Gặp cụ ông 75 tuổi hơn 25 năm sưu tầm ảnh Bác
Ông là Trần Mỹ Trâm, 75 tuổi, quê ở xóm 5, Nam Sơn, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Kho tư liệu vô giá
Từng là một giáo viên cấp 2, sau khi nghỉ hưu ông dành hết thời gian của mình đi khắp nơi tìm kiếm những bức ảnh về Bác. Sau hơn 25 năm lặn lội sưu tầm, ông đã sở hữu một kho tư liệu quý giá với hơn 3.500 bức ảnh và các tư liệu viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Năm 1996, ông giảng dạy ở trường thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Đến năm 1980 ông Trâm được chuyển sang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Can Lộc. Sau một thời gian làm việc tại đây, đến năm 1984 ông bắt đầu hành trình đi sưu tầm về ảnh Bác. Lúc đầu, mỗi chuyến đi thăm bạn bè, anh em ở miền Bắc hay vào miền Nam, phát hiện có sách báo, tạp chí cũ hoặc nghe ai đó lưu giữ hình ảnh Bác Hồ là ông lại lân la đến làm quen rồi xin hoặc mua lại những kỹ vật đó.
Mỗi ngày ông đạp xe đến các trường học, UBND xã, UBMTTQ huyện, các công sở… mượn sách, báo, tạp chí có đăng tải những tấm ảnh về Bác đem đi photo, in sao lại. Thậm chí, nhiều lần ông còn thuê cả thợ ảnh đi theo để chụp lại bức ảnh đó: “Tôi làm việc này xuất phát từ niềm đam mê và lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” – ông Trâm nói với chúng tôi.
Đây là những tư liệu vô cùng quý giá đối với việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. “Sau 40 năm công tác, về hưu, tôi đã chọn được khá nhiều ảnh, tư liệu quý về Bác. Tôi tự nghĩ so với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người, việc làm của mình chưa thấm tháp vào đâu. Tôi nghĩ mỗi chúng ta cần phải tạo nguồn tư liệu về Bác dồi dào và phong phú hơn nữa”- ông Trâm tâm sự.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, khi hỏi về dự định trong tương lai, ông Trâm nói: “Tôi dự tính khi nào đó sẽ tổ chức một cuộc triển lãm về những bức ảnh và tư liệu của Bác Hồ mà tôi đã dày công sưu tầm trong suốt 25 năm qua. Những cuốn album ảnh, tài liệu quý về Bác tôi đều cất giữ cẩn thận như báu vật trong nhà”.
Và cũng chính vì thế, từ khi cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra đời đã có rất nhiều đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tìm đến nhà xin được xem, chụp, in sao ảnh ra để mang về làm giáo án và tài liệu giảng dạy cho học trò. “Những lúc như thế tôi thực sự tôi rất hạnh phúc vì qua những bức ảnh này mình cảm thấy đã làm được một công việc nhỏ có ý nghĩa trong xã hội”, ông Trâm cởi mở.
Để lại cho muôn đời sau
Theo ông Trâm thì việc sưu tầm ảnh Bác Hồ hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng của ông đối với một người Cha già kính yêu của dân tộc. Mục đích của ông là muốn sưu tầm được thật nhiều ảnh Bác để có cơ hội mở một cuộc triển lãm mini nhằm giới thiệu cho mọi người gần xa, nhất là các thế hệ trẻ sau này hiểu rõ hơn về cuộc đời của Người, về những cống hiến và hy sinh to lớn của một vị lãnh tụ suốt đời vì nước vì dân.
Sau hơn 25 sưu tầm ảnh Bác đến nay ông Trâm đã lưu giữ được trên 3.500 bức ảnh và những tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Hỏi về bí quyết sưu tầm, ông bảo lúc nào ông cũng gần gũi mọi người rồi thủ thỉ với họ về công việc ông đang làm để ai có thì họ sẽ báo. Cũng nhờ thế mà trong tay ông hiện sở hữu rất nhiều tấm ảnh quý hiếm về Bác Hồ mà ngay cả bảo tàng cũng khó lòng có được. Điều đặc biệt, những tấm ảnh, tài liệu quý giá về Bác được ông Trâm cất giữ rất cẩn thận.
“Tấm ảnh nào ông thấy độc đáo nhất?”- tôi hỏi. Lúc này, ông Trâm lật lại quyển album cho tôi xem rồi cười bảo: “Tấm ảnh nào cũng rất độc đáo. Mỗi tấm ảnh đều gắn với một kỷ niệm sâu sắc của Người. Bấy lâu nay người ta cứ bảo trong chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có 5 chiến sĩ thi đua xuất sắc. Vậy mà tôi lại sưu tầm được tấm ảnh có 6 chiến sỹ xuất sắc chụp với Bác. Tấm ảnh này cũng hơi độc đấy!”.
Bắc Tài - Văn Dũng