Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

“Báo cáo thầy, cụ Rùa quá đẹp!”

Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 4 2011, 14:06
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - TS Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hồ Gươm chia sẻ, học trò của ông đã thốt lên như vậy khi được “mục kích” cụ Rùa. TS Tề cũng tự hào ông là người duy nhất trên thế giới được tiếp cận, chữa trị cho cụ Rùa Hồ Gươm.

“Cứu người hay cứu Rùa!”

Cụ Rùa Hồ Gươm luôn được nhiều người quan tâm, dành những tình cảm đặc biệt, thậm chí không ít người còn gắn cụ với yếu tố tâm linh. Nhận nhiệm vụ chữa bệnh cho cụ, ông có cảm thấy áp lực?

Áp lực cũng có, nhưng phải nói thế này, với tư cách là một nhà khoa học nghiên cứu về bệnh thủy sản đã gần 40 năm nay, tôi coi cụ Rùa như một bệnh nhân đặc biệt của mình. Dĩ nhiên, nhiều người dân quan tâm tới cụ và tôi cũng là một người dân nên tôi đồng cảm với mọi người. Các cụ nói là tâm linh, tôi cũng có suy nghĩ, nhưng nếu cứ tôn cụ lên thành thần thì chẳng phải chữa trị gì nữa.

Áp lực là ở vế sau, còn trước hết, vẫn phải đặt trách nhiệm chữa bệnh lên trên. Tôi nói chẳng hạn thế này, một bác sĩ có giỏi đến đâu, khi chữa cho ông vua mà sợ thì sao chữa được.
 
Mỗi ngày đều có ít nhất 2 cán bộ trong Đội chữa bệnh túc trực, theo dõi, ghi chép từng chi tiết (ảnh: Hà Hồng).

Nhưng liệu có chút nào gọi là “run” khi tiếp cận cụ?

Không! Tôi bình tĩnh để làm thôi vì tôi cũng đã từng rất nhiều lần chữa bệnh cho thuỷ sản với áp lực phải thành công rất lớn. Tôi suy nghĩ thế này, đã là một sinh vật thì phải sống theo đúng quy luật của một sinh vật.

Có chuyện vui là “giáo sư rùa” Hà Đình Đức phật lòng, thậm chí phản ứng thẳng với những người có cách gọi “không đúng mực” về cụ Rùa. Vậy ông gọi là gì?

Tôi gọi là Rùa Hồ Gươm. Quen mồm thì tôi gọi là cụ để tôn trọng theo mọi người. Tôi cũng hay nói vui khi cùng anh em trong đội tiếp cận cụ: “Thôi cụ thông cảm để cho con cháu xuống sửa sang sắc đẹp cho cụ”. Khi người ta đã tôn lên, mình cũng không nên phủ nhận, phản bác. Cũng có người trong đội khi xuống thấy cụ là chắp tay vái đấy…

Có cơ hội tiếp cận cụ Rùa nhiều lần, vậy có điều gì ở cụ khiến ông “ấn tượng”?

Ấn tượng lớn nhất là cụ… rất hiền. Lúc đầu tôi cũng có chút lo lắng về việc tiếp cận một cá thể lớn như thế. Tôi không xuống được trực tiếp vì tay chân không khỏe như thanh niên nhưng tôi lo nhất khi anh em lao xuống mà phản ứng của cụ mạnh mẽ thì rất đáng ngại. Nhưng cuối cùng, cụ lại rất hiền lành.

Vừa hôm kia, chúng tôi tưởng là phải đánh bắt này khác nhưng cuối cùng chỉ việc đưa cụ vào lồng, kéo lên để bôi thuốc, rất ngon lành. Vậy nên tôi cũng thầm nghĩ hay là cụ đồng ý và nhiều người cũng nói vui vậy.
 
TS. Bùi Quang Tề - Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hồ Gươm.

Nhưng chẳng nhẽ trong tất cả các lần chữa trị cụ chưa hề có một phản ứng thái quá?

Tôi chưa thấy phản ứng gì. Có những thuốc chúng tôi sử dụng trên ba ba, bôi một cái lập tức chúng quay ngoắt đầu lại, nhưng cũng dùng loại thuốc này, cụ hoàn toàn không phản ứng gì.

Thực tế, ban đầu chúng tôi đã có phương án đặt ra là nếu chẳng may cụ “khợp” vào ai thì cứu rùa hay cứu người. Nghĩ đến đấy cũng hơi chùn đấy… Dĩ nhiên chúng tôi phải lo chuyện này để đảm bảo tất cả các tình huống mình phải tính hết.

Nhưng rất may, mọi việc không như vậy. Các anh em chữa bệnh, có người còn sờ cả vào mũi cụ mà tôi còn phải can, đừng làm cho cụ giật mình. Tôi cũng nhắc anh em đừng đứng trực diện trước mặt cụ.

