Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Khám phá “vương quốc” dầu tràm bên quốc lộ 1A

Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 2 2011, 09:47
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - Từ hàng trăm năm nay, người đi trên QL1A đoạn qua xã Lộc Thuỷ (Phú Lộc, TT-Huế) đều được hít hương dầu tràm thơm ngát bốc lên từ nhiều lò nấu cổ truyền bên đường. Dầu tràm Phú Lộc nổi tiếng không chỉ bởi mùi thơm mà cả công dụng chữa nhức mỏi hiệu nghiệm.

Chúng tôi tới lò nấu dầu tràm của gia đình anh Nguyễn Văn Hào khi anh đang lúi húi với nồi dầu tràm toả mùi thơm nức mũi. Anh kể: “Từ xưa, vùng Lộc Thuỷ chi chít rừng tràm gió. Đi đâu cũng đụng cây tràm. Tràm phủ xanh như rừng nguyên sinh vậy. Nhiều lần nấu ăn bằng củi và lá cây tràm thấy tứa ra nước thơm, dân ở đây nghĩ ra cách nấu dầu tràm từ đó. Dầu tràm có mùi thơm không quá nồng, xoa vào vết bầm tím hay chỗ nhức mỏi vài phút sẽ hết nên ai cũng thích”.

 


“vương quốc” dầu tràm Lộc Thuỷ bên QL 1A

Bên kia đường, nhà ông Trương Diệp cũng đang nấu một nồi to dầu tràm. Ông Diệp vừa nhen củi vừa húng hắng nói: “Tui làm nghề ni từ nhỏ. Nhớ từ hồi ông cố ông sơ, hàng ngày cả nhà quây quần bên bếp lửa và rừng tràm. Sau một buổi làm người ai cũng nám đen vì khói và xây xướt do lủi vào rừng tìm lá tràm.

 

Tràm nấu trong nồi to này 5 tiếng đồng hồ là xong và củi phải chụm thật đều. 1,5 tạ lá tràm chiếm tỷ lệ 2/3 nồi, còn lại 1/3 là nước. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng phải đun lửa đều và kỹ, không lúc nào thiếu lửa hay để cho lửa cháy quá dữ sẽ làm bay hơi mất mùi dầu.

 

Chai hứng dầu từ vòi sẽ được đặt trên một thau đầy nước lạnh để làm cô dầu khi từ thùng nóng ra ngoài. Toàn bộ dầu từ 1,5 tạ lá sẽ ra đầy 5 chai 200ml. Mỗi chai chúng tôi bán 60 ngàn đồng. Ngày nào có khách thì nấu 2-3 nồi, ngày nào không có khách thì vẫn nấu nhưng chỉ 1 nồi để trữ dầu trong chai bán về sau”.
 


Một chai dầu tràm mới ra lò 
 

Anh Hoàng Văn Toản, tài xế lái xe tải Bắc - Nam quê ở Thái Nguyên dừng tại tiệm dầu tràm vui vẻ trò chuyện với chủ quán như người nhà. Anh cho biết, đã thành thông lệ, mỗi lần qua Phú Lộc là anh lại mua dầu tràm về cho mẹ và vợ vốn đã “nghiện” thứ dầu dân dã mà rất hiệu nghiệm này. “Cứ thoa vô người là thấy rất đã. Tôi đây trên đường về mà mỏi thì cũng lấy dầu này ra xức luôn, thấy thoải mái vô cùng” - anh Toản thân mật nói.

 

Toàn xã Lộc Thuỷ hiện có 12 lò nấu dầu tràm và hàng trăm điểm bán dầu dọc đường. Địa phận bán dầu tràm còn lan ra phía Nam tới xã Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô, gần tiếp giáp Đà Nẵng, với hơn 300 điểm bán. Đi qua cung đường này có cảm giác như lạc vào “thánh địa” của tràm với chi chít những chai dầu vàng, trắng hiện ra trước mắt và mùi dầu thoang thoảng khắp không gian.

 


Màu dầu tràm vàng hoà với ánh nắng đã trở thành một đặc trưng của cung đường dài hơn 10km này

Có thời, dầu tràm không được ưa chuộng, dân chỉ thích dầu gió, dầu xanh ở Trung Quốc và nước ngoài. Nhưng khoảng 10 năm trở lại, dầu tràm đã rất được khách tin dùng. Hiện có nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh thấy tiềm năng dầu tràm nên đã về đầu tư thêm cho các lò nấu để cho ra nhiều sản phẩm từ tràm độc đáo như lót lưng, nịt lưng, nịt gối, nịt ngực, nịt bụng, lót giày… Nghề dầu tràm Lộc Thuỷ ngày càng phát triển chính nhờ bản sắc của loại tràm tốt nơi đây.

 


Lá tràm tươi được dùng để nấu thành dầu

Một nồi tràm đang được nấu
Lá và nước được bỏ vào nồi rồi được bịt kín bằng đất sét. Nấu cho sôi. Nước tràn lên sẽ theo đường dẫn chảy xuống nồi thấp hơn...
 
chảy vào một chai đang được ngâm trong nước lạnh. Từ đây dầu cô lại nổi trên mặt nước, sau đó sẽ được chắt ra chai.

Dầu tràm có 2 loại trắng và vàng, được bán với giá 60.000đ/chai


Nhiều sản phẩm độc đáo mới được làm ra từ dầu tràm như thắt lưng, nịt bụng, nịt ngực…


Nhiều đứa trẻ đi chân đất đã gắn liền tuổi thơ với việc nhặt lá tràm về nấu, lớn lên gắn bó với nghề nấu dầu tràm như một phần máu thịt quê hương.
 

Đại Dương

Sưu tầm từ dantri