Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Nhiều dịch vụ "chém đẹp" du khách đến Vịnh Hạ Long dự lễ hội

Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 5 2011, 14:09
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Chỉ từ 29/4 đến 1/5/2011 có đến trên 5 vạn du khách, trong đó trên 20% là du khách nước ngoài mua vé thăm quan Vịnh Hạ Long. Trung bình một ngày lễ hội có khoảng 18 nghìn du khách thăm vịnh trong khi thường ngày có khoảng 5 nghìn lượt du khách thăm vịnh.
Từ chiều ngày 30/4/2011, lượng du khách dồn dập đổ về khu du lịch Bãi Cháy - Hạ Long lên đến hàng vạn người khiến cho những dịch vụ trong khu vực lễ hội liên tục tăng giá đến chóng mặt để tranh thủ kiếm ăn  những ngày “vàng” mùa lễ hội.
 
Carnaval Hạ Long 2011 đã trở thành một sự kiện văn hóa du lịch để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Dịch vụ gửi xe là một trong những dịch vụ tha hồ “hốt bạc” trong những ngày lễ hội. Những bãi gửi xe tự phát mọc lên nhan nhản khắp mọi nơi từ vỉa hè các nhà hàng ăn uống đến bãi đất trống trên dọc các trục đường Hạ Long, Bãi Cháy... Giá gửi xe được “hét” cao đến chóng mặt khi để gửi một chiếc xe ô tô để tham dự đêm lễ hội đường phố Carnaval Hạ Long dao động từ 100 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng, giá gửi xe máy cũng từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. 

 
Dịch vụ gửi xe tha hồ "hốt bạc" trong Tuần lễ du lịch Hạ Long 2011.

Anh Phạm Quốc Dũng - du khách đến từ tỉnh Kom Tum bức xúc: “Mặc dù biết bị các nơi trông xe ép giá nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao vì chẳng nhẽ đi lễ hội mà cứ cố chạy xe ngoài đường, muốn tạt vào đâu đó lại phải cắt cử người trông xe nên đành chịu”.

Lường trước tình trạng lợi dụng mùa lễ hội đông người để “chặt chém” du khách cùng với việc “chôm chỉa” xe máy của du khách, lực lượng an ninh trật tự của TP Hạ Long đã bố trí những xe an ninh chạy khắp các dãy phố cảnh báo cho khách về việc không nên gửi xe tại các điểm gửi tự phát đề phòng một số đối tượng “bất hảo” dựng điểm gửi xe "ma" “chặt chém” du khách hoặc dàn dựng cảnh mất xe hòng chiếm đoạn tài sản của du khách mà nên gửi xe tại các điểm đã bảo đảm đã đăng ký với BTC hoặc nhà xe của các nhà nghỉ, khách sạn… với giá khoảng 10.000 đồng/xe đạp, 20.000 đồng/xe máy, 30-50.000 đồng/ô tô. 

 
Giá vé gửi xe cũng liên tục tăng giá theo độ "nóng" của Carnaval Hạ Long.

Nhiều dịch vụ về phương tiện như cho thuê xe đạp đôi thường ngày khá ế ẩm nhưng vào ngày lễ hội cũng “lên mặt” thách giá tăng từ 15 nghìn đồng/giờ lên 40-50 nghìn đồng/ giờ. Thậm chí có người không hỏi giá trước khi mang xe về trả bị “chém” đến 100 nghìn đồng/giờ.

Với lượng du khách lên đến hàng vạn người đổ về khu du lịch Bãi Cháy - Hạ Long trong các ngày lễ hội, dịch vụ nhà nghỉ trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết. Tất cả các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn đều chật kín. Nhiều hộ dân trong khu vực cũng phải “thu vén” để dành phòng phục vụ du khách. Giá phòng cũng vì thế mà tăng chóng mặt gấp 3, 4 thường ngày. Những phòng có giá ngày thường 500 nghìn/ ngày đã được phát giá lên đến 1,5 đến 2 triệu/ ngày.

Nhiều du khách thở phào vì may mắn có khu ẩm thực của BTC nên "thoát" cảnh bị "chặt chém".

Giá ăn uống tại khu vực trung tâm lễ hội cũng khiến nhiều du khách “ngã ngửa” choáng váng. Giá cua ghẹ lên đến 600 nghìn đồng/kg, 500 nghìn đồng/ 1kg ruốc, 400 nghìn đồng/ 1kg mực tươi…Háo hức đi chơi lễ hội Carnaval Hạ Long 2011, chị Trần Phương Thảo chia sẻ: “Giá hải sản “chát” quá, cả gia đình tôi cũng chỉ dám liên hoan một bữa. Cũng may có khu vực liên hoan ẩm thực của BTC, giá cả tương đối phải chăng để du khách chúng tôi cảm thấy yên tâm”.

Dịch vụ thuê tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long ngày lễ hội trở nên “sốt” hàng. Hàng vạn người tranh thủ thăm vịnh sau ngày lễ hội khiến bến tàu du lịch chật cứng. Mặc dù ban quản lý bến tàu du lịch thăm vịnh đã có bảng niêm yết giá, nghiêm cấm việc tăng giá vé tự phát nhưng một số chủ tàu cũng lén lút tăng giá kiếm lời.

Hơn chục vạn du khách tham quan Vịnh Hạ Long trong dịp Carnaval Hạ Long 2011.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Trạm trưởng Trạm cảng vụ tại cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy cho biết: “Chỉ trong 3 ngày lễ hội Carnaval Hạ Long từ 29/4 đến 1/5/2011 có đến trên dưới 5 vạn du khách, trong đó trên 20% là du khách nước ngoài mua vé thăm quan Vịnh Hạ Long. Trung bình một ngày lễ hội có khoảng 18 nghìn du khách thăm vịnh trong khi thường ngày có khoảng 5 nghìn du khách thăm vịnh”.

Đêm hội đường phố Carnaval Hạ Long 2011, tình trạng móc túi cũng khiến nhiều du khách choáng váng do mất điện thoại, máy ảnh, ví…Lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ và xử lí một số đối tượng trộm cắp, móc túi.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Huy Hậu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Lễ hội Carnaval Hạ Long 2011 đã kết thúc thành công và để lại dư âm tốt đẹp trong lòng du khách. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã được dàn dựng công phu, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

Ban tổ chức lễ hội đã huy động hàng trăm chiến sỹ công an và bộ đội vào các tiểu ban an ninh đảm bảo trật tự lễ hội, cảnh báo cho du khách, dẹp các điểm trông xe tự phát, phát hiện bắt giữ những đối tượng trộm cắp móc túi…để tạo dựng một hình ảnh ấn tượng về Carnaval Hạ Long nói riêng và kỳ quan Vịnh Hạ Long nói chung trong lòng du khách trong và ngoài nước”. 

Quốc Đô - Anh Thế

Sưu tầm từ dantri