'Vua' thổ cẩm đất Hà Thành

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

'Vua' thổ cẩm đất Hà Thành

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 15:08

Dòng sản phẩm thổ cẩm độc đáo của Hà Nội gắn với nghệ nhân Đỗ Đình Được (làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Nhiều người gọi ông là "vua" thổ cẩm Hà Thành.

Theo ông Được, sự khác biệt giữa thổ cẩm Hà Nội với các vùng khác được thể hiện trong cách pha trộn màu sắc, sự cách điệu, bố cục trình bày và độ bền chắc của tấm thổ cẩm.

Ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, họ thích những màu sặc sỡ, các màu gốc như đỏ chói, xanh chói, vàng chói... còn người Hà Nội thường ưa màu nhẹ nhàng, trầm dịu. Cách bố cục, cách điệu các hoa văn trên những tấm thổ cẩm của người Hà Thành cũng đòi hỏi tinh xảo, sống động và có hồn hơn. Thổ cẩm Hà Nội được ứng dụng rộng rãi hơn nên còn cần độ bền chắc.

Xác định được những đặc trưng đó, khi nhuộm màu cho các sợi vải, ông Được không nhuộm nguyên màu gốc mà tìm công thức pha trộn sao ra màu phù hợp với "gu" của người thủ đô.

Nghệ nhân Đỗ Đình Được với một mẫu thổ cẩm của mình.
Nghệ nhân Đỗ Đình Được với một mẫu thổ cẩm của mình. Ảnh: Gia đình Xã hội.

Khi cách điệu, bố cục trình bày trên tấm thổ cẩm ông cũng nghiên cứu đưa ra những đường nét hoa văn sinh động, độc đáo, lạ mắt. Cùng là con bướm, cây hoa nhưng con bướm, cây hoa của ông không phải là sao chép y nguyên từ thực tiễn mà được cách điệu độc đáo, tạo cho người xem cảm giác sinh động có hồn. Cùng về cây liễu nhưng bức tranh thổ cẩm của người Hà Nội sẽ được thiết kế “xa xa dưới cành liễu rủ là tháp Rùa” hay “thấp thoáng có hình ảnh chùa Một Cột”... để khi nhìn vào tấm thổ cẩm, người xem nhận ra ngay đó là thổ cẩm Hà Nội.

Quá trình dệt, ông còn áp dụng một phần máy móc hiện đại vào sản xuất vì vậy những sợi tơ thường chuốt, mềm, đều hơn, khi dệt ít bị lỗi.

Đối với nghệ nhân Đỗ Đình Được, mỗi tấm thổ cẩm không đơn thuần là sản phẩm lao động giản đơn mà còn là sản phẩm của tinh thần, sự sáng tạo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Ông tâm sự, để có những tấm thổ cẩm đẹp phải ấp ủ ý tưởng, chọn nguyên vật liệu, tìm công thức pha trộn màu, phối màu, gia công dệt công phu.

"Khi thiết kế bức tranh bướm, tôi phải đi khắp nơi, hàng tháng trời tìm tòi, chộp hàng nghìn con bướm từ đó lựa chọn con bướm ưng ý nhất, đẹp nhất, phát hiện cái giây phút sinh động nhất để kí họa phác thảo đưa vào dệt", ông Được cho biết.

Những đêm thức trắng để mày mò, sáng tạo ra các ý tưởng mới cho ra thổ cẩm đã không còn lạ với ông. Hàng ngàn tấm thổ cẩm với nhiều những đề tài phong phú, mới lạ, hấp dẫn như được đem đi triển lãm, hội chợ như: cảnh làng quê, bướm và hoa, tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba... đã nhận được rất nhiều lời khen của bạn bè.

Làng nghề Triều Khúc, từ hàng thế kỷ nay được coi là một làng nghề đa ngành, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề dệt thổ cẩm. Hồn nghề ông cha đã ảnh hưởng đến lớp con cháu trong làng, nên ông Được cũng không là ngoại lệ.

Một số mẫu sản phẩm của nghệ nhân Đỗ Đình Được.
Một số mẫu sản phẩm của nghệ nhân Đỗ Đình Được. Ảnh: Gia đình Xã hội.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông bà, cha mẹ đều gắn với nghề dệt ở làng Triều Khúc, ngay từ lúc lên 5, cậu bé Được đã biết thế nào là sợi thô, sợi sần, dệt lĩnh, dệt lụa... Và cũng từ ấy, cậu đã yêu và say mê với nghề này. Nhưng phải đến thời điểm là sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là ĐH Mỹ thuật Hà Nội) ông mới thực sự bị thổ cẩm “hút hồn”.

Thời gian này, ông đã đi rất nhiều để lấy cảm hứng sáng tác trong hội hoạ. Điểm dừng chân của ông thường là khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày sinh sống. Những chuyến đi dài ngày, sống cùng đồng bào miền núi lâu nên ông yêu mến con người, thiên nhiên vùng Tây Bắc, ông “ngấm” những nét văn hoá truyền thống trên những tấm thổ cẩm do đồng bào các dân tộc tạo ra.

Tốt nghiệp đại học năm 1964, ông Được được giữ lại trường làm giảng viên. Những năm tháng vừa đứng trên bục giảng vừa cầm bút vẽ đã giúp ông tiếp cận nhiều hơn về cả lý luận và thực tiễn trong nghệ thuật. Ông thường dành thời gian tìm về làng bản để học hỏi phương thức chiết xuất màu nhuộm, nguyên liệu làm sợi, cách dệt của bà con dân tộc thiểu số. Năm 1979, sau khi nghỉ hưu, ông dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu tìm ra những nét mới để dệt ra những tấm thổ cẩm mang nét độc đáo riêng.

Kể từ đó đến nay, nghề dệt thổ cẩm Triều Khúc cũng lắm lúc thăng trầm. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại vải, thảm, tơ lụa... mới lạ nên hàng thổ cẩm nhiều lúc bị ế ẩm. Nhiều người trong làng đã bỏ nghề đi theo nghề khác. Nhưng bởi có duyên với nghề và cũng để giữ gìn lấy cái nghề truyền thống của làng, hàng đêm, người nghệ nhân râu tóc đã bạc phơ vẫn ngồi bên chiếc bàn nhỏ để nghiên cứu những mẫu thổ cẩm mới.

(Theo Gia đình Xã hội)

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến250 khách


cron