Đảo chìm - “Thần bút” của người lính biển Trường Sa
Đảo chìm là một tập truyện-ký của tác giả Trần Đăng Khoa viết năm 2000, được nhà văn Lê Lựu đánh giá là "Thần bút".
Trần Đăng Khoa - nhà thơ thần đồng nổi tiếng! Trẻ con biết, người lớn biết, trong nước biết, thế giới biết ! Tôi có cái may mắn được biết Khoa khá sớm, hơn 40 năm trước đạp xe từ Hà Nội về thăm "cậu bé nhà quê" khi cậu phải đánh trâu ra đồng cho bố đi cày rồi mới về tiếp các chú. Và giờ đây, Khoa lại ngồi làm việc ở chính cái nơi mà tôi đã từng làm suốt mấy chục năm qua.
Tết 2009, quà Tết anh tặng tôi là Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa được Giải thưởng Nhà nước đợt 1 và cuốn Đảo chìm. Hai cuốn sách Khoa tặng làm tôi nhớ đến đoạn Xuân Sách phác thảo chân dung:
Chú Dế, Góc sân, hồn nhiên ca hát
Hát thành thơ như nước triều lên
Khi khôn lớn lại hồn nhiên đi giữa
“Biển một bên và em một bên”
“Biển một bên và em một bên” vốn là câu thơ của Tế Hanh, nhưng khi Trần Đăng Khoa viết một loạt bài Thơ tình của người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cô tổng đài hải đảo, Ghi ở đảo chìm, Đồng đội tôi trên đảo thuyền chài, Cây phong ba đảo Nam Yết… thì đúng là "biển một bên và em một bên" phải dành cho nhà thơ - người lính biển Trường Sa thực thụ này.
Nhưng đấy mới vẫn là thơ - sở trường từ thuở bé của Khoa. Nhận được tuyển tập thơ tôi làm phần thưởng ngay cho cô cháu ngoại. Còn cuốn Đảo chìm tươi rói mực in mới tái bản lần thứ 25 đã cuốn hút tôi trong suốt hai ngày đọc liền một mạch.
Đảo chìm cuốn hút: Bởi tính thời sự của những gì Khoa viết 30 năm trước vẫn còn nóng hổi và có phần gay gắt quyết liệt hơn.
Đảo chìm cuốn hút: Bởi cái phần văn chương nó có “ma lực” mà nhà văn đàn anh Lê Lựu phải thốt lên gọi rằng Thần bút, vì những chuyện trong Đảo chìm Khoa đã kể cho tôi nghe không dưới chục lần! Thế mà đến khi đọc vẫn thấy có cái gì như mình mới khám phá, mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như thần. Mà chuyện thì rõ ràng là đã nghe kể đến thuộc lòng rồi.
Mỗi phần có một giá trị, một sức hút, nhưng đúng thần bút là ở cái phần độc đáo "đảo chìm". Không biết tự tác giả hay nhà xuất bản cho đây là tiểu thuyết mini, nhưng chính Trần Đăng Khoa cũng cho hay: Năm 1978 anh đã viết xong cuốn tiểu thuyết dày 300 trang, song vì đọc lại thấy truyện thật mà hoá giả thành ra vứt vào sọt rác .
"Nhưng mà khốn khổ. Cái hòn đảo quỷ quái ấy vẫn không chịu buông tha tôi. Tôi viết lại. Lần này tôi co cái truyện chỉ còn chừng 80 trang, lại tách ra thành 16 truyện. Mỗi truyện một tình huống. Có truyện chỉ ba, bốn trăm âm tiết... tách nó ra thành truyện độc lập, gộp nó lại trong một chuỗi thì nó là một cuốn tiểu thuyết 15 chương".
Cái thật của Trần Đăng Khoa thật đến mức làm cho ai càng quen biết Khoa càng tin là thật. Anh chỉ viết, chỉ tả những cái gì mình được thấy, được biết. Anh trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành là nhân vật chính ở trong truyện. Anh không giấu mình hoặc tự nhập vai một nhân vật khác.
Trong chương Biển mặn, khi Khoa bị sóng dập:
- Ồ anh ấy đã tỉnh rồi kìa!- Tỉnh rồi! May quá! Chút nữa lại mang tiếng đảo chìm giết chết một thi sĩ tài năng đang hứa hẹn! - Tư Xồm cười dủm dỉm. - Huy này, mày xem vết thương anh ấy có nguy hiểm không?
