“Năm 2011 này là năm Tân Mão, con mèo mới là quý hoá lắm” - nói xong, cười tươi, rồi ông Thanh lại tiu nghỉu kể về cái gã bán “tiểu hổ” (thịt mèo) ở ngay gần Trường Đại học Nông nghiệp I - nơi ông công tác đã 30 năm: “Nó đập mèo trên thớt nghiến, dã man lắm, máu me lắm. Tôi đã dằn mặt mấy lần, tôi dọa không nghe lời tôi là tôi cho sinh viên nó ra… phá quán, tôi yêu cầu chủ nhà không cho thuê mặt bằng bán hàng nữa. Giờ cứ thấy xe của tôi đến là lão ta thu dọn dao thớt, tọt vào trong nhà”.
Ông Thanh và những chú mèo yêu quý
Ông tiến sĩ cầm đèn đi xem “mèo mả gà đồng”
Thâm niên 30 năm giảng dạy đại học, nay là PGS-TS (sinh năm 1954) lẫy lừng trong giới, đương nhiệm Trưởng bộ môn ngoại sản, Giám đốc Trung tâm Chó nghiệp vụ - Đại học Nông nghiệp (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Thanh chưa bao giờ thôi lăn xả vào tìm cách đem các công trình của mình ứng dụng vào cuộc sống.
Khi đàn chuột tung hoành ở khắp cả nước, ăn trụi mùa màng, gây bao đảo lộn cho cuộc sống của người dân, bả chuột Trung Quốc gây chết đủ các loài động vật, trong đó có con mèo và con người..., song vẫn không diệt được họ hàng hang hốc nhà chuột, TS Thanh quyết định xắn quần móng lợn cùng người nông dân đi gây nuôi “thiên địch của chuột” - tức là nhân nuôi, bảo vệ đàn mèo.
Mèo bị giết hàng loạt, vào quán nhậu, bán sang Trung Quốc, thế là lũ chuột thừa thắng xông lên. Đám người bán thuốc diệt chuột được dịp phát tài. Mèo ăn bả chuột mà chết, có khi chuột ăn bả, mèo ăn thịt chuột, mèo cũng “ra đi”. Trước tình cảnh người giết mèo, chuột cũng... giết mèo đó, ông Thanh phối hợp với tổ chức phi chính phủ Thanh niên sứ mệnh YWAM về xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cùng nông dân bàn kế sách “đánh nhau với chuột”.
Ông Sáng - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình - thở dài: Chuột không biết từ đâu kéo nhau ra, chúng nhiều và dạn người đến mức, tôi đi ngoài đường, đá vào bọn nó cứ bùm bụp. Ông Trưởng thôn Đồi Chè của xã thì bi hài: “Nhà tôi nuôi nhiều vịt, đêm đến, từng “sư đoàn” chuột vây quanh nhà, quanh vùng vịt đẻ. Cứ quả trứng nào tọt ra, là chuột hè nhau vần trứng đi như lũ trẻ đang lăn lốp ôtô trên đường. Con nọ cắn đuôi con kia, cả trăm con chuột cười rả rích rồi chạy tít ra ngoài đê chơi đùa”.
Mùa đến, chuột phá trụi thóc lúa, ăn hết hoa màu, chúng tinh ranh như yêu tinh. Bẫy, bả, mọi phương pháp “đánh” chuột chỉ lừa chúng được một lần, lần sau, biết bị “chơi đểu”, chúng càng phá khốc hại hơn. Dần dà, chuột không bao giờ mắc lừa, bả hay bẫy mà toàn là mèo bị “dính bả” lăn đùng ra chết.
