Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Lũ muộn gọi Xuân về sớm

Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 2 2011, 09:05
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - Miền Tây hiu hiu gió lạnh như cuối đông ngoài quê nhà, nằm phải đắp chăn mới có thể ngủ yên giấc. Mấy cây mai vàng sai nụ nở bói lưa thưa. Ấy là dấu hiệu Xuân Đồng bằng đang tới. Năm nay nước nổi về muộn mà Xuân thì đến sớm.



Bắt cá linh mùa lũ
Tháng 9 tháng 10 rồi mà đồng ruộng khô rang, người dân vùng Hậu Giang, Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên đỏ con mắt ngóng chờ nước nổi. Ông bà ta xưa vẫn gọi là nước nổi mà không gọi là lũ. Anh bạn thơ qua cánh đồng rơm rạ vàng khô ngẫu hứng thốt lên “Vào thu rồi sao nước nổi chưa về?”. Câu thơ hay là nỗi nhớ mong da diết mùa nước nổi? Ta mong đợi đêm trăng bơi xuồng câu cá tôm trên ruộng rồi tự tay nướng, nhấp ly rượu cùng du khách trên thượng nguồn An Phú, Tân Hồng. Mẹ mong đợi con cá linh non kho tương chấm bông điên điển và cánh đồng thì im lìm nằm đợi phù sa.

 

Mỗi năm sau mùa lúa hè thu là lúc đồng lấp xấp nước từ thượng nguồn đổ về. Nước đầu mùa trong không chút phù  sa, vàng nhạt màu phèn. Người Châu thổ gọi là nước xấu. Mẹ chờ con nước xấu ấy, chờ dấu hiệu của mùa nước nổi nhưng nước xấu không về.

 

Nước nổi với đồng bằng như hai nửa của đôi bạn tình không thể thiếu nhau. Lắm khi nước nổi giận dâng cao thành lũ, những cơn giận vô cớ gây nên những tháng ngày ngập lụt, nhà cửa chìm nghỉm trong biển nước mênh mông. Lũ nổi giận đổ ào ào cuốn trôi bất cứ thứ gì ngăn cản đường đi. Ví như lũ năm Thìn, năm Mão lũ gây bao tai ương cho con người. Năm nay nước nổi không về cánh đồng khô cạn nứt nẻ. Người ta mong ngóng cả cơn nóng giận của lũ mà nước nổi lừng khừng tận đâu!

 
 

Tôi về Thốt Nốt, Thới Lai, Thoại Sơn vào những ngày nông dân chờ sạ lúa đông xuân. Cữ này vào những ngày cuối năm trước nước trắng đồng, ghe xuồng lách lỏi qua kinh rạch bơi bồng bềnh trên những cánh đồng lưa thưa những ngọn tre, bãi tràm buông câu thả lưới. Xưa kia lũ về người chạy lũ, bây giờ họ bám trụ đổ xô nhau đi mua lưới kết lồng đăng quầng nuôi cá, nuôi tôm trên ruộng. Một nghề mới ra đời sau mấy năm lũ dâng lớn bất thường.

 

Sống chung với lũ người đồng bằng đã biết sớm thích nghi biến lũ thành nguồn lợi lớn. Lũ dần trở nên thân thiện. Mấy ông bạn văn từ Hà Nội, Cao Nguyên vào Đồng Tháp Mười bơi xuồng trên biển nước quanh Tràm Chim Hồng Ngự... đêm buông câu đèn giăng sáng như sao sa chợt nảy ra một ý nghĩ độc đáo: Sao thú vị thế này mà không tổ chức du lịch mùa nước nổi? Lũ đem lại nguồn lợi tôm cá, phù sa thì lũ cũng có thể đem lại nguồn thu mới từ các tour du lịch của khách lữ hành viễn xứ.