Tôi đã đọc nhiều tài liệu là chưa bao giờ cụ tấn công người và hôm nay thực tế đã chứng minh, cụ không tấn công thật.

Bệnh án đặc biệt

“Tôi đã xác định quan điểm cụ là một bệnh nhân đặc biệt thì trước hết mình phải lo chẩn đoán, chữa trị thế nào cho chuẩn. Cũng rất may, tất cả suy nghĩ của tôi trong chẩn đoán đến giờ tương đối chính xác. Phác đồ của tôi đến nay đều đúng từng bước, từ việc tiên lượng cụ sẽ bị bệnh này bệnh kia, đến giờ đưa bệnh phẩm vào các phòng thí nghiệm xét nghiệm đều cho kết quả đúng như vậy”.


Ông có thể bật mí về nhật ký công việc của những người chăm sóc cụ Rùa hàng ngày?

Mỗi ngày chúng tôi cắt cử 2 người trực để đo nhiệt độ, độ PH của nước và cho cụ ăn, theo dõi mọi động thái của cụ. Cả ngày cụ ngoi lên thở bao lần, ăn được bao nhiêu… đều phải ghi cặn kẽ. Nếu có hiện tượng bất thường, những người trực sẽ gọi cho tôi.

Tất cả đều có sổ sách theo dõi và sổ đó chỉ có tôi được xem. Những người khác tôi đều không cho xem, còn với nhà báo thì nhất quyết là không (cười)… Tôi coi đây là một bệnh án đặc biệt vì cụ là một bệnh nhân đặc biệt.

Trong trả lời báo chí ông nói rằng cụ Rùa không mắc trọng bệnh, nhưng nhiều người chưa hẳn đã yên tâm về sức khoẻ của cụ?

Lúc đầu nhìn ảnh chúng tôi lo ngại khả năng cụ mắc những bệnh trong nội tạng như viêm phổi hay nhiễm trùng máu nên khi đưa cụ lên tôi phải để ý ngay những dấu hiệu xuất hiện ở mũi, miệng, mắt. Tôi lo sợ mắt cụ đục, mờ, nhưng thực tế không phải như vậy, mắt rất tinh tường. Tôi nói vui là tôi đeo kính chưa chắc đã nhìn rõ cụ nhưng cụ thì nhìn rõ tôi đấy. Với những người trong nghề, nhìn một sinh vật sống qua đôi mắt có thể biết tình trạng sức khỏe.

Còn nữa, nếu có bệnh trong nội tạng nhìn mũi sẽ thấy chảy nước, nặng nữa thì mồm mép chảy nước nhớt ra nhưng tôi nhìn rồi, không có, mũi miệng cụ khô lắm. Tôi cũng dặn mấy học trò để ý nhưng họ đều vui vẻ bảo “báo cáo thầy, cụ quá đẹp”.

Tôi cũng đã có bài nói về 6 bệnh thường thấy ở rùa mai mềm nhưng đến nay cụ chỉ có vài bệnh không quá nghiêm trọng. Cũng phải nói thêm, chúng tôi làm việc rất nghiêm chỉnh, đã lấy mẫu để kiểm tra và tất cả mẫu bệnh phẩm đều đưa vào những viện xét nghiệm thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam.

Nhưng những vết thương bên ngoài của cụ cũng rất đáng ngại?

Quan sát đến giờ thì thấy rõ ràng có những vết bệnh. 2 chân có hiện tượng xơ cứng hay còn gọi là lão hóa da, mất màu xanh xám và trông da nhợt như vậy nên tưởng lở loét. Còn các vết thương tiến triển tốt, đến giờ không có vấn đề gì và tôi nghĩ, không quá 30 ngày là có thể yên tâm.
 
Cụ Rùa không phản ứng, ngay cả khi được bôi thuốc (ảnh: Hà Hồng).

Như ông nói ở trên là các ông “ làm đẹp cho cụ”, vậy đến giờ trông “nhan sắc” của cụ ra sao?

Hôm kia đưa cụ lên, từ ông Hà Đình Đức đến nhiều người đều công nhận trông tiến triển hơn hẳn. Nếu trước nhìn cụ lở loét thì nay đã lành. Nhưng vấn đề da cụ, để trở lại đúng màu sẽ hơi lâu, không thể một sớm một chiều.

Còn dĩ nhiên các mầm bệnh chúng tôi sẽ cố gắng để cắt dứt điểm. Và trước khi trả lại môi trường hồ chúng tôi cũng sẽ xét nghiệm lại một lần nữa để đảm bảo chắc chắn không còn mầm bệnh nào.
 
Nhiều người cũng tò mò về việc ăn uống thường ngày của cụ. Ông có thể tiết lộ?

