Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Gặp người ‘xây’ lăng Bác bằng tăm tre

Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 11 2011, 19:01
gửi bởi Zelda
Sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, bị liệt giường, không đầu hàng số phận, ông đã mày mò, sáng tạo, ngồi trên xe lăn mà làm nên những sản phẩm hàng lưu niệm từ tăm tre hết sức độc đáo như lăng, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một cột, Văn miếu...

Người đàn ông mà chúng tôi đang nói đến là anh Lê Văn Hóa (39 tuổi), ở xóm 12, thôn Phúc Từ Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Vượt lên số phận

Chúng tôi tìm đến nhà anh Hóa khi anh đang say sưa, tỉ mẩn ngồi trên chiếc xe lăn cắt cắt, dán dán, ngắm nghía “ngôi nhà” Bác Hồ làm bằng tăm tre của mình đang sắp hoàn thành.

Anh Hóa kể, năm 1996, anh lấy vợ rồi sinh 2 đứa con. Cuộc sống khó khăn, quanh năm chỉ bám vào 3 sào ruộng, làm thuê, làm mướn khắp nơi, với đủ nghề cũng không đủ ăn. Trong nhà lại còn phải nuôi thêm mẹ già, và một bà chị gái bị khuyết tật bẩm sinh càng thêm nặng gánh.

Anh Lê Văn Hóa đang say sưa làm sản phẩm “ngôi nhà Bác Hồ”

Năm 2006, anh quyết định đi xuất khẩu lao động mong “đổi đời”, nhưng số phận không cho anh thực hiện giấc mơ đó. Trên đường đi học ngoại ngữ, sắp đến ngày bay đi Quata thì không may anh bị tai nạn giao thông phải nằm viện suốt 1 tháng trời.

“Bác sĩ bảo phải mổ, chi phí hết 60 triệu đồng, nếu không sẽ bị tàn phế. Nhà mình nghèo, lấy đâu ra số tiền lớn như thế. Có vay mượn cũng không thể vay nổi số tiền lớn đó. Vậy là em đành phải nuốt nước mắt khăn gói ra về. Chấp nhận cuộc đời tàn phế từ đó”.

“Nhiều lúc em định tìm đến cái chết nhưng rồi những lần nằm xem ti vi, thấy nhiều người cũng tàn tật, bi đát hơn mà họ vẫn sống, vẫn vượt lên được số phận. Thế là em cũng quên đi suy nghĩ tiêu cực đó. Và bắt đầu nghĩ, mình phải tìm ra một công việc gì đó có thể làm ra tiền để bớt phần nào gánh nặng cho vợ” - anh Hóa tâm sự.

Thế rồi, năm 2008, một lần xem ti vi, tình cờ anh thấy có một chương trình gì đó mà có người chiến sĩ tặng bạn gái một món quà lưu niệm hình trái tim kết lại bằng tăm tre rất đẹp.

Ý tưởng bắt đầu lóe lên khi anh nghĩ cái đó mình có thể làm được, nếu đẹp có thể bán kiếm tiền. Thế là anh bắt đầu bảo vợ mua ít tăm để anh mày mò, làm thử.

Bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản nhất rồi đến những sản phẩm phức tạp, ròng rã trong suốt 1 năm, anh Hóa mới cơ bản làm được nhưng sản phẩm khá bắt mắt. Có được sản phẩm, anh tìm cách liên lạc với Hội người khuyết tật Việt Nam ở Hà Nội, trao đổi về những sản phẩm của mình, mong muốn những sản phẩm của mình đến với mọi người.

Thế rồi không lâu sau đó, anh nhận được cuộc điện thoại báo tin mừng, sản phẩm của anh đã có người mua. Họ bắt đầu đặt hàng cho anh làm.

“Sau lần đó, tui vui mừng lắm, từ đó càng say sưa làm, cố làm thật nhiều để mong kiếm được thêm tiền bớt gánh nặng cho vợ” - anh Hóa tâm sự.

 

Chùa Một cột- Sản phẩm anh làm được sau khi nhìn qua tivi rồi tưởng tượng làm.