- Không sao. Bố ấy chỉ bị choáng khi va đập mạnh. Còn xa ruột lắm!
- Bây giờ thì ông anh có muốn chết cũng đếch chết được. - Tư Xồm lại cười. - Này, giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...
Tôi chống tay vào sàn tàu, ngồi dậy. Đầu óc cứ ong ong, váng vất. Bụng vẫn cồn cào, thoáng đặc, thoáng rỗng. May mà con tàu không bị vỡ. Có lẽ chiều qua nó lao vào một vách sóng nào đó.
Khoa luôn đưa cái "hình thức cục mịch" của mình ra để diễu. Có những chỗ mà ngay người thân nhất của Khoa cũng không nghĩ là Khoa lại "tệ" với mình đến vậy:
Khi tôi lập cập bám thang dây leo được lên lều bạt, người mừng nhất, mừng ra mặt là một cậu lính trẻ mà sau này tôi mới biết là Hai. Trần Văn Hai, một thi sĩ lừng danh ở xứ đảo chìm. Hai trố con mắt thạch sùng nhìn tôi: - Đúng ông anh thật à? Kinh nhỉ! Em không thể tưởng tượng được! Em cứ ngỡ ông anh khác kia. Ai ngờ lại xù xì thế này. Kinh
thật!
- Kinh à?
- Vâng! Em nói ông anh đừng tự ái nhé! Trông ông anh cứ ùng ục như cái lão đào huyệt. Kinh bỏ bà! Thế mà trước đây, em cứ tưởng thi sĩ bao giờ người cũng mảnh mai, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng, trầm uất và buồn thăm thẳm!
- Thì cậu cũng là thi sĩ mà cậu cũng có mảnh mai đâu nào?
- Em là thi sĩ đểu! Chúng nó gọi thi sĩ là gọi đểu đấy!
Chính với lối viết thật đến vậy mà từng truyện một cứ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Đọc sách mà cứ như nghe người thân của mình nhỏ nhẹ mộc mạc kể lại cái chuyện rất bình thường xảy ra trong cuộc sống ở nơi sóng to biển lớn này.
Mỗi chuyện - một tầm sâu đạo lý, một vấn đề đáng suy nghĩ
Ở phần trên, tôi lướt qua cái cách viết mà tập sách đảo chìm cuốn hút người đọc. Nhưng cái đọng lại qua mỗi "chương đảo chìm" thì lại chính là nội dung những mẫu chuyện rất đời thường, nhưng lại rất lạ làm xúc động lòng người.
Ai trong chúng ta lại chẳng thường nhắc đến câu: Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng đến Đảo chìm khi người chiến sĩ từ ý nghĩ xúc cát đổ xuống biển để giấu đảo lại có việc làm mà cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều làm cho người đọc ngỡ ngàng... người chộp được cái thần sự việc này đúng là thần bút:
…Sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.
- Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?
- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ "buông neo" cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!
Sách vở kim cổ Đông Tây đã nói nhiều về tình đồng đội trong chiến đấu, nhưng nghe Khoa kể về tình đồng đội trên biển cả, thì thú thật nó đã vượt ra ngoài sự tưởng tưởng của người đọc. Chuyện Hai Ùm trân trọng kỷ vật của Thiêm để gửi về cho mẹ Thiêm, có thể ta đã gặp đâu đó nhưng đến khi Hai Ùm kiên quyết vượt bão biển trở lại để cứu kỷ vật của Thiêm thì điển hình đã được đẩy lên tới "kịch trần"...
Thằng Thiêm chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất, biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại, còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương - Hai nói như van vỉ. - Anh lên tàu đi. Em quay lại...
Thế nhưng, qua cơn bão cả đảo bổ nhào đi tìm Hai Ùm. Tôi lập bập bám thang dây, leo lên lều. Căn lều trống hoác, ướt nhoẹt. Đũa bát của Thiêm đã bị gió ném đi. Nhưng chiếc ba-lô lép kẹp sũng nước thì vẫn lủng lẳng chao lắc trên cái kèo sắt cột lều. Như thế có
nghĩa là Hai không vào được lều bạt.