Trung bình 1 ngày, một sinh vật như cụ tiêu tốn thức ăn tương đương 1% trọng lượng, tức trọng lượng 100kg ăn khoảng 0,5-1 kg cá. Vừa rồi có một ngày cụ đã ăn tới 5 con cá, mỗi con cỡ 0,5kg. Như vậy là đủ tiêu chuẩn một bữa.

Cụ ăn nhanh, có khi ngoạm đứt đôi con cá. Cụ ăn tự nhiên, không hề sợ người và đó cũng là một đặc điểm của động vật bò sát. Dựa vào cách ăn chúng tôi đánh giá sức khỏe cụ cũng không đến nỗi.

Có thể cụ chưa đạt đến kích cỡ tối đa!

Việc chữa bệnh cho cụ Rùa lần này cũng là cơ hội hiếm hoi cho việc nghiên cứu về cụ Rùa và ông cũng là người may mắn so với nhiều người nghiên cứu khác?

(Cười)… Tôi tự hào nói rằng, duy nhất trên thế giới có tôi được tiếp cận để chữa trị cho cụ Rùa. Không phải ai cũng có may mắn ấy. Nếu việc thành công thì quá tốt. Sau này tôi cũng có thể báo cáo và viết sách về chuyện này.

Theo số liệu ông mới công bố, cụ Rùa có trọng lượng 169kg, trong khi cụ Rùa đang được lưu giữ tại đền Ngọc Sơn có trọng lượng 250 kg. Tại sao có sự chênh lệnh lớn như thế giữa hai cá thể và liệu có phải điều này là do khác nhau về giới tính?

Việc ngày xưa cân mình không chứng kiến nên cũng không biết thế nào, nhưng nếu đo chiều dài, cụ trong đền Ngọc Sơn dài tới 1,8m trong khi cụ Rùa hiện nay ở hồ Gươm chỉ 1,6m.

Theo tôi, vấn đề này không phải do giới tính mà có thể do tuổi, chưa đạt kích cỡ tối đa. Chúng tôi cũng phán đoán không phải là 2 cá thể cùng trong 1 lứa. Có thể thấy, cụ rùa này với cụ Rùa trong đền Ngọc Sơn cùng một loài, nhưng là anh em hay con cái thì chưa biết được.
TS. Tề: "Không phải ai cũng có may mắn được tiếp cận, chữa bệnh cho cụ Rùa".

Dư luận đang đặt vấn đề về việc còn một cụ Rùa nữa trong hồ Gươm, ông nghĩ sao?

10 ngày hôm nay chưa ai chứng minh cho tôi điều này. Giờ một cụ đã đưa vào bể để chữa trị rồi, còn cụ nào nổi lên nữa không - đến giờ chưa thấy.

Nhưng vẫn còn tình huống là còn cụ Rùa khác, nhưng cụ này hiếm khi nổi?

Chúng tôi đã khẳng định gần như chắc chắn cụ Rùa trong bể là giống cái và nếu có thể, cụ còn lại là đực thì theo bản năng sẽ bơi xung quanh khu vực ấy. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy, cũng chưa ai chụp ảnh được.

Khả năng có hay không thì chắc cũng 50/50 vì đúng là nếu cá thể khỏe thường ít khi nổi, chỉ 5 - 10 phút nhô mũi lên thở rồi lại lặn xuống. Nhưng đến giờ bằng chứng khoa học bằng hình ảnh về sự tồn tại của một cá thể nữa cũng chưa ai có.

Bò sát có tập tính bò lên bờ phơi nắng để tự chữa bệnh. Tất cả những gì dính trên mai sẽ bị ánh nắng mặt trời chiếu làm khô, tiêu diệt. Chúng ta có cái dở là khi làm tháp Rùa lại xây thẳng đứng lên, rùa không leo lên được. Đó là 1 bài học về sinh thái.
Trở lại việc cụ Rùa nổi, tại sao thời gian qua cụ lại nổi với tần suất lớn như vậy?

Vì môi trường quá bẩn, cụ chịu không nổi. Trước đây nước sạch cụ rùa chỉ thò mũi lên thở rồi lại lặn xuống, ít ai thấy được. Gần đây chúng tôi đã đo 5 - 7 điểm, dưới đáy đều không có sinh vật nào sống được. Kéo lưới thử nhiều lần cũng chỉ bắt được con cá chép con con bằng 2 đầu ngón tay.

Cho đến giờ, vấn đề còn bận tâm nhất là dọn môi trường hồ, thưa ông?

Đúng vậy! Tôi hay nói nói với nhiều người trong nghề, phải rót tiền làm hồ, nuôi tôm hay chính là nuôi nước… Hồ Gươm cũng vậy, làm sạch nước thì hồ sẽ sống và rùa hồ Gươm cũng sống khỏe. Có khi lúc đó cụ nổi sẽ là vui vẻ chứ không phải bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)

Sưu tầm từ dantri