Trưng bày ảnh chụp Hoàng Cầm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.
Cuộc họp mặt diễn ra ngày 22/4 tại Hội Nhà văn Hà Nội. Khán phòng trưng bày bộ ảnh đen trắng do Nguyễn Đình Toán chụp, miêu tả Hoàng Cầm đạp xe trên phố, hút thuốc lào, nghĩ ngợi hoặc nhìn xa xôi.
Nguyễn Trọng Tạo, một người em thân thiết với Hoàng Cầm, khẳng định: “Thơ Hoàng Cầm tươi mới, đầy ma lực. Đó là thứ âm nhạc du dương, réo rắt đi vào lòng người lúc nào không biết. Hoàng Cầm làm thơ tình hay vì ông rất cả tin, ảo tưởng về tình yêu. Nhiều khi ông cứ tưởng cô gái này cô gái kia yêu ông nhưng thực tế thì họ chỉ yêu thơ ông mà thôi”.
Đạo diễn Anh Tú nhớ lại, khi gặp Hoàng Cầm để xin phép dựng vở kịch thơ Kiều Loan, thi sĩ dặn dò: “Làm thế nào thì làm nhưng phải gây được cú sốc”. Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì kể: “Ngày trước, dịch giả- nhà báo Phan Khôi xem Kiều Loan đã thốt: Thơ hay thế này, kịch hay thế này thì nước mình nô lệ thế nào được. Nhưng vì nhiều lý do, mấy chục năm sau, Kiều Loan mới trở lại sân khấu”.
Nguyễn Thuỵ Kha cũng đề xuất ý tưởng nghệ nhân quan họ có thể hát thơ Hoàng Cầm, bởi thơ ông mang âm hưởng các làn điệu quan họ một cách sâu sắc.
Hoàng Cầm - Thơ, tên tuyển tập do Nhã
Hoàng Hưng cho rằng: “Truyền thông góp phần làm cho công chúng cảm nhận phiến diện về Hoàng Cầm. Suốt hai thập niên, ông luôn xuất hiện như một khách thơ tài hoa đa tình quanh quẩn với hai loại tình: Tình quê hương quan họ và tình chị - em độc đáo. Ông bị chế biến thành món giải trí dễ dãi cho số đông tò mò hơn là người thưởng thức văn chương”.
Hoàng Hưng khẳng định: “Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì công chúng thấy, Hoàng Cầm có lúc bi phẫn và có lúc mang gương mặt hùng của một người lính... Tác phẩm gắn chặt nhất với tên tuổi Hoàng Cầm là Về Kinh Bắc”.
Lương Xuân Đoàn, một trong ba họa sĩ minh họa tập thơ, nói: “Thơ Hoàng Cầm tự lúc nào cứ bay lượn trong đầu tôi. Thời gian minh họa cho cuốn sách này là những ngày rất xúc động của tôi. Động đến chữ nào của ông tôi cũng thấy hình trong ấy, vẽ ra không xuể”.
Theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Tiền Phong