“Bí mật” sức mạnh nội lực của một con người phi thường
Võ ta và tinh diệu “lấy ít địch nhiều, lấy khéo chống mạnh”
Thật chí lý! Hiểu một cách đơn giản, kho tàng các giá trị văn hoá Việt cổ, nhất là các di sản phi vật thể, chỉ có thể được duy trì để tiếp nối đến mai sau cho các thế hệ cháu con, thông qua những nghệ nhân cụ thể, những người đã có may mắn được thừa hưởng, và được lịch sử lựa chọn để gánh vác trách nhiệm gìn giữ cho muôn đời sau tinh hoa văn hoá của cha ông.
Tổ tiên ta, để khẳng định cương vực hiên ngang cõi trời Nam, đã trải qua hàng trăm cuộc chiến tranh vệ quốc. Sức mạnh vật chất để thắng giặc, trong điều kiện thể chất nhỏ bé của người phương Nam và trình độ lạc hậu về vũ khí hồi ấy, đó chính là võ thuật. Có thể khái quát thời điểm ra đời của võ ta, chính từ lúc ta phải đánh giặc.
Võ ta ẩn mình sau luỹ tre xanh, chính cuộc sống lao động nông nghiệp của cư dân Việt cổ đã tạo ra võ. Và rồi sau mỗi trận đánh giữ làng, giữ nước, kinh nghiệm chiến đấu được đúc rút, tích luỹ dần thành võ. Từ chỗ là một phương tiện chiến đấu, võ đã trở thành nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tinh diệu “lấy ít địch nhiều, lấy khéo chống mạnh” chắc chắn đã đi ra từ những sới võ làng thuở dựng nước. Võ ta gắn bó với đời sống thôn quê, trở thành một sinh hoạt cộng đồng, có mặt trong đời sống tâm linh, trong các nghi lễ thờ phụng tổ tiên, thờ thần đất, thần nước, thành hoàng làng, trong các hội võ xuân...
Từ cái gốc ấy, mà võ là bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hoá Việt cổ. Ở đó chứa đựng đầy đủ triết lý, nhân sinh quan và nghệ thuật chiến đấu với nghịch cảnh để tồn tại của tổ tiên ta. Ở phạm vi kỹ thuật, võ ta chứa đựng trong nó nghệ thuật chiến thắng địch thủ có sức mạnh thể chất to lớn hơn ta nhiều lần, chứa đựng các thủ thuật, phương pháp để tự cứu chữa và gia cường sức bền thể chất cho mình. Y thuật chính là một mảng đồ sộ tri thức Việt cổ đi liền với võ, hỗ trợ cho võ để đạt hiệu qủa cao nhất trong chiến đấu.
“Tổ tiên để lại báu vật, không biết giữ sẽ mất”
Ở tuổi 24, võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính đã làm được điều phi thường: thống nhất các gia phái, hệ phái võ “ Hét” vùng Thanh Nghệ thành môn phái võ “Nhất Nam” (cái tên với ý quy tụ bầu đoàn võ cổ miền bắc trung bộ, thành một điểm võ riêng dưới trời Nam, là một đứa con của làng võ Việt Nam). Cùng năm ông cho ra đời hai tập sách đồ sộ: “Nhất Nam căn bản” tập 1 - 2. Ông biên soạn nội dung và trực tiếp vẽ hình minh hoạ, bởi thời gian này ông đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trở thành giảng viên môn Lý luận hội hoạ tại trường Cao đẳng Nhạc Hoạ TW. Cần nói thêm rằng, cuốn sách này đã được xếp giải: “Sách thể thao giá trị nhất và hay nhất” khối các nước XHCN tại Triển lãm sách ở Ba Lan năm 1988 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Năm 1983 võ Nhất Nam chính thức được ông đưa ra quảng bá, phát triển. Và chỉ trong 7 năm (tính đến 1990) học trò của ông tại Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ ước tính có tới 3 vạn người. Nhiều học trò xuất sắc của ông đã phát triển di sản này ra nhiều vùng miền xa xôi khác trong cả nước. Điển hình như thầy giáo Đào Hoàng Long ở TX Nghĩa Lộ - Yên Bái, sau 23 năm liên tục hoạt động, từ năm 2008 đến nay đã phối hợp với ngành Giáo dục đưa võ Nhất Nam vào dạy ở tất cả các nhà trường, như một môn học chính khoá. Hiện đã có khoảng 4000 võ sinh.
