Các em học sinh trường Mầm non Thuỷ Dương thích thú với mô hình trò chơi được làm từ phế thải
Theo chân cô giáo Phùng Thị Ánh Hồng - Hiệu trưởng trường Mầm non Thuỷ Dương - chúng tôi đến thăm phòng truyền thống của trường, nơi trưng bày hàng nghìn tác phẩm đồ chơi cho trẻ rất độc đáo. Cô Hồng cho hay, mô hình độc đáo này được nhà trường thực hiện từ những năm mới đầu thành lập trường (1993) và được đưa vào hoạt động giảng dạy trong nhiều năm gần đây. “Mục đích cốt lõi của mô hình này là nhằm tạo ra sản phẩm trò chơi cho trẻ. Qua đó, giúp trẻ có thêm những đồ chơi mới, lạ và đa dạng trong hoạt động giáo dục; góp phần nâng cao nhận thức để trẻ biết tiết kiệm cũng như bảo vệ môi trường” - cô Hồng cho biết thêm.
Từ các nguyên vật liệu tự nhiên, phế thải như vỏ hộp sữa chua, vỏ dầu gội đầu, vỏ ngao, sò, bịch dầu nhớt, vỏ chai nhựa... bằng đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, các cô giáo đã biến chúng thành đồ dùng, đồ chơi có màu sắc hấp dẫn, phục vụ công tác giảng dạy cũng như vui chơi của trẻ.
Tất nhiên trước khi trở thành đồ chơi, những món phế liệu đó phải được qua các khâu xử lý, làm sạch, đảm bảo vệ sinh, không gây độc hại cho các em.
Cô Lê Thị Chanh cho biết, hằng năm, để khuyến khích những ý tưởng độc đáo và mới lạ trong giáo viên, nhà trường thường tổ chức các cuộc thi sáng tạo tài năng nhằm tạo ra các sản phẩm đồ chơi cho trẻ, thu hút sự quan tâm của tất cả các giáo viên trong toàn trường. Từ những cuộc thi này, nhà trường cũng vừa đảm bảo hoạt động giải trí, vui chơi cho chị em mà vừa thu về những sản phẩm trò chơi rất độc đáo và có giá trị chuyên môn, phục vụ cho công tác giảng dạy.
Cũng theo cô Chanh, mô hình giáo dục này ở trường Mầm non Thuỷ Dương đang được các cấp chính quyền nhân rộng, đảm bảo khả năng phát huy giá trị sản phẩm, đưa những sản phẩm “tự chế” gần gũi với các em học sinh, giúp các em biết bảo vệ môi trường lành mạnh. “Chúng tôi mong muốn đem những sản phẩm của mình làm ra giúp tiết kiệm một phần kinh phí chi tiêu trong nhà trường; qua đó, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các em học sinh” - cô Chanh bộc bạch.
“Mấy tháng trước nhà trường đã tiếp đón hàng chục lượt khách tìm đến tham quan mô hình. Có rất nhiều người tỏ ý muốn đưa một vài mẫu sản phẩm để nhân rộng, chúng tôi cũng sẵn lòng thôi!” - cô Hồng tự hào khoe.
Vương Hoàng