Chân dung người “khơi nguồn” Lễ hội Làng Sen
Từ ý tưởng nhân văn…
Ngày 19 tháng 5 năm 1981, trên mảnh đất Nghệ Tĩnh đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước: Liên hoan “Tiếng hát từ Làng Sen” lần đầu tiên được tổ chức. Tại TP Vinh, nghệ sỹ diễn viên của 4 đoàn nghệ thuật quần chúng gồm Nghệ Tĩnh, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Nhà Văn hóa Trung ương tụ hội dâng lên Người những bài ca, tiếng hát hay nhất.
Là một cán bộ tâm huyết và say nghề, ông Thuông luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để hội diễn quần chúng hàng năm thực sự lôi cuốn và hấp dẫn? Ý tưởng sáng tạo chủ đề mới cho hội diễn luôn canh cánh trong ông suốt thời gian dài. Thế rồi sau những ngày trằn trọc, ý tưởng tổ chức một kỳ liên hoan các bài hát về Bác Hồ vào dịp sinh nhật Bác 19/5 hàng năm loé lên trong đầu ông.
Ông băn khoăn có nên đặt tên là Liên hoan tiếng hát Làng Sen không vì cụ Hồ ở Làng Sen? Nhưng ngay cả như vậy thì vẫn chưa chuyển tải được hết những điều mà ông muốn gửi gắm: Bác Hồ là vị cha chung của dân tộc. Bởi thế tiếng hát Làng Sen không phải chỉ riêng của Nghệ Tĩnh mà phải cho cả nước.
Và ý tưởng một loại hình sân khấu không chuyên hát về Bác Hồ với tên gọi đầy đủ "Tiếng hát từ Làng Sen" đã ra đời như thế. Từ Làng Sen hát về Cụ Hồ, về Đảng, về sự đổi thay của quê hương, đất nước. Để nghĩ ra được chữ “Từ”, ông Nguyễn Hữu Thuông đã phải mất mấy đêm trắng không ngủ. Năm 1981, ông đem ý tưởng đầy chất nhân văn của mình bày tỏ với người bạn thân là Phùng Xuân Bính - Giám đốc Nhà Văn hóa Trung ương. Ông bảo bạn: “Tớ tổ chức liên hoan cấp tỉnh còn cậu 5 năm một lần tổ chức cấp Toàn quốc”. Cả hai ông mang ý tưởng lên trình bày với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu và nhận được sự đồng tình cao.
Trở về, ông Nguyễn Hữu Thuông mở cuộc họp thông qua ý kiến cán bộ công nhân viên Nhà văn hóa, mời một số văn nghệ sỹ như họa sỹ Đào Phương, nhạc sỹ Lê Hàm... tham gia. Sau đó ông sang trình bày xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Được sự đồng ý của Chủ tịch tỉnh Trần Quang Đại và Bí thư tỉnh uỷ Trương Kiện, ông bắt tay vào việc tổ chức một liên hoan những bài hát về Bác Hồ ngay trên quê hương xứ Nghệ.
Trước hết là gửi giấy mời các tỉnh, thành gắn với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ tham gia liên hoan. Thế nhưng, giữa lúc 14 tỉnh, thành đang gấp rút, dốc lòng hoàn thiện chương trình về tham gia hội diễn, bỗng ông nhận được công văn của Văn phòng Trung ương Đảng: "Đồng ý Liên hoan tiếng hát từ Làng Sen của Nghệ Tĩnh, nhưng đề nghị hoãn đến năm sau vì năm nay Nghệ Tĩnh đang đói kém mất mùa...".