Theo thống kê, ở nhiều thôn, 30-40% sản phẩm hoa màu, thóc lúa của bà con bị chuột “khênh” đi mất. Đáng sợ hơn, chuột sinh nở theo cấp số nhân, nếu không tiêu diệt thì chỉ ít ngày nữa, có khi xã Thanh Bình sờ đâu cũng thấy chuột. TS Thanh bấy giờ mới thấm thía cái tài liệu nghiên cứu ông đang cầm trên tay: Thí dụ, theo một khảo sát cấp quốc gia, trong 3 tháng đầu năm 1998, nước ta có khoảng 30 triệu con chuột, mỗi ngày chúng tàn phá của bà con mất khoảng 30 tỉ đồng. Mỗi chuột đồng trưởng thành, một năm có thể đẻ ra 80 con chuột con, cứ 2 tháng lại thêm một thế hệ nhung nhúc chuột mới lớn, tích cực tham gia... Một năm, mỗi đôi chuột có thể nhân lên trung bình 2.160 con. Và, nếu một cánh đồng có 1.000 con chuột thì mỗi ngày sẽ nhân lên khoảng 6.000 “anh bạn mới”. Cứ về xã Thanh Bình tìm hiểu thì mới thấm được sự rùng rợn của cái họa chuột... làm con người thất điên bát đảo ra sao.
Là một chuyên gia nghiên cứu chó mèo, thấy chuột trở thành “quốc nạn”, “quốc dịch”, ông Thanh lập tức xắn tay áo vào lo nhân nuôi đàn mèo để tiêu diệt chuột. Phẩm cách của nhà khoa học, giá trị đáng nói nhất của mọi công trình nghiên cứu, là làm sao đem tri thức và kinh nghiệm đó ra phục vụ tốt nhất cho cuộc sống cụ thể này.
Thế rồi, TS Thanh đã có được một sự kết hợp hoàn hảo, khi cùng với tổ chức Thanh niên sứ mệnh YWAM, thực thi dự án trị giá hàng trăm triệu đồng, phát triển đàn mèo tiêu diệt chuột ở Thanh Bình. Một “ngân hàng mèo” được thiết lập, dự án phát 100 con mèo cho các nông hộ nuôi, với cam kết không giết mèo ăn thịt, không thiến mèo đực, không dùng bả hoá học đánh chuột (dễ khiến mèo, rắn, chim cú - các thiên địch của chuột - cùng ăn phải bả, hoặc ăn phải chuột đã chết bởi bả); không bán mèo cho các quán tiểu hổ...
Tuy nhiên, đàn mèo vừa đông lên, thì kẻ xấu các nơi về “vựa mèo béo” Thanh Bình bắt trộm mèo đem bán cho quán nhậu các nơi. Bà con “rào làng” bảo vệ mèo. Lại có thanh niên hư đốn ngay trong làng đi bắt mèo đêm. TS Thanh chơi một “ván bài” tâm lý rất đích đáng. Hễ phát hiện ai bắt trộm mèo thì sẽ bị đọc tên, đọc tội lên loa truyền thanh của toàn xã, đồng thời bị công an xử nghiêm khắc. “Vô tuyến truyền hình làm gì, tôi cứ trị bằng vô tuyến... truyền mồm” - ông Thanh nói. Loa xã sẽ đọc, tên trộm mèo con cái nhà ai, em ông nào, cháu bà nào, bắt mèo và đáng xấu hổ ra sao, bắt mèo lúc này là chọc thủng túi tiền, cướp mất bồ thóc đầy mồ hôi nước mắt của bà con mình. “Xử” các vụ bắt trộm mèo xong, ông Thanh bắt đầu thắc mắc: Tại sao bọn mèo bao giờ cũng bị tóm những “chàng” đẹp nhất, khỏe nhất, béo nhất đem ra quán nhậu một cách dễ dàng như thế?
Đêm, ông Thanh lang thang ở xã Thanh Bình, xắn quần, cầm đèn pin tìm hiểu. Ông phát hiện ra, lũ “mèo mả gà đồng” nó “yêu” nhau rất lạ. Con cái hư lắm, “cọc đi tìm trâu”, lúc động dục là nó rên la thảm thiết, quyến rũ mèo đực rất ghê khiến cả đám mèo đực to lớn, khỏe mạnh “ưu tú” nhất đều đến phủ phục xung quanh nó để chờ được “yêu”. Lũ mèo đực không tranh giành nhau mà nó cứ ngoan ngoãn đứng đó, chờ nàng mèo cái ban tình. Lúc ấy, ông TS Thanh hay tên trộm mèo nào đó thích đến bắt anh mèo đực nào thì bắt. Có khi, TS Thanh bắt vài chàng mèo đực đi chỗ khác nhốt thật lâu, đến lúc thả ra, quay lại chỗ mèo cái đang “ban tình”, thì ông cũng lại thấy vẫn chính những chàng mèo đực béo ú đó đang... phủ phục một cách ngây dại ở đúng chỗ cũ.