- Hai ơi!
Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo chìm?
Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...
Quên cả thân mình vì nghĩa tình đồng đội, sống chết vì đồng đội điều đó lý giải vì sao họ đã trụ vững trước mênh mông phong ba bão táp.
Tiểu thuyết thì có nhân vật phản diện,nhân vật chính diện, nhiều vở kịch, nhiều tiểu thuyết sống được vì những nhân vật phản diện với bao mưu đồ giảo quyệt và tính toán kỳ bí hấp dẫn… nhưng truyện của Khoa, đặc biệt là Đảo chìm không có tuyến phản diện, không có mưu mô, không có lừa lọc. Chỉ có tình yêu thương, giữa đông đội với đồng đội, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa những người trên đảo với quê hương, đất nước và thậm chí giữa những người trên đảo với cây rau, con vật mà họ chăm sóc hôm sớm.
Chuyện nuôi con lợn ở đây đã mang đầy tính nhân bản, lính còn phải tắm nước biển, uống nước biển, độn thêm nước biển để nấu cơm. Lính tráng còn phải sống như thế vậy mà con lợn cứ "đụng" chút nước mặn là đi ỉa tồ tồ. Lại phải thửa một suất riêng cho lợn, quá bằng chăm người ốm. Đã vậy, mỗi ngày còn phải chi thêm cho nó bốn lít nước ngọt nguyên chất nữa để làm suất uống. Bốn lít nước bằng tiêu chuẩn của hai thằng
lính biển chứ có ít đâu.
Cũng cần nói thêm, Đảo chìm trong cái khó khăn gian khổ, khắc nghiệt mà người lính phải đương đầu với biển với trời với những kẻ đang lăm le dòm ngó thì cách kể chuyện hóm của Khoa cũng làm cho người đọc không cảm thấy căng cứng:
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.
- Vất vả không, các cậu? Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Anh bạn cười khì khì:
- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!
- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.
- Thế bố cho con được nói thật nhé!
- Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?
- Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...
- Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!
Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:
- Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...
Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. "Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn".
- Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?
- Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống. - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con "chỉnh "mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!...
Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế.
“Thập ngũ hiếu” Đảo chìm
Lúc nhỏ, tôi được học cuốn Nhị thập tứ hiếu, mỗi chuyện hiếu là nói về một hành vi cụ thể rất dễ nhớ. Qua 24 chuyện kể bằng văn vần, bằng hình ảnh các hành vi đạo đức được nhắc nhở một cách nhuần nhuyển. Bây giờ qua 15 chương của Đảo chìm tôi ước gì đấy cũng là một "thập ngũ hiếu" để truyền đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, tình yêu đất nước, yêu đồng đội trên mặt trận bảo vệ vùng biển, vùng trời đất nước thân yêu.
Với chủ đề bảo vệ chủ quyền đất nước, nhiều cộng đồng mạng đã lấy Đảo chìm làm điểm tựa để cùng nhau trao đổi bàn luận những vấn đề cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và việc làm cụ thể .
Viết Đảo chìm, Trần Đăng Khoa đã trả được món nợ tinh thần với những người đã đùm bọc, sát cánh với Khoa trong những năm anh là người lính hải quân và có mặt tại tiền tiêu Trường Sa nóng bỏng. Và Đảo chìm đã thắp lửa cho biết bao lớp trẻ trong hơn 3 thập kỷ qua và sẽ còn nhiều năm nữa tiếp tục vững vàng trước thử thách quyết liệt.
"Cuốn bút ký Đảo chìm ghi lại những câu chuyện về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trở thành một hiện tượng, với số bản sách bán chạy kỷ lục ngay khi phát hành. Đảo chìm, nơi những người lính ngày đêm đối mặt với những biến động thất thường nhất của biển khơi; nơi chiều dài không bằng một con sóng cả, và cuộc sống của người lính trên Đảo chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió của biển khơi..."
Đảo chìm là một trong không nhiều tác phẩm gây ra hiện tượng in nối bản, tái bản liên tiếp trong nhiều năm. Cùng với Chân dung và đối thoại gây xôn xao dư luận, Đảo chìm khẳng định Trần Đăng Khoa không chỉ là nhà thơ thần đồng mà là nhà văn xuất sắc.
Nguyễn Lương Phán