Tin đó khiến ông Nguyễn Hữu Thuông chao đảo, hụt hẫng nhưng rồi với ý nghĩ “tạo đà cho tương lai”, ông vẫn quyết tâm triển khai và “lách” bằng cách thuyết phục lãnh đạo tổ chức với quy mô nhỏ hơn. 19 tháng 5 năm ấy, 4 đoàn nghệ thuật quần chúng đã có mặt tại Nghệ Tĩnh tham gia Liên hoan tiếng hát từ Làng Sen lần thứ nhất. Và cái lần hội diễn đầu tiên ấy đã thành công ngoài mong đợi. Anh em văn nghệ sỹ khắp nơi gửi điện đến chia vui và trách móc bởi một hội diễn ý nghĩa như thế nhưng lại không được tham gia. Ông vui lắm nhưng buồn cũng nhiều bởi tình cảm của toàn dân, của anh em văn nghệ sỹ dành cho Bác quá lớn trong khi "sức" ông có hạn, không thể tổ chức một cách rộng rãi để mọi người cùng tham gia.
Mỗi cuộc liên hoan là một dịp thu hút sự sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lực lượng diễn viên quần chúng tham gia ngày càng đông và nhiều thành phần: học sinh, sinh viên, công nhân, bộ đội, nông dân, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số từ miền Nam đến miền Bắc.
Để góp phần làm cho Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen có sức sống lâu bền, Nguyễn Hữu Thuông và các thế hệ cán bộ văn hóa tâm huyết của tỉnh đã liên tục đổi mới về quy mô, nội dung, hình thức thể hiện. Ngoài ra ông còn chủ trương phối hợp với Nhà Văn Hóa Trung ương mở trại sáng tác ca khúc về Làng Sen và Trại sáng tác kịch bản Tiếng hát Làng Sen. Hàng trăm tác phẩm viết về Bác Hồ đã ra đời và đi vào lòng công chúng như "Người là niềm tin tất thắng" của Thuận Yến; "Ngôi sao tháng Năm" của Ánh Dương; "Người Mẹ Làng Sen" của Lê Hàm; "Những bông hoa trong vườn Bác'' của Văn Dung; "Hành hương về xứ Nghệ" của Nguyễn Cường; "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" của An Thuyên; "Ngày hội bên Sông Lam" của Hồ Hữu Thới; "Nhà mẹ có ảnh Bác" của Phan Thanh Chương;" Tình quê Nam Đàn" của Mai Cương....
Đến hẹn lại lên, cứ độ tháng 5 về, không khí Lễ hội Làng Sen rạo rực, lan toả khắp mọi nơi, mở ra một không gian vừa đậm đà chất dân gian vừa mang tính thời đại….
... đến chân dung một con người
Đến năm 1950, dù là con trai một nhưng Nguyễn Hữu Thuông vẫn quyết tâm ra chiến trường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được cử đi học lớp hoa tiêu máy bay tại trường không quân và sau đó trở thành lính pháo thủ cao xạ tham gia chiến dịch Hòa Bình. Tốt nghiệp, ông được điều về Tỉnh đội Thái Nguyên làm thư ký riêng cho tướng Chu Văn Tấn.
Năm 1957, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chuyển về Liên khu 4 và đến năm 1958 về Ty Văn hóa công tác. Năm 1967, Trường Văn hóa Nghệ thuật thành lập, cấp trên lại điều ông về làm Hiệu trưởng. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập, ông lại được điều về làm Giám đốc Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh.
Thời đó khó khăn thiếu thốn cả về trang thiết bị, cơ sở vật chất lẫn con người, cán bộ văn hóa như ông chỉ biết đem cái tâm, cái tài, tinh thần, trách nhiệm và đam mê để cống hiến, hy sinh. Chính nhờ sự đam mê, trăn trở ấy, ông đã cho ra đời ý tưởng về một loại hình sân khấu không chuyên hát về Bác Hồ với tên gọi "Tiếng hát từ Làng Sen" sau đó được phát triển thành Lễ hội Làng Sen hiện nay.
30 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày thai nghén và những bước đi chập chững ban đầu của hội diễn hát về Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong ông. Nhớ lại ngày tháng hoạt động sôi nổi đó, đến hôm nay ông vẫn chưa hết bồi hồi. Đối với ông, sức sống của cuộc thi Tiếng hát từ Làng Sen, sức sống của Lễ hội Làng Sen chính là phần thưởng lớn nhất, là nguồn động viên tinh thần quý giá nhất mà cuộc đời đã dành tặng cho ông.
Nguyễn Duy - Ly Hà