Tại tỉnh Hải Dương, thầy Ngô Mạnh Hùng đã phát triển môn phái trong 21 năm. Với những đóng góp đáng kể vào thể thao địa phương, vừa qua UBNDTP Hải Dương đã quyết định phổ cập bộ môn võ thuật Nhất Nam trong 26 trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố. Tại TP Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Giang Nam - Tổng Giám đốc công ty PMC, từ năm 1991 đến nay đã bền bỉ gây dựng phong trào tập võ thuật Nhất Nam sôi nổi, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia…
Nhiều học trò của võ sư Ngô Xuân Bính vẫn nhớ những thuở đầu “khai môn, lập phái” ở Hà Nội. Buổi tập bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng ở công viên Thống Nhất. Nắng mưa không ngừng nghỉ, ông như rút ruột, rút gan truyền lại cho trò những kiến thức võ học. Giờ giải lao thầy trò chung nhau hớp nước mía. Hết giờ ông lại lọc cọc đạp xe đến các lớp võ mở tại Hà Đông, Bách Khoa, Hàng Đẫy, Quần Ngựa… Đêm về, bên ngọn đèn tù mù trên gác hai ngôi nhà trọ trên phố Hai Bà Trưng, ông lại ngồi vào bàn viết trước tác võ thuật kinh điển cho dòng võ này.
Không ai hiểu người trẻ tuổi ấy lấy đâu ra sức lực, tâm huyết nhường vậy. Đọc lời mở đầu sách tập 1, ông hé lộ: “Võ Nhất Nam đã bị thất truyền 30 - 40%”. Cả loạt tác phẩm của ông đến nay đã gồm 05 tập sách đồ sộ, về quyền thuật, binh khí, y võ… đều toát lên một lời thống thiết: “Tổ tiên để lại báu vật, không giữ là mất!”. Gần đây, ông lại viết: “Thầy mất mà trò chưa thành!”. Tôi hiểu, di sản phi vật thể mà người sau kế thừa chưa đến nơi, cũng là một cách làm thất truyền.
Chao ôi, đọc mà như thấy có tiếng thở dài của con người suốt mấy chục năm qua, luôn đau đáu vì sự nghiệp bảo tồn di sản dân tộc.
Bừng sáng văn hóa Việt
Trở lại với sự lựa chọn, tiến cử của các bô lão vùng Thanh Nghệ. Với những đóng góp lớn cho làng võ Hà Nội, từ cuối thập kỷ 80, võ sư Ngô Xuân Bính đã được bầu vào Ban lãnh đạo Hội võ thuật cổ truyền. Rồi ông được Nhà nước ta cử sang Liên Xô (cũ) và các nước XHCN để quảng bá, phát triển võ thuật dân tộc, theo khuân khổ các hiệp định về giao lưu, hợp tác văn hoá giữa các nước trong khối. Hơn 20 năm ở xa Tổ quốc, ông lại làm nên những điều phi thường. Tài năng của ông nở rộ trên rất nhiều địa hạt như: võ thuật, hội hoạ, y tế, thi ca. Lĩnh vực nào cũng được ghi nhận ở đẳng cấp quốc tế.
Về võ thuật, hiện ông là chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam ở Liên Bang Nga và các nước Ban tích, đang trong tiến trình thành lập Liên đoàn võ Nhất Nam thế giới. Ông được chọn là võ sư đào tạo cho lực lượng tiếp cận, bảo vệ các tổng thống, các yếu nhân trong chính phủ các nước bạn. Tại Việt Nam, Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam do ông làm Chủ tịch đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để ra mắt. Những tinh diệu võ thuật cổ truyền dân tộc sẽ sớm được triển khai huấn luyện cho lực lượng bảo vệ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Về y tế, ông nổi tiếng ở Nga và châu Âu qua hàng nghìn ca khám chữa bệnh, qua các công trình nghiên cứu về y thuật dân gian, trong đó có các luận điểm làm thay đổi cả những quan niệm lâu nay về đánh giá bệnh lý, chẳng hạn như vấn đề huyệt đạo là lưu động chứ không cố định; huyết áp tại mỗi vị trí trên cơ thể là khác nhau; điều chỉnh khí nội dịch có thể tự chữa bệnh.v.v. Ông chính là người đã ký bản hợp đồng chữa bệnh lịch sử - điều trị bệnh tim cho tổng thống Nga Boris En-xin, khi mà các danh y hàng đầu thế giới đã… chào về! Kết quả ông đã duy trì sự sống đến… 10 năm cho bệnh nhân đặc biệt này. Chính vì vậy mà ngày 24/01/2010, Hiệp hội y học dân gian Nga đã phong hàm: “Giáo sư chuyên môn”; Liên hiệp quốc trao tặng ông huân chương cao quý “Nhicolai Peregov” vì những đóng góp “lớn lao và đặc biệt” (từ trong nguyên văn) vào nền y tế thế giới.