Sản phẩm của anh Hóa đã được bán ở nhiều tỉnh thành. Giờ đây, mỗi ngày anh Hóa cũng kiếm được 50 – 70 ngàn đồng, một số tiền không hề nhỏ đối với một người tàn phế làm việc trên xe lăn.

Càng vui hơn, khi cách đây chưa lâu, có một người ở Hà Nội biết được hoàn cảnh và công việc anh đang làm rất cần đến một chiếc máy vi tính nên đã tặng cho anh một dàn máy.

Anh Hóa đã biết tích cực học hỏi, giờ đây anh đã biết sử dụng máy tính để xem những hình ảnh, di tích lịch sử, danh thắng… để tưởng tượng được chính xác hơn, làm ra những sản phẩm lưu niệm đẹp hơn.

Dạy nghề miễn phí cho “người cùng cảnh ngộ”

Thấu hiểu được những khó khăn, cùng cực của những người khuyết tật, anh Hóa luôn chủ động liên lạc, tâm sự, chia sẻ với họ. Dù gia đình anh chẳng khấm khá gì, nhưng anh cho biết, vừa mới dạy nghề miễn phí cho 3 người khuyết tật.

Anh rất vui mừng cho biết, trong 3 học trò đó thì đã có 2 người làm được sản phẩm có người đến mua. Hiện anh còn nhận giúp họ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tìm tòi khách hàng trên mạng mà anh biết.

Lâu nay, anh là “tín đồ” của trang web “nguoitoicuumang”. Anh luôn tìm đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ ở đó để tâm sự, động viên, chia sẻ.

 

Anh Hóa rất tâm đắc với sản phẩm Lăng Chủ tịch HCM trên tay và bên nhiều sản phẩm độc đáo khác đang được trưng bày trong tủ chuẩn bị chuyển đến cho khách hàng
 

Tháng 9 vừa qua, từ trang web này, anh biết được một hoàn cảnh của anh Nguyễn Hữu Phát ở Bình Phước bị tủy sống, phải ngồi xe lăn. Anh đã lấy số điện thoại liên lạc, tâm sự, chia sẻ về công việc của mình và đã gửi 2 sản phẩm gồm chùa một cột, Văn Miếu vào cho anh Phát xem để học nghề. Anh còn dạy, hướng dẫn cách làm, kinh nghiệm nghề qua chát, email cho bạn.

Anh cho hay, mình còn tâm sự, chia sẻ nghề với cô gái Nguyễn Thị Phong 24 tuổi, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi biết hoàn cảnh đáng thương của cô. Anh kể, cô gái đó mới cưới chồng được 1 tháng thì bị đau cột sống rồi bại liệt nửa người, thế là chồng bỏ, phải về sống với mẹ già.

Cô ấy đang rất tuyệt vọng vì phải sống nhờ mẹ già, bàn thân không có việc gì làm để kiếm tiền. Và đơn giản, chỉ vì cùng cảnh không may như nhau, anh đã giúp cô gái.

Nói về nhưng việc làm của mình, anh Hóa tâm sự: “Em rất thấu hiểu những tâm sự, hoàn cảnh của người cùng cảnh ngộ  như mình. Họ luôn mặc cảm về thân phận, và nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình… nên em luôn chủ động tìm đến để tâm sự, động viên, chia sẻ nghề với hi vọng họ có được công việc, kiếm được ít tiền để bớt đi mặc cảm, tiếp tục sống tốt hơn”.

Hiện anh Hóa còn đang ấp ủ mở một cơ sở dạy nghề miễn phí làm hàng lưu niệm từ tăm tre tại nhà anh cho những người khuyết tật có nhu cầu. Nhưng chưa thực hiện được vì theo anh “cái khó là họ ở xa, lại tàn tật, đi lại để học việc cũng rất khó khăn. Mà ở lại tại nhà mình thì nhà còn chật chội, không có chỗ để anh em nghỉ ngơi”.
 

Theo Trần Văn

Sưu tầm từ dantri