Ký ức người chở đá xây đảo chìm Đá Đông
Ông Võ Văn Thiêm thường bắt đầu kể về kỷ niệm với Trường Sa như thế. Ông đã ngoại lục tuần, ngày ngày vui thú điền viên tại quê nhà (xóm 9, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Trong những câu chuyện thường ngày của ông bao giờ cũng gắn với những kỷ niệm về đảo Đá Đông đầy xúc cảm tự hào, ấn tượng.
Dường như mọi cảm xúc của lần đầu tiên may mắn được đặt chân lên vị trí đặc biệt, thiêng liêng thuộc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam đều ùa về vẹn nguyên, sinh động trong ông. Đảo Đá Đông, nơi ông Thiêm kể, thuộc cụm Trường Sa trong quần đảo Trường Sa. Đảo là một vành đai san hô chìm dưới mặt nước biển, nằm ở vĩ độ 08049’42’’N và kinh độ 112035’48’’E, khi thủy triều Trường Sa xuống còn 0,4m - 0,2m thì đảo mới nhô lên khỏi mặt nước.
Đảo Đá Đông là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Đảo có thể phối hợp với các đảo trong cụm và quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn chống lại sự xâm chiếm của các lực lượng nước ngoài. “Được ở gần 10 ngày trên đảo, tôi càng thấm thía về ý nghĩa của việc giữ vững chủ quyền biển đảo, dù là một mỏm san hô nhỏ lấp xấp giữa biển khơi, càng hiểu và khâm phục, biết ơn những hi sinh, cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ đảo đang ngày đêm chịu bao gian khổ để canh giữ biển trời Tổ quốc” - ông Thiêm xúc động kể.
Con tàu này tiền thân là chiếc tàu Yên Thành 02 của công ty vận tải huyện Yên Thành. Tàu có trọng tải 400 tấn, đi vận tải trong nước và khu vực. Năm 1988, ông Thiêm chuyển sang công tác tại đơn vị này và nhận nhiệm vụ là cán bộ khai thác tàu biển và gắn bó với con tàu từ đó.
Năm 1992 - 1993, các ông đã liên doanh với Học viện Hải quân để dùng tàu chở đá ra xây đảo Trường Sa. Trước khi ra đảo Đá Đông, tàu đã chở nhiều chuyến đá ra đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây… Chuyến ra đảo Đá Đông là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất với ông Thiêm. Ngay từ khi xuất phát tại cảng Nha Trang, mọi thuyền viên đã dào dạt tình cảm cùng thư, quà của người thân gia đình gửi ra cho lính đảo. Chuyến tàu chở nặng tình cảm hướng đảo Đá Đông thẳng tiến. Hết gần 3 ngày 2 đêm tàu mới tới đảo. Tàu phải neo cách cái chòi nhỏ giữa mênh mông sóng biển mà mọi người gọi là đảo Đá Đông khoảng 300m. Ở trên tàu, ông Thiêm và những người lần đầu tiên ra đảo không thể tin nổi đó là đảo.
Đá được xếp lên chiếc xuồng nhỏ và kéo vào đảo từng chuyến một. Phải mất hơn 1 tuần đá trên tàu mới được bộ đội công binh chuyển hết vào đảo nên ông Thiêm có cơ hội ở lại trên đảo gần 10 ngày. Ông Thiêm nhớ lại: “Có 10 ngày đó mà cuộc đời tôi đầy thêm rất nhiều. Tuy là rất khó khăn vất vả nhưng ở nơi đảo chìm này, cuộc sống hiện hữu mạnh mẽ, đầy ý nghĩa”.
Mỗi lần có sóng như thế các chiến sĩ lại phải vất vả che chắn cho các thùng rau. Lượng nước ngọt ít ỏi sử dụng hàng ngày cũng được các anh dự trữ lại để tưới rau. “Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng các chiến sĩ đảo chìm sống với nhau vui khỏe lắm, tinh thần họ dạt dào như biển cả vậy” - Ông Thiêm kể tiếp.
Khi đá đã được chuyển hết lên đảo, tàu trở về lại chở nặng những tình cảm, ấn tượng, kỷ niệm không bao giờ quên về đảo chìm, về lính đảo, chở nặng những tâm tư, nhắn gửi của các chiến sĩ trường sa về đất liền. Từ đó tới nay đã gần 20 năm rồi nhưng những kỷ niệm đó vẫn luôn sống động trong tâm trí những thuyền viên tham gia chuyến đi năm đó. Ông Thiêm nói: “Tôi thấy mình rất may mắn và tự hào vì đã được ở nhiều ngày trên đảo chìm Đá Đông. Được nghe tiếng gà gáy sáng giữa mênh mông sóng biển, được ăn rau lính đảo trồng trong các giỏ đất đem ra từ đất liền, được hòa cùng tiếng cười với bộ đội hải quân nơi đảo chìm thiêng liêng của tổ quốc, tôi cảm giác như mình được sống thêm một cuộc đời nữa vậy”.