Nghiên cứu khoa học đạt xuất sắc nhưng không có tính ứng dụng
PGS. TS. Đào Duy Huân, trường ĐH Tài chính - Marketing thẳng thắn nhận xét: “Các trường ĐH Kinh tế - Quản trị kinh doanh, nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ vô cùng khiêm tốn, hầu như hàng năm bỏ ra nhiều tỷ đồng, song doanh thu không có. Các kết quả nghiên cứu của các đề tài khối ngành kinh tế đạt loại giỏi, loại xuất sắc không có tính triển khai ứng dụng, nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Hầu hết các đề tài nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Điều này gây lãng phí lớn hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước”.
PGS Huân dẫn giải thêm: “Từ thực tế, tham gia hướng dẫn và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của SV tôi thấy, nhiều đề tài nghiệm thu đạt kết quả tốt thậm chí có tính ứng dụng cao nhưng hầu hết không được triển khai ứng dụng, không có cơ sở kinh doanh nào mua để triển khai vào thực tế, do vậy lại được xếp vào các ngăn tủ của trường. Một thực tế khác hiện nay sau khi ra trường rất ít sinh viên tiếp tục NCKH vì những năm tháng ở trường họ tích cực tham gia, song không đạt được mục tiêu cuối cùng là được triển khai ứng dụng. Chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên có điều kiện học lên cao học, nghiên cứu sinh tiếp tục tham gia NCKH vì bị ràng buộc bởi quy định của Bộ, của trường”.
Tiến sĩ Lê Văn Luyện, Học viện Ngân hàng, bức xúc cho rằng: “Chúng ta chưa có một cơ chế thúc đẩy và khuyến khích các nhà khoa học tại trường ĐH, cơ sở nghiên cứu tham gia vào hoạt động thực tiễn tại các doanh nghiệp. Các công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu cũng không có cơ quan nào quản lý và đưa vào ứng dụng. Chúng ta không thể đòi hỏi các nhà khoa học, các trường ĐH, vừa tự làm, tự nghiên cứu vì họ không có cơ sở vật chất trong tay, hơn nữa họ cũng không có doanh nghiệp của chính họ để thử nghiệm hay ứng dụng các nghiên cứu của họ. Càng không thể yêu cầu họ nghiên cứu xong rồi đi vận động các doanh nghiệp ứng dụng, nhất là các công trình khoa học về quản lý kinh tế”.
Được biết hiện nay, đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ đã lên tới gần 2% ngân sách nhà nước. GS.TS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng: “Chất lượng các công trình nghiên cứu vẫn là những dấu hỏi lớn”.
Ông Nam cho biết, số lượng bằng phát minh sáng chế, công trình đăng tải quốc tế vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, cán bộ giảng viên chưa thực sự say mê với nghiên cứu, chưa đủ khả năng để cung cấp những bài giảng đáp ứng được như cầu của thực tiễn quản lý kinh doanh trong thực tiễn. Sự tách rời giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thực tiễn vẫn đang là phổ biến. Kết quả tất yếu là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế và quản trị kinh doanh chưa đáp ứng với yêu cầu của xã hội.
TS. Trương Thị Thúy Hằng, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng: “Số lượng và chất lượng công tác NCKH vẫn sẽ tiếp tục trong vòng luẩn quẩn nếu không giải quyết được những tồn tại bất cập chưa được tháo gỡ trong nhiều năm qua. Đó là sự tách rời các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Sự tách rời này đã làm phân tán nguồn lực, cả tài chính và con người cho công tác nghiên cứu khoa học… Tiếp đến là hệ thống đề tài nghiên cứu còn nhiều bất cập; kinh phí dành cho NCKH thiếu; cơ cấu kinh phí chưa hợp lý, còn tồn tại cơ chế xin cho, nhất là với các đề tài trọng điểm, độc lập; cơ chế quản lý, sử dụng kết quả nghiên cứu thiếu cụ thể, rõ ràng và không đồng bộ. Việc huy động nguồn lực cho các đề tài cũng đang tồn tại mâu thuẫn và bất cập. Kinh phí nhỏ làm cho số người tham gia đề tài nghiên cứu khoa học ít, nếu có nhiều khi cũng là “đánh trống ghi tên”…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM khẳng định: “Phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ ở các trường đại học cần tập trung vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, các trường không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí tự có cho hoạt động NCKH mà phải tự vận động trên cơ sở uy tín, danh tiếng của mình”.
Hồng Hạnh