Người “phù phép” cứu rỗi những nỗi đau tật nguyền
>> “Đêm trắng” cùng bác sĩ khoa cấp cứu
>> Những bác sĩ có… “thần kinh thép”
>> Nồi cháo tình thương - Tấm lòng vàng của các bác sĩ vùng cao
Truyền thống gia đình có 5 chuyên gia hàng đầu về y học
Sinh năm 1959 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về y học, dòng máu y khoa và không khí học thuật trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh cứu người đã ngấm chảy trong anh không biết từ khi nào. Mẹ của anh, giảng viên bộ môn Sinh hóa Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuyến đã thật tự hào khi hai người con của mình là PGS.TS Trần Thiết Sơn và nữ chuyên gia Nhi khoa Trần Thu Thủy - người được đào tạo Nhi khoa bài bản tại LeNingrad - Liên Xô (cũ) đều dành tất cả tâm sức của mình hành nghề Y dưới lời thề Hypocrat thiêng liêng.
Năm 1983, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội với chuyên ngành Dị ứng, PGS.TS Trần Thiết Sơn học tiếp nội trú và công tác tại trường. Thế nhưng, năm 1989, một bước ngoặt đã đến với cuộc đời anh khi cố GS.VS.TSKH Nguyễn Huy Phan muốn chọn một số học trò xuất sắc nhất đào tạo một chuyên ngành mới: Phẫu thuật tạo hình - chuyên ngành còn chưa chính thức xuất hiện tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Thiết Sơn không bao giờ quên được những nỗ lực phi thường để thực hiện hoài bão phẫu thuật tạo hình đưa những bệnh nhân chìm ngập trong những mặc cảm về khiếm khuyết trên thân thể tự tin về với cuộc sống. Thế nhưng, dành tâm sức theo học một chuyên ngành hoàn toàn mới như vậy, có nghĩa là chuyên ngành dị ứng anh theo học suốt 4 năm tại Đại học Y đành gác lại đồng nghĩa với việc phải học lại ngành mới từ đầu.
PGS.TS Trần Thiết Sơn tại phòng làm việc ở bệnh viện Xanh-pôn. (Ảnh: Anh Thế)
Sau nhiều năm tìm tòi học hỏi và được cố GS.VS.TSKH Nguyễn Huy Phan chỉ dạy tất cả những kiến thức và kinh nghiệm của mình, năm 1994, PGS.TS Trần Thiết Sơn hăm hở lên đường sang Pháp theo học những kiến thức tiên tiến nhất về phẫu thuật tạo hình lúc bấy giờ. Thế nhưng, là một trong những phẫu thuật viên Việt Nam đầu tiên được theo học chuyên ngành phẫu thuật tạo hình tại Tây Âu, PGS.TS Trần Thiết Sơn đã từng phải “toát mồ hôi” khi tiếp thu những kiến thức quá mới, quá hiện đại vì chuyên ngành này đã có truyền thống tại Tây Âu trên 50 năm. Chính một quá trình mày mò, tự học, nhiều khi phải học lại từ đầu đó đã rèn luyện lên đức tính kiên trì hiếm có đặc biệt cần thiết và giúp ích rất nhiều cho những ca phẫu thuật lên đến 12 giờ đồng hồ sau này của chuyên phẫu thuật tạo hình Trần Thiết Sơn.
Vào năm 1991, Bộ môn phẫu thuật tạo hình tại Việt Nam mới chính thức được mở tại Đại học Y Hà Nội. PGS.TS Trần Thiết Sơn trở về nước góp phần không nhỏ vào việc truyền đạt lại những tri thức quý báu đào tạo lớp bác sĩ chuyên khoa đầu tiên vào năm 1995.
Năm 1999, cùng với việc thực hiện thành công đề tài nghiên cứu sinh “Tạo hình trong bọc”, cho đến giờ, PGS.TS Trần Thiết Sơn cũng không nhớ nổi số bệnh nhân mà anh đã đem lại cho họ nụ cười, sự tự tin thậm chí cả sinh mạng trở lại cuộc đời.
Với hai cương vị hiện tại, Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y Hà Nội và Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh - Pôn, PGS.TS vẫn sắp xếp công việc để sẵn sàng “xắn tay” trong những ca bệnh nguy hiểm và phức tạp. Ngoài niềm hạnh phúc mang đến được với các bệnh nhân, anh còn được vợ là Bác sĩ chuyên khoa Răng - hàm - mặt Nguyễn Thị Nam Liên hiện công tác tại Viện chiến lược Bộ Y tế và 2 người con luôn kề vai sát cánh, san sẻ tình yêu thương cũng như những bộn bề trong cuộc sống.
