Kéo dài thời gian bảo hộ tác giả thêm 25 năm
Không để các tác giả Việt Nam thiệt thòi
Theo Dự thảo luật sửa đổi được trình bày tại Thường vụ Quốc hội chiều 24/2, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng... được nâng từ 50 năm lên 75 năm.
Góp ý với dự thảo, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cho rằng, kéo dài thời hạn bảo hộ lên 75 năm có nghĩa là sẽ làm chậm việc các tác phẩm trở thành sản phẩm chung của xã hội, ảnh hưởng đến sự thụ hưởng của công chúng. Theo bà Mai, nếu buộc phải đặt ra thời hạn 75 năm, đề nghị phải làm rõ cơ sở, nhất là khi thời hạn 50 năm không vi phạm công ước Bern.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Đào Trọng Thi lại có ý kiến ngược lại: thời hạn bảo hộ của các nước đa số là 70 - 75 năm, nếu chúng ta có sự thống nhất chung, thấy không nhất thiết phải giữ thời hạn 50 năm thì nhân lúc này nên sửa đổi.
Đa số các ý kiến trong Thường trực UB Pháp luật cũng nghiêng về phương án bảo hộ 75 năm. Bởi lẽ, nếu chúng ta chỉ qui định 50 năm mà các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên lại qui định thời hạn bảo hộ 75 năm, người thiệt thòi đầu tiên sẽ là các tác giả và các nhà sản xuất Việt Nam.
Liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đặng Vũ Minh cho rằng, nên qui định xử phạt 1 - 5 lần số hàng hoá xâm phạm quyền này. Theo ông Minh, việc xâm phạm, chẳng hạn với bản quyền phần mềm có thể đem lại lợi nhuận vật chất rất lớn, nếu chỉ phạt 30 - 50 triệu là rất nhẹ. “Người ta sẵn sàng nộp phạt để lấy cái lợi lớn”, ông Minh phân tích.
Có nên tăng thời hạn thẩm định?
Dự thảo luật cũng quy định kéo dài thời hạn thẩm định hình thức và nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Cụ thể là kéo dài thời gian thẩm định hình thức từ 1 lên 2 tháng, thời hạn thẩm định nội dung từ 12 tháng lên 24 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 1 năm với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí.
Giải thích điều này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, Hoàng Văn Phong cho rằng, thời hạn như vậy đã ngang bằng với qui định tại Nhật Bản, trong khi nhận thức xã hội của ta về vấn đề sở hữu trí tuệ cũng như năng lực của cơ quan quản lí nhà nước ở ta chưa bằng họ (nước này đã có rất nhiều năm thực hiện vấn đề sở hữu trí tuệ).
Nếu làm nhanh các công việc trên sẽ dẫn tới hậu quả là nhiều tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.
Tuy nhiên, giải thích này không được ông Đào Trọng Thi đồng tình. Theo ông Thi, phải tính toán được thời gian tối thiểu thực tế là bao nhiêu để xong một công việc. Trên cơ sở đó, khi nhu cầu xã hội về đăng kí sáng chế tăng lên, giải pháp phải là tăng cường bộ máy cả về số lượng và năng lực làm việc.
Trong trường hợp, các phát minh, sáng chế xếp hàng dài chờ đợi, theo ông Thi càng khiến cho việc xâm phạm, chiếm dụng lớn hơn. Chưa kể, việc kéo dài thời gian xử lí đăng kí còn khiến các phát minh, sáng chế chậm được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến tính hiệu quả.
Ông Đặng Vũ Minh cũng cho rằng, có chăng chỉ nên giãn thời gian với các đơn đăng kí sáng chế, trong khi với đơn đăng kí kiểu dáng, nhãn mác phải rút ngắn, càng sớm càng tốt
Với qui định cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ được thực hiện các hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, ông Đặng Vũ Minh cũng không đồng tình. Theo ông Minh, việc “vừa đá bóng, vừa thổi” còi sẽ khiến các kết luận cuối cùng trùng với giám định. Công việc giám định do vậy nên giao cho một cơ quan sự nghiệp, đảm bảo độc lập hơn.
Cấn Cường