Bộ môn võ Nhất Nam với y thuật Lạc Việt, là 1 trong 4 bộ môn thể thao được xét chọn trong chương trình quốc gia: “vì sức khoẻ thế hệ người Nga trong tương lai”. Khi tôi chuẩn bị hoàn thành bài viết này, cũng là lúc ông đã hoàn thành công trình khoa học đồ sộ về y tế, với 1.700 trang viết. Dự kiến mùa hè năm 2011, Hội đồng khoa học - Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Châu Âu đặt tại CHLB Đức sẽ tổ chức hội thảo để xem xét, đánh giá công trình này, làm căn cứ phong hàm Viện sỹ Viện hàn lâm cho võ sư Ngô Xuân Bính.
Tại nước Nga, Quỹ Tổng thống En-xin đã chính thức tài trợ để triển khai ứng dụng công trình khoa học này vào thực tiễn khám chữa bệnh. Đồng thời, Trường ĐH Y khoa Matxcova đang xúc tiến thành lập khoa nghiên cứu ứng dụng y võ Nhất Nam.
Ở địa hạt hội hoạ, ông đã có 7 triển lãm quốc tế, được các tạp chí mỹ thuật danh tiếng của Mỹ, Nga bình chọn là hoạ sỹ xuất sắc, giật nhiều giải thưởng cao nhất. Ngày 19/01/ 2010 Viện hàn lâm nghệ thuật Liên bang Nga trao tặng ông danh hiệu: “Viện sỹ danh dự”. Ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên thành danh và được ghi nhận tại cái nôi hàn lâm bác học là đất nước Nga.
Tiếp xúc với ông, nhiều người đặt câu hỏi: trong một ngày có 24 giờ, tại sao ông làm được khối lượng công việc khổng lồ đến vậy. Câu trả lời là ông đã dành toàn tâm, toàn ý cho việc mình làm, có yêu công việc mới làm tốt công việc. Khởi nguồn cho sức mạnh nội lực của ông chính là… võ thuật. Ông quan niệm, học võ không phải để thắng người, mà là để chiến thắng chính mình. Bằng cách đó, ông đã lần lượt chiến thắng sức ỳ nội tại, để vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao vinh quang trong đời một con người.
Mở đầu sách Nhất Nam tập 1, ông đưa ra một nguyên tắc hành xử của người học võ: “Nho nhã mà vẫn kỷ cương, uy vũ vẫn dư bình đẳng”. Quan sát cách xử lý, tiếp vật của ông, thấy chiều sâu văn hoá trong con người ấy biến thành những ứng xử sắc bén, tinh tế, đậm chất nhân văn. Tiếng cười hào sảng viên mãn của một người sung túc về nội lực luôn kéo ta lại, để ta cởi lòng, để ta an lòng trong một mối quan hệ tin tưởng. Có một tiến sỹ văn học đã ngạc nhiên mà thốt lên bởi sức hút lạ kỳ ở ông. Đó là cái tất yếu đi ra từ một nhân cách sống vì mọi người.
Mỗi lần về nước, ông hỏi chúng tôi rất nhiều về tình hình đất nước, rồi ông không giấu mối lo về lớp trẻ bây giờ lười vận động, ông dự báo căn bệnh văn phòng rồi sẽ làm suy yếu tương lai giống nòi. Điều quan ngại nữa là trẻ ít quan tâm đến lịch sử truyền thống, xao nhãng các giá trị đạo đức cổ truyền… Lúc Tổ quốc, dân tộc hữu sự nguy nan sẽ ra sao? Ông đề xuất một cách làm như đã đề xuất với Chính phủ Nga, rằng phải có một kế hoạch toàn diện chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho thế hệ trẻ, và đó là việc cần làm ngay.
Nửa cuộc đời, ông đã làm việc thật nhiều, cống hiến không mệt mỏi để vinh danh dân tộc, vinh danh văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế. Tâm sáng của ông, nhiều trò đã ngộ được và làm theo.
Còn với tôi, ông là một Nhà yêu nước.
Đào Trung Hiếu
Thiếu tá, Đội phó Đội 14 - Phòng CSHS - CATP Hà Nội