Nông dân có mô hình nuôi rắn hổ hèo (còn gọi là rắn gáo trâu) độc đáo này chính là ông Trần Văn Lèo (60 tuổi) ngụ khóm 2 thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tháng 7/2010 ông Lèo bắt đầu thực hiện mô hình này, ban đầu đàn rắn của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng sau một năm phát triển, ông Lèo đã có trên 500 con rắn thịt, 300 con rắn cái cho đẻ. Mỗi năm doanh thu từ tiền bán rắn thịt và rắn con cũng khoảng nửa tỷ đồng.
Bén duyên từ nghề thu mua động vật hoang dã
Thấy có cơ hội làm ăn tốt, ông Lèo bàn với vợ con chuyển đổi mô hình trồng lúa sang thu mua động vật hoang dã bán cho các mối ở các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ông Lèo kể lại: “Ban đầu vốn liếng ít nên chỉ mua bán nhỏ, dần dà có chút vốn liếng nên mình mua nhiều hơn. Bởi vậy, mấy năm trước tui đã đăng ký kinh doanh nên mới có giấy phép mua bán các loại đặc sản này chứ”.
Theo ông Lèo cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông thu trên dưới 3 tấn các loại; kết thúc một buổi thu mua, ông cho nhân viên phân loại theo trọng lượng của từng loài và chờ thương lái đến cân. Con nào nhỏ, quý, hiếm thì ông thả vào bể, vào chuồng nuôi lại.
Nói về cái duyên đến với nghề nuôi rắn hồ hèo trong tủ, ông Năm Lèo chia sẻ: “Cũng nhờ thằng con nó đi ra tỉnh Bình Thuận chơi, nó thấy người bạn của nó nuôi rắn trong hộc tủ thấy cũng lạ và hiệu quả nên nó dẫn tui ra tận đó để học hỏi. Sau khi tìm hiểu rõ về cách nuôi, tui đã tận dụng con giống từ việc thu mua rắn của bà con tiến hành nuôi thử. Thấy đạt và phát triển luôn tới giờ”.
“Vua” nuôi rắn hổ hèo trong tủ gỗ
Đi khắp các tỉnh ĐBSCL, chưa có một người nào dám thực hiện mô hình nuôi rắn trong tủ gỗ như ông Năm Lèo. Bởi vậy, người dân địa phương và những người bắt đầu học nghề nuôi rắn ở ĐBSCL vừa cảm phục, vừa tôn ông Năm Lèo là vua rắn hổ hèo.
Nếu tính hết các tủ ở đây thì có trên 1.000 hộc tủ. Nhưng ông Lèo chỉ sử dụng 500 hộc tủ để nuôi rắn; 500 hộc tủ còn lại là “căn nhà dự bị” của đàn rắn khi thực hiện việc vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, để rắn không bị trầy xước khi lột da, hộc tủ nào cũng được lót thảm; cứ 3 - 4 ngày ông lại mang thảm đó ra giặt giũ, phơi khô.
Nói về tính hiệu quả của cách nuôi độc đáo này, ông Lèo cho biết: “Nuôi theo mô hình này tuy tốn kém hơn cách nuôi trong bể, nhưng được cái là mình tiết kiệm được diện tích và có thể nuôi ngay trong nhà ở của mình. Cái tiện lợi thứ 2 là con nào bỏ ăn hay bệnh là mình nhận biết ngay vì mỗi con sống riêng một hộc tủ, không lẫn lộn với con khác. Cũng vì ưu điểm này mà tỷ lệ hao hụt giảm, giúp người nuôi có lời”.
Trao đổi với Dân trí về mô hình nuôi rắn hổ hèo có một không hai của ông Lèo, Thạc sĩ Trần Văn Mì - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn nhận định: “Bấy lâu nay, chúng ta chỉ nghe nói đến việc nuôi rắn trong bể, trong ao hoặc thả vườn,… chứ chưa nghe nói đến việc nuôi rắn trong tủ. Bởi vậy, mô hình nuôi rắn trong tủ gỗ của ông Lèo được xem là mô hình đầu tiên ở ĐBSCL. Về hiệu quả thực tế của mô hình này như thế nào thì Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá xác thực trước khi nhận rộng cho bà con nông dân”.
Ngô Nguyễn