Một chương mới mở ra cho khuyến học
>> Ông Nguyễn Mạnh Cầm tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
>> Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV
Chủ tịch Hội KHVN Nguyễn Mạnh Cầm.
Thưa Chủ tịch, Hội Khuyến học Việt Nam năm 2010 đã có nhiều thành tựu to lớn mà việc tổ chức thành công Đại hội lần thứ IV đặc biệt là Hội được Chính phủ công nhận là Hội đặc thù là những ví dụ điển hình. Xin ông cho biết nhiệm vụ chủ yếu của Hội nhiệm kỳ IV?
Đại hội IV Hội Khuyến học Việt
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết của TW Hội Khuyến học Việt Nam "Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở", hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án xây dựng XHHT thời kỳ 2005-2010", hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, và Chỉ thị 02 CT-TTg/2008 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội và hội viên bằng hoạt động tự nguyện đầy tâm huyết, phát huy tinh thần sáng tạo đã thiết lập được nhiều mô hình khuyến học, nhiều thiết chế giáo dục độc đáo Việt Nam như: Gia đình hiếu học (hiện có hơn 3,5 triệu gia đình được công nhận là Gia đình hiếu học); dòng họ hiếu học (trên 4 vạn dòng họ đã được công nhận là Dòng họ hiếu học); hàng vạn cụm dân cư khuyến học. Hội cũng đã hợp tác với ngành giáo dục - đào tạo xây dựng hơn 9.600 trung tâm học tập cộng đồng (mỗi xã, phường một trung tâm). Hiện nay trên 95% xã, phường trong cả nước đã có trung tâm học tập cộng đồng, một thiết chế giáo dục thường xuyên và lâu dài cho người lớn.
Căn cứ vào kết quả sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quyết định quan trọng nêu trên, cũng như kết luận của đề tài độc lập cấp Nhà nước về "Tìm mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ giao cho Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện được nghiệm thu tháng 12 năm 2009 và được đánh giá xuất sắc thì những mô hình khuyến học, những thiết chế giáo dục được xây dựng nêu trên trong quá trình phát triển phong trào là những yếu tố, là cơ sở để hình thành xã hội học tập.
Từ kết luận đó, Đại hội IV của Hội Khuyến học Việt
Mặt khác tuy phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh, Hội nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức quần chúng sâu rộng nhất, nhưng không đồng đều về một số mặt. Từ đó Đại hội nhận thấy trước mắt cần phải nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động của các cấp Hội, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của hội viên, đưa phong trào đi vào chiều sâu. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng "gia đình hiếu học", "dòng họ hiếu học", "cụm dân cư khuyến học", phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo hoàn thành việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường vì những yếu tố này càng được mở rộng, càng được củng cố thì việc hình thành xã hội học tập càng được bảo đảm.
Nói gọn lại, nhiệu vụ đặt ra cho nhiệm kỳ IV là: đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội và triển khai chủ trương đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập với bước đầu tiên là xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Khắc phục tình trạng “vác tù và hàng tổng”
Việc Hội Khuyến học Việt Nam được công nhận là Hội đặc thù có ý nghĩa tinh thần như thế nào với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của đất nước, thưa ông?
Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội không vụ lợi, thực hiện một chủ trương quan trọng của Đảng và nhà nước là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên mọi người dân học tập, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước hội nhập quốc tế thành công.
Công nhận Hội Khuyến học là Hội đặc thù có nghĩa là công nhận tôn chỉ, mục đích cao cả của Hội, thừa nhận sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của Hội, hoạt động có hiệu quả các cấp Hội, sự cống hiến của Hội vào sự nghiệp phát triển đất nước bằng tâm huyết và sự nhiệt tình của các hội viên. Sự công nhận này là một nguồn cổ vũ to lớn đối với các cấp Hội và hội viên hoạt động tích cực hơn nữa, động viên mọi người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đưa dân tộc ta trở thành "một dân tộc thông thái" như Bác Hồ hằng mong muốn.
