“Sửng sốt” chiêm ngưỡng rồng đá bán quý độc nhất Việt Nam
Trước đó, khi được khai thác tại Tây Nguyên, khối đã Mã não có tên khoa học là là Chacedone (Lộc Bắc) với 2 màu xanh và vàng đặc trưng (thuộc dòng đá bán quý) nặng 5,7 tấn, dài gần 5m đã từng gây xôn xao trong giới chơi đá cảnh. Khối đá này không chỉ đạt độ “khủng” về trọng lượng mà còn có màu sắc, đường vân độc nhất vô nhị. Bởi từ trước tới nay, những khối đá dùng chế tác có trọng lượng tối đa khoảng 2,5 tấn trở lại đã được xếp vào hàng “độc”.
Và sau gần 1 năm miệt mài, những nghệ nhân Huế tài hoa đã cho ra đời tác phẩm “Rồng Việt” với trọng lượng 1,8 tấn, dài 3,33m, được giới trong nghề và các nhà sưu tầm đánh giá là tác phẩm nghệ thuật rồng độc đáo và công phu nhất Việt Nam. Ngắm tác phẩm, người xem sẽ nhìn thấy toàn bộ phần thân rồng có màu vàng tự nhiên của đá, nhưng tại những điểm nhấn như vẩy, râu, chân lại là những vân đá xanh ngọc trong suốt tự nhiên.
Một nghệ nhân trong nhóm chế tác kể lại quá trình tạo ra “Rồng Việt”: “Khi mới được khai thác, khối đá không chỉ lớn nhất về trọng lượng mà còn hội đủ “thế và màu”, rất lý tưởng để có thể chế tác thành tác phẩm nghệ thuật rồng chạm khắc. Sau khi bóc đi lớp vỏ ngoài thô ráp màu xanh, phía bên trong khối đá là lộ ra màu vàng sáng nguyên khối. Càng trùng hợp, ly kỳ hơn, tại những vị trí chọn tạc như mắt, râu, vảy, chân rồng lại xuất hiện những vân đá màu xanh uốn lượn đúng ý. Dù vậy, tạc rồng trên chất liệu đá bán quý tự nhiên sẽ khó hơn làm trên chất liệu khác, nên phải mất 11 tháng, tốp thợ chúng tôi mới bóc tách và hoàn thành xong tác phẩm mang hình tượng rồng thời Lê Nguyễn với phần đuôi chạm hình buông xòe, thường thấy ở các đình, chùa nước ta...”.
Thân rồng
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Trang sức, đá quý Việt Nam: Chacedone là loại đá rất cứng được hình thành bởi dung nham núi lửa cách đây 4 triệu năm. Vì thế, đá Chacedone được tìm thấy ở Tây Nguyên - khu vực hoạt động của núi lửa cách đây nhiều thế kỷ. Nếu đánh giá trong hàng đá quý, đá cảnh trên thế giới, đá Chacedone không phải là loại được xếp hàng đầu, nhưng ở Việt Nam thì đây là dòng đá bán quý số 1 hiện nay.
“Chưa nói về kích thước, trọng lượng, chỉ mới nhìn qua tác phẩm này lần đầu tiên tại triển lãm ở Bảo tàng Hà Hội (nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), tôi thấy được sự tài hoa của người thợ đã đạt đến trình độ điêu luyện. Họ đã đưa vào được cái hồn của rồng, hình tượng thể hiện sự quyền uy, linh thiêng” - GS.TS Thị nhận xét.
Điểm đặc biệt khiến GS. Thị tâm đắc chính là nguyên liệu để chế tác ra “Rồng Việt” được lấy ngay trên mảnh đất đỏ Tây Nguyên Việt Nam. “Trên thực tế, ở nước ta không thiếu những tác phẩm hoành tráng được tạc bằng những loại đá quý nhập khẩu, thậm chí cả thợ điêu khắc cũng từ nước ngoài mời đến. Nhưng tác phẩm này lại có được điều quan trọng nhất và quý nhất - đó là được sinh ta từ chính khối đá bán quý thuần Việt, bởi chính những bàn tay các nghệ nhân trong nước”.
“Rồng Việt” đã được Công ty Tòng Hằng Hà Nội mua lại, sau khi trả vượt mức giá mà một thương gia Nhật Bản đưa ra. Tuy nhiên, phía công ty này từ chối tiết lộ về khoản tiền đã bỏ ra để có được tác phẩm cực kỳ quý hiếm này và cho biết muốn giữ “Rồng Việt” ở lại với Hà Nội.
P. Thanh