 

Nước nổi không về những con kênh ở Thuận Hưng, Thanh Thắng, Cờ Đỏ, Thới Lai... gặp lúc nước ròng xuống dưới mớn gần nửa mét. Hai bờ kênh dày đặc những quầng lưới nilong quây kín bên trong lồng chật ních hàng ngàn con cá rô, cá lóc, cá trê, cá điêu hồng, rô phi... thôi thì đủ loại cá nuôi lồng chờ nước để đưa ra ruộng thả giờ bị giam trong lồng lưới chật chội. Chị Hai Tân đôi bàn tay phèn bám quánh như màu gạch cua, ngồi tỉ mẩn đập ốc bươu vàng làm mồi cho đàn cá đói ăn. Chị nói trong nỗi buồn: “Chú ơi như mọi năm bầy cá giống trong lồng giờ đã cho ra ruộng và mấy ngày nữa là có thể bắt bán. Cả nhà mong vào ruộng cá để có áo tết cho con. Năm nay ngồi ngóng mãi lũ không về, phải lặn lội kiếm mồi nuôi cá trong lồng cực mà lỗ vốn”.

 

Tôi ra chợ Tân Hiệp cùng anh bạn hỏi tìm mua mớ cá linh. Mấy chị bán cá nhìn khách hàng vẻ ngạc nhiên “Chú ơi năm nay làm gì có cá linh? Nước nổi không về tôm cá cũng ít, mà cá linh thì biệt tăm”. Nước nổi không về con cá linh vắng bóng, vẻ hoang dã của đồng bằng mất đi thi vị độc đáo. Người bạn đầu tiên theo nước nổi về với đồng bằng là bầy cá linh non mới sinh chỉ bằng cái đầu đũa. Nước ngập bãi sông bông điên điển nín nhịn lâu ngày vì háo nước thi nhau trổ hoa vàng rực hai bờ sông. Bông điên điển chấm với cá linh kho tương như là một đặc sản riêng có của Đồng bằng. Dân nhậu ghiền và các bác lão nông thì nhớ nôn nao cái vị thơm ngon đặc biệt khó tả của nồi cá linh kho lạt ăn kèm bông điên điển vàng rộm.
 
Cắt lục bình...
 

... và thu hoạch bông điên điển

 

Những năm lũ cao Đồng bằng sông Cửu long ngập chìm trong biển nước, hàng vạn con người chống chọi gian nan. Ấy vậy mà mỗi bữa  ăn với nồi cá linh kho lạt, mớ rau điên điển vàng ven sông thêm ly rượu đế làm vợi đi bao nỗi nhọc nhằn.

 

Năm nay lũ muộn, mùa cá “linh non” không về. Mùa bông điên điển ven sông Tiền, sông Hậu lưa thưa, nước sông Cửu Long đổ về quá kiệt. Người Đồng bằng thẫn thờ nhìn dòng chảy lờ đờ từ thượng nguồn đổ về quá thấp như chưa bao giờ thấp hơn trong suốt mười năm qua. Thế rồi bất chợt lũ muộn về. Miệt Đồng Tháp, Tân Hồng, Châu Phú... và cả Châu thổ háo hức đón lũ muộn như đón người bạn tình lỡ hẹn. Dẫu muộn mằn và có chút bất ngờ nhưng cũng đủ cho người Đồng bằng vơi đi nỗi nhớ. Hàng trăm chiếc xuồng ghe ém sẵn hàng tháng trời túa ra các cửa sông lớn nhỏ đón cá linh đua. Chỉ sau một ngày nước muộn về các cửa hàng đặc sản miền Tây ở thành phố Hồ Chí Minh đã có món cá linh kho lạt, hoặc tẩm bột chiên dòn. Nhưng cũng chỉ đủ dành cho những “khách ruột” lâu năm. Nghe nói ở các chợ cá Sài Gòn lúc đó có được ít cá linh con từ miệt Tân Hồng, Tân Châu lên mỗi ký cá linh con được giá gần hai trăm ngàn, gấp ba - bốn lần giá năm trước, mà cũng chỉ được mấy hôm rồi hết.
 
Cắt lúa chạy lũ

 

Những cơn lũ muộn miền Trung là tội ác, là hiểm họa rình rập.

 

Cũng là cơn lũ muộn mà Đồng bằng sông Cửu Long lại háo hức đón đợi niềm vui. Dẫu muộn màng nhưng lũ muộn Đồng bằng cũng đủ đem về lớp phù sa mỏng bồi bổ mỡ màu cho đất rửa sạch ruộng đồng, tưới nước mát cho cây cối mùa màng, gọi mùa Xuân về sớm.

 

Phan Huy

Sưu tầm từ dantri