Việt Nam tiêu biểu cho bài học thành công trong phát triển
Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda có buổi họp báo trước thềm Hội nghị thường niên Hội đồng thống đốc ADB sẽ chính thức khai mạc vào ngày 5/5. Tại buổi họp báo, Chủ tịch ADB H. Kuroda trả lời câu hỏi của phóng viên về các vấn đề kinh tế, xã hội mà các nước châu Á, trong đó có Việt Nam đang quan tâm giải quyết.
Về sự phát triển của Việt Nam, ông H. Kuroda khẳng định: “Sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Qua đó, Việt Nam tiêu biểu cho một bài học thành công trong phát triển và là tấm gương cho các nước phát triển khác trên toàn thế giới”.
Cùng với các nước đang phát triển khác ở châu Á, Việt Nam hiện đang củng cố đà khôi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo gần đây của ADB về Triển vọng phát triển châu Á, các nước đang phát triển ở châu Á được dự báo tăng trưởng ở mức 7,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2012, thấp hơn mức tăng trưởng 9% của năm 2010, song vẫn rất ấn tượng.
Theo ông H. Kuroda, vấn đề lạm phát sẽ cần được kiểm soát cẩn thận với một gói các biện pháp chính, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tác động mạnh tới người nghèo, với số lượng hàng trăm triệu người ở khu vực châu Á. Khu vực của chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Vấn đề nghèo kinh niên cần phải được giải quyết nếu như châu Á muốn làm giàu và tiến bộ trong thế kỷ này. Điều này đặc biệt đúng đối với những nền kinh tế kém phát triển. Tuy vậy, những nước đã đạt tới mức thu nhập trung bình hiện cũng đang phải vật lộn với nghèo đói và bất bình đẳng tăng nhanh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đặt ra nhu cầu rõ ràng cho việc xây dựng một hệ thống tài chính thế giới có kết cấu tốt và có nền tảng tốt, có thể chống chịu được những cú sốc. Châu Á có thể đóng một vai trò then chốt trong tiến trình này thông qua việc củng cố các hệ thống tài chính của mình. Việc làm này sẽ giúp cho khu vực giải phóng được những nguồn lực của chính mình để đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng thời đóng góp hiệu quả cho việc thu hẹp sự mất cân bằng trên toàn cầu.
“Sự tăng trưởng kinh tế của châu Á cũng đã dẫn tới những vấn đề về môi trường. Môi trường và biến đổi khí hậu phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự phát triển của khu vực. Ngoài ra, trong bối cảnh thiên tai tiếp tục tác động tới khu vực, quản lý rủi ro thiên tai cũng phải được đặt ưu tiên cao” – ông Kuroda nói.
Theo phân tích của ông Kuroda, Việt Nam là nước dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Hiện ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với những tác động xấu có thể xảy ra. “Các dự án giao thông đô thị được xây dựng nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng” – ông H. Kuroda nói./.