Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Họa sĩ gốc Pháp tái hiện 'Thời thuộc địa đau thương'

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 15:03
gửi bởi Theme Hunter

Sinh năm 1960, nữ nghệ sĩ người Australia Kristine McCarroll đến VN lần đầu tiên năm 1995 và bị đất nước, con người nơi đây quyến rũ. Sau nhiều lần trở lại, chị quyết định mở triển lãm tái hiện những hình ảnh độc đáo về một thời kỳ lịch sử khó quên giữa Pháp - quê gốc của chị và VN - đất nước mà chị yêu mến.

VnExpress trò chuyện với McCarroll về triển lãm "Thời thuộc địa đau thương" khai mạc vào lúc 18h ngày 18/8 tại Viện Goethe (Hà Nội).

- Điều gì khiến chị quyết định mở triển lãm này?

- Bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được công bố những tác phẩm đã hoàn thành, mời mọi người đến xem và chia sẻ với những ý tưởng sáng tạo của mình. Ngoài ra, họ còn có nhu cầu bán tranh. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng tôi không hy vọng tranh của mình bán được nhiều ở VN vì giá của nó có thể là quá cao với người Việt. Tôi mở triển lãm này còn vì một lý do khác nữa.

Tôi là người gốc Pháp và tôi hiểu, 100 năm trước, nước Pháp đã không chơi đẹp với VN khi xâm lược đất nước các bạn. Cách đây 10 năm, khi đến VN lần đầu tiên, tôi thực sự bị ấn tượng mạnh mẽ với con người nơi đây. Nhưng những gì tôi biết về thời kỳ thuộc địa ở VN là không nhiều. Ở trường học, tôi vẫn được giảng dạy những điều tốt đẹp về nước Pháp, rằng đây là một quốc gia hùng cường, nhân ái. Nhưng thật không công bằng nếu nhìn sự việc chỉ từ một phía. Tôi muốn tìm hiểu thời kỳ thuộc địa từ phía khác, từ điểm nhìn của người Việt. Vì vậy, tôi hy vọng, những người Việt sinh ra trong giai đoạn đau thương này khi đến với triển lãm của tôi sẽ có thể tìm thấy sự thân quen nào đó.

Kristine McCarroll bên giá vẽ.
Ảnh: kristinemccarroll.

- Những tác phẩm này được thực hiện như thế nào?

- Từ những bức ảnh chọn được trong kho ảnh về VN và Đông Dương thời thuộc địa, tôi phóng to bằng kỹ thuật số, chiếu lên toan và dùng sơn dầu vẽ đè lên. Trước các bức tranh hoặc những bưu thiếp, tôi ghi lại những dòng cảm xúc sau khi đã hóa thân vào những nhân vật trong ảnh. Với cách làm đó, tôi hy vọng sẽ tạo được ấn tượng mạnh cho người xem.

- Những khó khăn mà chị đã gặp phải trong quá trình tìm tư liệu?

- Thật không dễ dàng gì. Khi đến VN, tôi không sử dụng được ngôn ngữ của các bạn. Tôi đã cảm thấy rất bỡ ngỡ và phải mất công lắng nghe và tìm hiểu rất nhiều. Hơn nữa, cách làm việc của người Việt rất khác với người Pháp. Nhiều lúc, tôi đã phải rất kiên nhẫn và bình tĩnh khi đến làm việc tại một vài nơi. Rất may là tôi có nhiều thời gian. Và tôi cũng may mắn gặp được một chàng trai người Việt rất tốt bụng. Anh giúp tôi nhiều trong việc tiếp cận với các nguồn tư liệu. Chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết.

- Chị mất bao lâu để hoàn thành bộ sưu tập này?

