúc mối đe dọa "tuyệt chủng" cồng chiêng cao hơn lúc nào hết. GS Trần Văn Khê nhắc lại báo cáo của Bộ Văn hóa Thông tin, có tỉnh Tây Nguyên một năm đến 600 chiếc cồng chiêng bị đánh cắp để đem bán cho người nước ngoài, người chơi đồ cổ. Rồi xuất hiện nạn làm cồng chiêng giả. GS Tô Vũ kể, thậm chí có người từng nhờ ông chứng nhận giùm mấy chiếc cồng chiêng "dỏm" là thật để bán cho người nước ngoài với giá 1 lượng vàng mỗi chiếc. Rồi cả chuyện có người muốn cá nhân hóa loại hình biểu diễn cồng chiêng, trong khi đó giá trị đích thực của nó phải gắn liền với cộng đồng và cuộc sống.
Cả hai diễn giả đều khẳng định: Được công nhận trở thành "kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường đầy thử thách trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy một cách hợp lý.
Một nhân vật gây ấn tượng trong buổi nói chuyện là anh Dương Ngọc Tiển, nghệ nhân chế tác cồng chiêng làng nghề Phước Kiều, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là làng nghề duy nhất trên toàn quốc từ trước đến nay chế tác, cung cấp cồng chiêng cho các tỉnh Tây Nguyên. Anh Tiển cho biết, gia tộc nhà anh chế tác cồng chiêng gần 150 năm, đến nay con cháu vẫn tiếp tục nghề truyền thống này. Khi biết tin có buổi nói chuyện chuyên đề này, anh bỏ tiền túi đi máy bay vào TP HCM, xách theo cả cái cồng để biểu diễn trong buổi nói chuyện. Anh biểu diễn gần nửa tiếng những thao tác kích âm, chỉnh âm chiếc cồng, đánh cồng trực tiếp trước sự hưởng ứng nồng nhiệt của thính giả. Nghệ nhân này cho biết, anh đang nỗ lực làm một công trình nghiên cứu sâu hơn về cồng chiêng Tây Nguyên. |
Bài, ảnh: Thoại Hà