Còn về ý nghĩa vật chất, xin ông cho biết TW Hội, Hội Khuyến học các cấp và hội viên của Hội sẽ có thuận lợi gì từ việc Hội trở thành Hội đặc thù?
Cùng với việc động viên về mặt tinh thần, theo quyết định của Chính phủ, Hội đặc thù được giao biên chế hợp lý, được cấp kinh phí từ Ngân sách nhà nước cho hoạt động của Hội ở các cấp, cho sinh hoạt phí của cán bộ chuyên trách và nhân viên theo biên chế được duyệt; được hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động giúp khắc phục tình trạng "vác tù và hàng tổng" như mấy lâu nay.
Những quyền lợi này đối với Trung ương Hội do các Bộ, ngành có liên quan thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ; đối với các Hội địa phương do Hội đồng nhân dân và UBND cùng cấp thực hiện.
Từ thiện khuyến học là từ thiện cơ bản nhất
Xin ông cho biết đánh giá về hoạt động của Quỹ Khuyến học, Quỹ Nhân ái và Quỹ Vòng tay đồng đội?
Để góp phần thực hiện công bằng giáo dục, hiện thực hoá mong muốn tột bậc của Bác Hồ "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Khuyến học Việt Nam thuộc Hội Khuyến học Việt Nam theo nguyên tắc đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài không vì mục đích lợi nhuận nhằm tài trợ cho các hoạt động giáo dục và đào tạo, nhất là ở các địa bàn có khó khăn đặc biệt; cấp học bổng cho các học sinh nghèo, học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhưng có hoàn cảnh khó khăn; chi giải thưởng cho học sinh và sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; trợ giúp các thầy cô giáo dạy giỏi nhưng gia đình túng thiếu.
Chỉ tính 5 năm qua trung bình mỗi năm Quỹ Khuyến học chi trên 600 tỷ đồng cho các mục tiêu trên, chủ yếu là cấp học bổng cho học sinh nghèo, cho học sinh, sinh viên vượt khó đi lên và cho giải thưởng tất cả khoảng gần 2 triệu lượt người.
Cùng với Quỹ Khuyến học, Hội còn lập thêm Quỹ Vòng tay đồng đội như một chi nhánh, chủ yếu cấp học bổng cho con em các liệt sỹ, các cựu chiến binh, thương bệnh binh và các chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Ngoài ra còn có Quỹ Nhân ái trực thuộc báo Khuyến học Dân trí và báo Dân trí điện tử giúp đỡ nhân dân, học sinh, sinh viên các vùng bị thiên tai tàn phá, những người bị bệnh tật hiểm nghèo. Vừa qua, với sự tài trợ của các độc giả, Quỹ Nhân ái đã xây dựng cầu Pô Kô ở Kontum, khắc phục tình trạng trẻ em phải đu dây qua sông đi học rất nguy hiểm, được dư luận rất hoan nghênh và đánh giá cao.
Trong vụ lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, các loại quỹ của Hội đã kịp thời giúp đỡ nhân dân, đặc biệt là cung cấp sách vở cho học sinh để các em không bị gián đoạn học tập khi nước rút.
Chúng tôi nhận thức rằng, trong các loại từ thiện thì từ thiện khuyến học là loại từ thiện cơ bản nhất vì nó tạo điều kiện cho con em các gia đình nghèo, gia đình khó khăn đáng lẽ phải chịu cảnh thất học lại được đi học, từ đó có kiến thức, có nghề nghiệp, thậm chí có trường hợp trở thành người tài vừa xoá đói giảm nghèo cho gia đình, vừa giúp ích cho đất nước.
Còn về cuộc thi "Nhân tài Đất Việt" thưa ông?
Với chức năng khuyến học, khuyến tài, Hội có trách nhiệm tạo ra một sân chơi bổ ích để phát hiện và khuyến khích tài năng thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt là tài năng trẻ nhằm góp phần tiến tới hình thành một đội ngũ nhân tài tiến quân vào chinh phục khoa học kỹ thuật, đưa đất nước đạt những đỉnh cao của thời đại, trước mắt đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu. "Nhân Tài đất Việt" khởi xướng là một cuộc thi nay đã trở thành một giải thưởng mang tính quốc gia mở đầu bằng Công nghệ thông tin nay đã được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Y tế.