Biến những điều bất thường thành… bình thường
Trong suốt mấy chục năm “tay dao, tay kéo” để “biến những điều bất thường thành những điều bình thường và đưa những điều bình thường lên đến hoàn thiện” như tâm niệm của PGS.TS Trần Thiết Sơn, có những bệnh nhân đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí của anh.
Đó là một nữ bệnh nhân 29 tuổi ở Hà Nội bị kết luận ung thư vú và đã bị cắt bỏ hoàn toàn một bên ngực của mình khiến cho tinh thần chị hoảng loạn và suy sụp trong suốt một thời gian dài. Chính tại Khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh - Pôn, nhờ “đôi bàn tay vàng” của PGS.TS Trần Thiết Sơn mà phần ngực bị cắt bỏ của bệnh nhân nữ đã được “phù phép” trở lại gần như nguyên dạng ban đầu.
"Bàn tay vàng" Trần Thiết Sơn đã cứu rỗi rất nhiều người mang đau tật nguyền, giúp họ trở lại cuộc sống đời thường. (Ảnh: Quốc Đô)
Giờ đây, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình vú đã trở thành một “đặc sản” tại bệnh viện Xanh - Pôn. Đặc biệt trong kỹ thuật này, việc “phù phép” ngực nhỏ thành ngực lớn lại dễ hơn rất nhiều lần từ ngực lớn thành ngực nhỏ. Với các kỹ thuật thông thường khi phẫu thuật vú phì đại theo quy trình cắt rời quầng vú, sau đó cắt bỏ phần bầu vú và ghép quầng vú trở lại. Như vậy, phần ngực chỉ nhỏ lại nhưng đã mất hoàn toàn cảm giác và chức năng tiết sữa.
Chính PGS.TS Trần Thiết Sơn, với vốn tri thức phẫu thuật tạo hình tiên tiến của mình và sự sáng tạo không ngừng đã áp dụng phương pháp tạo mao mạch nuôi quâng vú khi đã cắt rời. Chính vì vậy, sau khi phẫu thuật, ngực vừa được thu nhỏ nhưng vừa giữ được cảm giác và chức năng tiết sữa. Đây là một thành công rất lớn và vô cùng ý nghĩa.
Trường hợp nam bệnh nhân 35 tuổi tại Hải Dương bị đường điện cao thế đánh trúng đầu làm cụt một tay và mất hoàn toàn phần xương trán để lộ hẳn bộ óc là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Nếu như không kịp thời tạo lại phần xương trán và da trán thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị viêm màng não dẫn đến tử vong. Với phương pháp Vi phẫu chuyển da đùi lên trán, tái tạo lại hộp sọ, PGS.TS Trần Thiết Sơn kết hợp với chuyên khoa thần kinh đã giành được bệnh nhân của mình khỏi bàn tay tử thần.
Những bó hoa tươi thắm được bệnh nhân chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) là niềm vui lớn nhất đối với PGS.TS Sơn. (Ảnh: Anh Thế)
Trong tâm sự của mình, PGS.TS Trần Thiết Sơn chia sẻ: “Với phẫu thuật viên tạo hình, ngoài lòng yêu nghề, điều cần thiết nhất là sự điềm đạm, cần cù và đặc biệt là phải thành thạo ngoại ngữ bởi tất cả những phương pháp phẫu thuật tạo hình tiên tiến nhất đều từ phương tây và chúng ta phải có công cụ để tiếp cận nó”.
Trong suốt mấy chục năm nghiêm cứu và thực hành phẫu thuật tạo hình cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, PGS.TS Trần Thiết Sơn đã tích lũy và truyền đạt lại cho hàng ngàn học trò của mình những kỹ thuật quý báu được tích lũy cả đời mình như: Kỹ thuật giãn da, kỹ thuật phẫu thuật vú phì đại và đặc biệt là kỹ thuật Vi phẫu tích - phẫu thuật dưới kính hiển vi mà hiện tại trên thế giới chỉ có 3 nước Anh, Nhật và Việt Nam có thể thực hiện. PGS.TS Trần Thiết Sơn vẫn còn nhớ nhiều giáo sư phẫu thuật tạo hình Đài Loan sang Việt Nam đã kinh ngạc không tin nổi một nước còn “lạc hậu” như Việt Nam có thể thực hiện thành công phương pháp này.
Khi được hỏi về tâm niệm của mình sau suốt mấy chục năm lăn lộn với các phương pháp phẫu thuật tạo hình chữa bệnh cứu người, PGS.TS Trần Thiết Sơn ngẫm ngợi một lát rồi mỉm cười: “Cho đến bây giờ, càng ngày tôi càng thấu hiểu lời dặn dò của cha tôi: “Nghề thầy thuốc là một nghề nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang. Sứ mệnh của người thầy thuốc là phải lấy niềm vui và niềm hy vọng của người bệnh làm niềm vui của mình”.
Anh Thế - Quốc Đô