Bọn trộm biết được “gót chân Asin” này của lũ mèo, cho nên quán “tiểu hổ” bao giờ cũng có được những con mèo đực oách nhất để xẻ thịt lột da mà bù khú. Đàn mèo tan hoang, một phần là vì thế.
Thi hoa hậu mèo chỉ thiếu màn… áo tắm!
Biết được “sở đoản” đó của đàn mèo, ông Thanh làm việc với chính quyền địa phương, bằng mọi giá “đi tuần” bảo vệ lũ mèo ngốc nghếch. Ông cũng luôn kêu gọi bạn bè, học viên của mình và bà con hãy tẩy chay các quán thịt mèo, rằng: Giết mèo là tự... giết mình. Nhà nhà ở Thanh Bình nuôi mèo, xã có tới gần 2.000 con mèo, mùa vụ tăng năng suất 30% so với trước khi đàn chuột còn tung hoành. Các hiệp hội đi bắt chuột thuê ở xã cũng coi như giải nghệ. Bà con mừng lắm.
Để tìm cách duy trì được phong độ chăm sóc mèo, TS Thanh và cộng sự còn tổ chức các cuộc thi hoa hậu mèo, thi mèo khỏe, tôn vinh các bàn tay chăm sóc mèo khéo léo. Số thí sinh mèo lên đến vài trăm. Nội dung thi rất thú vị với đủ các hình thức: Bỏ phiếu kín, chấm điểm, hái hoa dân chủ, thi trắc nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mèo.
Ban giám khảo cũng đong đo, chấm các vòng eo của mèo cái. Ban giám khảo gồm lãnh đạo uỷ ban xã, hội phụ nữ xã, TS Thanh làm trưởng ban giám khảo. Các danh hiệu được trao gồm: Chàng Sumô mèo (mèo khỏe nhất); chị An Na xinh đẹp (hoa hậu mèo); chị Mướp nhiều con (mèo đẻ đông con, nuôi con khéo nhất). Mỗi người đoạt giải sẽ có tiền thưởng kha khá, có bằng khen in chữ nổi trang trọng, đóng trong khung gỗ quý. Ở Thanh Bình, ai cũng biết, mỗi con chuột, trong một mùa nó có thể phá tới 20kg thóc của dân, mà một cánh đồng bao nhiêu nghìn con chuột? Vì thế, bà con quý mèo lắm.
Rất nhiều người ngơ ngác chứng kiến hội thi hoa hậu mèo độc đáo ở xã Thanh Bình. Từ sáng sớm, hàng mấy trăm chị mèo tưng bừng theo chủ vào khu vực hội trường UBND xã để “tỉ thí nhan sắc và tài năng”, chủ mang theo cá rán để cưng nựng “các nàng”.
Đó là cuộc “thi hoa hậu” có thể hiểu độc nhất vô nhị của nước ta? Có người bảo, chỉ thiếu màn thi áo tắm nõn nường da thịt nữa thì... Nghe tôi nói vậy, ông Thanh chỉ tủm tỉm cười, hai chú mèo trắng xinh đẹp nũng nịu nhảy lên tay ông chủ rồi vểnh râu, ngơ ngác nhìn khách.
PGS Thanh thủ thỉ: “Nhà tôi nuôi hàng chục con mèo, nếu ta biết chăm sóc, mèo nào cũng sẽ tuyệt đẹp, bọn chúng ở nhà này, rồi sang mấy chục nhà hàng xóm của tôi “định cư” là chuyện thường. Nuôi mèo là để diệt chuột, mèo ở nhà ai cũng vậy thôi. Tôi còn nuôi vài chục mèo trong trung tâm chó nghiệp vụ, mèo ăn ở chung với chó, chó với mèo không ghét nhau như người ta tưởng đâu, nhà báo nhé”.
Đầu năm con mèo
Đỗ Doãn Hoàng
Báo Lao động