Trêm cơ sở kết quả cuộc thi, ngày càng có nhiều công trình được giải thưởng được ứng dụng vào sản xuất và quản lý mang lại hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, đặc biệt có một số công trình được xuất khẩu sang các nước khác. Do thành công xuất sắc nên cuộc thi "Nhân tài Đất Việt" được lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ sở sản xuất hoan nghênh, đặc biệt được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, gửi thư động viên, khích lệ và đánh giá cao. Rất vinh dự cho Hội và Ban Tổ chức cuộc thi được Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen ngợi và nhận xét "Cuộc thi xứng đáng là một vườn ươm nhân tài trên nhiều lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước".
Nói đến thành công của giải thưởng "Nhân tài đất Việt", tôi muốn tranh thủ dịp này thay mặt Hội Khuyến học Việt Nam cảm ơn các bộ, ngành liên quan về sự bảo trợ và hỗ trợ tích cực, cảm ơn các nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho cuộc thi được tiến hành thuận lợi, hoan nghênh các nhà khoa học ở trong nước và đang công tác ở nước ngoài đã đến với cuộc thi bằng trí tuệ và nhiệt huyết của mình.
Cám ơn! rất cám ơn các bạn
Với tư cách Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông có chia sẻ gì với chúng tôi những người làm công tác truyền thông của Hội?
Đối với các bạn làm công tác truyền thông của Hội, với tư cách Chủ tịch, thay mặt cho hơn 7,5 triệu hội viên của Hội tôi xin nói một lời, một lời từ đáy lòng: Cảm ơn, rất cảm ơn các bạn! Tôi nhận thức sâu sắc sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của Hội Khuyến học Việt Nam, và Hội giành được niềm tin của Đảng và Nhà nước, sự tín nhiệm của các tầng lớp nhân dân một phần quan trọng là nhờ hoạt động, nhờ trí tuệ và tâm huyết của các bạn, những người làm công tác thông tin truyền thông.
Bằng trí tuệ, kinh nghiệm, ngòi bút và phương tiện hiện đại, các bạn đã truyền đạt đến độc giả và các tầng lớp nhân dân đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chủ trương của Trung ương Hội về khuyến học, khuyến tài, đưa tin về hoạt động của các cấp Hội, phổ biến những kinh nghiệm hay, những gương tốt để các cấp Hội học tập lẫn nhau, thi đua đẩy mạnh phong trào phát triển. Tôi xiết bao vui mừng và hãnh diện về tờ báo điện tử Dân trí chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, đứng trong nhóm các báo điện tử hàng đầu của cả nước đạt con số bình quân trên 10 triệu lượt người truy cập/ngày, đặc biệt tờ điện tử Dân trí tiếng Anh đã ra đời phát huy tác dụng đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các bạn bè quốc tế, tờ báo viết "Khuyến học và Dân trí" đã trở thành người bạn đường, vật bất ly thân của những người làm khuyến học. Tạp chí "Dạy và học ngày nay" đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị không chỉ cho phong trào khuyến học, khuyến tài mà cho cả giáo dục và đào tạo nói chung. Mong rằng thời gian tới thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Hội; củng cố phong trào, đưa phong trào đi vào chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và đặc biệt là triển khai xây dựng XHHT, một việc hoàn toàn mới mẻ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các bạn sẽ quan tâm kịp thời thông tin về hoạt động của các cấp Hội nhất là kinh nghiệm về xây dựng XHHT từ cơ sở.
