Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Hàng vạn người chạy trên đê xem ông Gióng ra quân đánh giặc

Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 5 2011, 14:05
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Chiều qua 11/5, (mồng 9/4 âm lịch), trận đánh chính hội Gióng Phù Đổng đã diễn ra tưng bừng. Suốt nhiều giờ đồng hồ, hàng vạn du khách đội nắng cuốc bộ trên quãng đường hơn 2km để được chứng kiến tường tận những nghi lễ đặc biệt của trận đánh độc đáo này.
 >>  Hơn 1.000 “lính” sẵn sàng “đánh trận” hội Gióng Phù Đổng

Đúng 12h30, trận đánh đã rục rịch được chuẩn bị với các nghi lễ tế tại khu vực đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội). Dù nhiệt độ giữa buổi trưa ngày nắng nóng đỉnh điểm lên đến trên dưới 37 độc C nhưng hàng vạn người vẫn chen nhau từng chỗ đứng.

Các ông Hiệu, đội Phù giá, ông Hổ, làng áo đỏ, làng áo đen… lần lượt xuất hiện trong tiếng hò reo tưng bừng của nhân dân và du khách. Những bước chân chạy rầm rập của đội phù giá cả trăm người đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho Đất, vai đeo một túi “bán nguyệt“ có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho Trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của ác ông “Xướng“ và “Xuất“, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường, tạo cho du khách cảm giác về một không gian cổ xưa vô cùng độc đáo và oai hùng.

 


Các đội quân thánh Gióng lần lượt vào đền làm lễ trước khi xuất trận. (Ảnh: Anh Thế)

Anh Ngô Văn Nam, một người dân Hà Nội, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi dự Hội Gióng Phù Đổng nhưng chỉ riêng đội quân hùng hậu của ông Gióng cũng đủ cho du khách mãn nhãn. Đặc biệt là màn kéo ngựa gỗ rầm rập vừa hấp dẫn vừa khiến du khách thót tim”.

Sau khi thực hiện những nghi lễ tại đền Gióng, trận đánh bắt đầu với cuộc “trường chinh” dài hơn 2km dọc theo đê làng Phù Đổng để đánh trận đầu tiên tại Đống Đàm, tượng trưng cho trận địa của giặc Ân. Những nhịp hô vang “Reo nào” của đội phù giá, làng áo xanh, làng áo đỏ làm vang động cả một góc trời Phù Đổng. Tiếng bước chân của đội quân rầm rập chạy trước, ngựa gỗ khổng lồ được kéo theo sau tạo ra một cảnh tượng chiến trận hào hùng thời xa xưa.

 


Các ông Hiệu và các ông Hổ thu hút sự chú của đông đảo du khách.

Hàng vạn du khách nhích theo mỗi bước chân của đội quân xuất trận, tràn cả xuống sườn đê để được theo sau cuộc “trường chinh” của Thánh gióng. Tại bãi Đống Đàm, 28 nữ tướng giặc dàn trận và giao chiến ác liệt với đội quân của Thánh Gióng.



Đoạn đê làng Phù Đổng kín đặc người theo sau đội phù giá kéo ngựa cho Ông Gióng.

Sau khi đánh trận Đống Đàm, đội quân của ông Gióng tạm thời rút lui. Quân giặc thấy vậy tưởng quân ta thất trận nên hùng hổ đuổi theo. Sau khi khao quân, đội quân của ông Gióng chặn đứng quân giặc bằng trận đánh Soi Bia khiến chúng bạt vía. Trong trận này, roi sắt gãy, ông Gióng phải dùng tre đằng ngà, một vũ khí tượng trưng sức mạnh nội lực của dân tộc. Với chiến thắng huy hoàng của ông Gióng, trận Soi Bia là chiếc bia soi muôn đời đối với những kẻ nào muốn nhòm ngó đất nước ta.


Mỗi màn đánh trận của ông Gióng đều hút hồn du khách.

Trận đánh chính hội Gióng Phù Đổng là một màn phối hợp giữa các nghi lễ cổ xưa cùng các tích trận được dàn dựng công phu mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Việt với các giá trị nghệ thuật đặc sắc đã một lần nữa khẳng dịnh sức mạnh đoàn kết và chiến thắng muôn đời của dân tộc Việt Nam trước giặc ngoại xâm có ý định lăm le xâm phạm bờ cõi của cha ông.

Dưới đây là một số hình ảnh tại trận đánh hội Gióng Phù Đổng do PV Dân trí ghi nhận:



Các ông Hiệu cùng đoàn quân lên đường đi đánh trận.

Ngựa thần của Thánh Gióng được chuẩn bị sẵn sàng.


Đoàn quân rầm rập chạy trên đê Phù Đổng.


Trong số nhiều ông Hiệu thì ông Hiệu được che 4 lọng chính là Thánh Gióng.


Hàng vạn người theo dõi trận đánh Hội Gióng Phù Đổng.


làng áo đỏ, làng áo đen phấn khích trong trận đánh.

Phút nghỉ ngơi trước giờ xuất trận của Thánh Gióng.

"Đội trẻ trâu" theo ông Gióng cũng tranh thủ "tiếp sức".

Các vị bô lão làng Phù Đổng thực hiện nghi lễ trao roi cho ông Gióng.


Và bố cáo trời đất.

Cùng giành lộc Thánh.


Cảnh ẩu đã đã diễn ra do nhiều kẻ quá khích gây rối.



Ông Gióng vẫn tiếp tục đánh trận quyết liệt.


Dòng người trở về chật kín đê Phù Đổng sau trận đánh.
 

Cũng tại bãi Đống Đàm, các nghi lễ giao tranh nhiều lúc đã biến thành những cuộc va chạm hỗn loạn. Nhiều đối tượng lợi dụng không khí đông đúc của lễ tế để hành hung nhau. Du khách đã có một phen “khiếp via” khi thấy những cục gạch đá quăng rào rào vào giữa buổi lễ bất kể trúng người già hay trẻ em.

Làng áo xanh và làng áo đỏ dùng gậy rước để giao chiến thật sau mỗi màn đánh của ông Gióng. Hàng chục người lao vào nhau quần thảo. Một số người không may bị quăng trúng gạch đá hay bị trúng gậy rước ôm đầu chảy máu chạy ra khỏi đám hội. Lực lượng cảnh sát đã phải căng mình để ngăn những cuộc ẩu đả quá khích như vậy.

Chị Nguyễn Thu Nga, một du khách bức xúc: “Những hành động phản văn hóa của những đối tượng quá khích cần phải được nghiêm trị để tránh gây nguy hiểm cho người xem hội đồng thời để giữ cho Hội Gióng - Một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ấn tượng đẹp trong lòng du khách”.


Anh Thế
Sưu tầm từ dantri