- Tôi đã mất rất nhiều thời gian. Trước hết là việc hình thành ý tưởng, rồi đến tìm nguồn ảnh. Khi đã có một khối lượng lớn ảnh trong tay, tôi lại phải lựa ra những bức đẹp nhất, ý nghĩa nhất và gây ấn tượng mạnh nhất. Tiếp đó, tôi tìm cách gắn kết bức ảnh với những ý tưởng và cảm xúc độc đáo của mình. Đây là công việc khó khăn nhất. Có những lúc, tôi ngồi tần ngần hàng giờ liền trước tấm toan và cuối cùng bất lực. Những lúc như thế, tôi xếp chúng lại và đến một ngày, ý tưởng đột nhiên bật ra. Bên cạnh đó, thời tiết ở VN rất khô và nóng, ảnh hưởng đến tiến độ công việc của tôi rất nhiều. Vì vậy, tôi đã mất khoảng 2-3 năm để chuẩn bị cho triển lãm này.

Bức Ma Tonkinoise - Người đẹp xứ Đông Kinh của tôi.

- Chị tâm đắc với những tác phẩm nào?

- Tôi thích thú với rất nhiều tác phẩm ở đây. Ví như Ma Tonkinoise. Ma Tonkinoise là một bài hát rất nổi tiếng dưới thời Đông Dương. Bài hát này và ca từ của nó còn gắn bó sâu sắc với tuổi thơ tôi. Thuở nhỏ, bà tôi suốt ngày hát bài này cho tôi nghe. Bà còn gọi tôi là Kiki. Cái tên thân thuộc đó theo tôi đến bây giờ.

Hay như tấm Jules Grevy. Bức ảnh này đi kèm với bức thư do Tổng thống Cộng hoà Pháp viết cho Vua An Nam. Trong đó, câu mở đầu, ông gọi vua An Nam là Gửi người bạn rất thân mến và tốt bụng của tôi. Thực ra đó là cách xưng hô rất kẻ cả của những ông chủ thuộc địa chứ không phải là một mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở của tình bằng hữu và sự từ tâm.

Mỗi bức ảnh phản ánh một góc nhìn riêng về VN dưới thời thuộc Pháp.

- Người ta thường nói, trong chiến tranh không có ai là người chiến thắng. Vậy chị nghĩ sao về những tổn thất mà chiến tranh đã gây ra cho cả Pháp và VN?

- Tôi thuộc lớp người trẻ, nên tôi không rõ lắm về những đau thương mà người Pháp và người Việt đã phải trải qua trong thời kỳ thuộc địa và những cuộc chiến tranh sau đó.

Nhưng trong những ngày sống tại VN, tôi đã nói chuyện với khá nhiều người dân nơi đây, cả những người còn trẻ lẫn những người từng trải qua các cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. Tôi nhận thấy, họ không quên quá khứ, nhưng họ bỏ nó lại đằng sau để sống với hiện tại. Trong khi đó, ở Pháp và Đức, người ta vẫn nói về chiến tranh như một điều gì đó không thể nào quên. Vì vậy, với triển lãm này, tôi mong người Pháp và người Việt sẽ có dịp cùng nhìn lại quá khứ.

- Trong các bức ảnh được lựa chọn, xuất hiện khá nhiều hình ảnh người phụ nữ. Chị nhận xét gì về phụ nữ Việt?

- Tôi chọn nhiều bức ảnh những cô gái, thiếu phụ VN đơn giản vì họ đẹp. Trong tâm trí của đàn ông châu Âu, phụ nữ Việt là những người dịu dàng, yếu ớt và là những người vợ ngoan hiền, dễ bảo. Nhưng khi sang đây, tôi nhận thấy, phụ nữ ở nước các bạn rất mạnh mẽ, giàu nghị lực và đáng kính trọng. Ở VN, tôi thấy trong khi người vợ làm hết mọi việc nhà thì người chồng vẫn có thể la cà tại các quán cà phê, hàng nước. Đó là điều rất khác giữa Việt Nam với Pháp và Australia

Lưu Hà thực hiện

Sưu tầm từ vnexpress