Sẽ là một khuyết điểm lớn nếu tôi cảm ơn các bạn làm công tác truyền thông của Hội mà không thay mặt Hội cảm ơn các nhà làm công tác truyền thông nói chung của cả nước từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đã truyền đạt thông tin đến nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, bình luận, nhận xét, góp ý kiến về các chủ trương, chính sách và hoạt độång của Hội, khuyến khích mọi người tham gia học tập, động viên mọi người tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, góp phần đưa quan điểm của Đảng tại Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị: "công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân" vào thực tế cuộc sống.
Sự chân thành của tôi sẽ nhận được sự đồng cảm
Xin hỏi ông một câu hỏi riêng. Ông có tâm tư gì trong nhiệm kỳ này?
Tuy đối với tôi khuyến học là một công việc mới mẻ vì hầu hết cuộc đời công tác tôi đã dành cho đối ngoại. Nhưng trước sự động viên nhiệt tình của các đồng chí có trách nhiệm, sự tín nhiệm của Đại hội, nhất là khi tìm hiểu tôi thấy rõ mục tiêu cao cả, đầy tính nhân văn của Hội thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và phù họp với xu thế của thời đại nên tôi vui vẻ yên tâm nhận nhiệm vụ Đại hội giao phó. Trong nhiệm kỳ qua, được sự cộng tác tích cực của các đồng chí trong Thường trực và Ban Thường vụ TW Hội, sự hỗ trợ tích cực của các đồng chí trong Ban Chấp hành TW Hội, sự phối hợp nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền các địa phương, sự cổ vũ của các cấp Hội tôi đã nối tiếp hoạt động của các đồng chí đi trước và đã có một chút đóng góp khiêm tốn vào quá trình phát triển của Hội. Tôi cảm thấy ngày càng gắn bó với sự nghiệp cao cả này.
Đến cuối nhiệm kỳ III, do tuổi đã cao (nay tôi đã ở tuổi 82) sức khoẻ giảm sút rõ rệt tôi muốn dành thời gian còn lại ghi chép những điều biết được và học được trong quá trình hoạt động đối ngoại làm tư liệu để lại cho các đồng nghiệp thế hệ trẻ khi làm tổng kết hay viết lịch sử xem như trả một món nợ cho ngành mà tôi đã phục vụ nhiều năm và đã trưởng thành. Tôi sẽ không viết Hồi ký, vì tôi đã xác định cống hiến của mình chưa xứng đáng để viết Hồi ký như các đồng chí tiền bối. Do vẫn nặng tình với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nên tôi ở trong tâm trạng "Thân này ví xẻ làm đôi được" và sau một thời gian suy nghĩ, trao đổi ý kiến với một số đồng chí, bạn bè, tôi tự thấy tuổi tác và sức khoẻ không cho phép làm một lúc hai, ba việc như trước, ý nghĩ trả món nợ cho ngành thôi thúc tôi nên trong quá trình chuẩn bị Đại hội IV tôi đã đặt vấn đề với Ban Thường vụ xin không ứng cử vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV nữa. Nhưng sát đến ngày họp Đại hội, Ban Thường vụ khoá III vẫn chưa nhất trí được việc tìm người thay thế, mà Đại hội không thể hoãn được nên các đồng chí yêu cầu tôi tiếp tục nhiệm vụ một thời gian thích hợp để hoàn thành nốt một số việc cần thiết của Hội và có thời gian tìm người thay thế. Tôi không thể từ chối và tại Đại hội IV đã báo cáo để được sự thông cảm và sự chấp nhận của Đại hội. Tôi tin rằng sự chân thành của tôi sẽ được sự đồng cảm của các đồng chí trong Hội.
Nhân dịp năm mới, tôi xin chuyển đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động; các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tôn giáo, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ, hợp tác với Hội; các nhà khoa học, tri thức trong nước và ở nước ngoài đã góp công góp sức xây dựng và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập lời cảm ơn chân thành của TW Hội khuyến học Việt Nam. Xin gửi tới các hội viên, các cấp hội, các đồng chí, bè bạn có cảm tình với Hội và độc giả của báo lời chúc năm mới, sức khoẻ và thành đạt.
Xin cám ơn ông!
Thiên Bảo Vân