Kỳ thủ mù với cách chơi “cờ tưởng” độc đáo
Ông là Trần Trọng Việt Nhân, năm nay 51 tuổi, bị mù cả hai mắt. Ông từng đoạt giải quán quân cờ tướng dành cho người khiếm thị toàn quốc năm 1999 và giải thể thao Thập kỷ người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương năm 2001.
Kỳ thủ mù Trần Trọng Việt Nhân đang đọ sức cùng một người sáng mắt tại quán cà phê cóc số 78 Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng).
Ông người gốc Quảng Trị. Dù định cư ở Đà Nẵng đã mấy chục năm trời nhưng chất giọng Quảng Trị vẫn còn đặc sệt. Ngược với sự tò mò háo hức của vị khách lạ, ông chỉ trầm ngâm: “Có năng khiếu gì đâu. Tôi chơi được cờ tướng đến bây giờ cũng là nhờ tôi bị mù đó”.
Ông kể, ông làm quen với bàn cờ khi còn là chàng trai 25, 26 tuổi. Trước đó ông đã bị mù một mắt do bệnh từ năm 13 tuổi, vài tháng sau, có người khuyên ông ra Hà Nội chữa mắt. Ông khăn gói đi chữa, mắt lành đâu chẳng thấy, chỉ thấy con mắt còn lại cũng mờ dần rồi mù hẳn khiến ông phải mất một thời gian dài để làm quen với bóng tối.
“Khỏi phải nói những năm đầu chán nản đến chừng nào. Tôi không có nổi một niềm vui. Cũng may tôi có cờ tướng làm bạn”. Đó là một lần ông đến chơi nhà người hàng xóm, thấy ông đến nhưng gia chủ và nhiều người bạn đang xúm vào bàn cờ tướng quên mất người khách. Ông nghĩ: “Cờ tướng có chi hay mà người ta mê đến vậy?”.
“Bực mình”, ông về nhất quyết học chơi cờ bằng được. Những ngày sau đó, ông một mình một gậy đi bộ cả chục cây số đến nhờ một người bà con dạy chơi cờ. Ban đầu ông chỉ định chơi cho vui nhưng chẳng mấy chốc mà thành “nghiện”. Đến nỗi ngày nào không có ai đến đánh vài ván là ông lại ôm bàn cờ đi tìm người rủ chơi.
Nhà hàng xóm cũng “ngán” cái kiểu mê của ông. Ông lần tìm đến các quán cà phê có dịch vụ đánh cờ để được thỏa mãn đam mê. Cái duyên với quán cà phê cóc 78 Ngô Gia Tự này cũng bắt nguồn từ đó.
Những người bạn cờ của ông kể, ông có biệt danh là vua “cờ nhắp”, tức đánh cờ nhanh thì không ai đánh thắng được ông. Nhưng ông nổi tiếng trong giới cờ tướng Đà Nẵng không chỉ vì thế mà còn vì niềm đam mê cờ tướng đến vô hạn của ông.
Năm 2000, vào một đêm say cờ, ông “chiến” với mấy bạn cờ từ sáng hôm nay đến tối hôm sau mới về nhà. Ông đánh theo kiểu “xa luân chiến”, đến bữa ăn tạm miếng bánh mỳ rồi lao vào “chiến” tiếp. Sau lần đó, người vợ mà ông nhọc công cưới về cũng quá ngán ngẩm, đành bỏ ông mà đi. Ông ở vậy nuôi con từ đó đến nay.
Hiện con gái ông đã học lớp 6. Ông vào hội người mù quận Thanh Khê và làm phó chủ tịch hội. Niềm đam mê cờ tướng của ông không vì thế mà giảm. Suốt chừng ấy năm ông làm bạn với cờ tướng để vơi bớt nỗi cô đơn.
Vua “cờ tưởng” xứ Quảng
“Người ta ăn gian thì làm sao ông Nhân biết được mà đánh” - tôi tò mò. Bà chủ quán trấn an: “Mù mắt nhưng ông ấy nhìn thấy bàn cờ hết đấy”. Để chứng minh, bà chủ quán liền tiến lại gần bàn cờ và ra hiệu với mọi người nhẹ nhàng lấy đi một quân tốt. Đến lượt đi của kỳ thủ mù, ông rà bàn tay lên bàn cờ rồi chần chừ mãi không đi: “Hình như thiếu một quân. Có ai đó lấy mất một quân thì phải”.
Ông Nhân giải thích ông không nhìn bàn cờ bằng mắt như những người bình thường mà nhìn bằng trí nhớ và cảm giác. Bàn cờ ông đang chơi cũng không nằm trên bàn mà nằm trong đầu ông. Và khi đánh ông thường cũng không quan tâm đến bàn cờ thật. Bởi thế, để có thể chơi được thứ cờ này (người mù gọi là “cờ tưởng”), ông thường phải vẽ ra một bàn cờ riêng trong suy nghĩ của mình và “chơi” trên bàn cờ đó. Để có thể thắng được đối thủ, ông thường phải dự tính trước ít nhất là 6 đến 8 nước và đánh theo đó.
“Dù đánh bằng tưởng tượng nhưng chẳng mấy khi ông chịu thua bất cứ đối thủ nào đâu” - bà chủ quán thán phục kể. Cũng tại quán này năm trước, có 2 người ở Bình Định nghe tiếng của kỳ thủ mù nên khăn gói ra Đà Nẵng thách đấu. Kết thúc, ông Nhân thắng được một người và hòa người còn lại. Cả hai người này đều sáng mắt.
Ông còn kể, trong giải cờ tướng người khiếm thị toàn quốc năm 1999 tại Hà Nội, trong trận chung kết, đối thủ khiếu nại ông chơi không đẹp và thách ông sắp lại bàn cờ. Ông sắp lại như in. Và ở giải đó, ông dành giải quán quân cùng sự thán phục của các đối thủ. Ở giải cờ tướng toàn TP Đà Nẵng 2 năm trước do Liên đoàn lao động TP tổ chức, ông cũng xuất sắc giành huy chương đồng trong khi giải đó dành cho người sáng mắt. Ngay cả HLV đội cờ tướng Đà Nẵng Trần Văn Ninh cũng phải tấm tắc: “Cờ anh Nhân đi như ma thuật. Ngay cả nhiều kỳ thủ sáng mắt của đội cờ tướng Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn khi đấu với anh ấy”.
Điều đáng tiếc nhất với ông là không hiểu vì lý do gì, từ đó đến nay giải không được tổ chức thêm một lần nào nữa. “Người mù cũng có quyền được chơi cờ. Và nếu có thêm một vài sân chơi nào đó để thi thố nữa thì người mù mê cờ cũng bớt thiệt thòi” - kỳ thủ mù tâm sự.
Tuấn Phong