Đạo diễn chờ 'sao' ở sàn tập kịch
Tại một buổi tập, đang duyệt thoại kịch bản, mọi người dáo dác: Nam đâu rồi?. Nhìn xuống vài hàng ghế phía sau, Nam đang ngáy say sưa. Chuyện xảy ra khá thường xuyên bởi anh chạy show khắp nơi. Những diễn viên khác bực bội, nhưng: Toàn là anh em, khó nói lắm....
Một buổi tập phải hủy vì thiếu diễn viên. |
Một đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú dựng vở, lịch bắt đầu từ 13h30, ông đến đúng giờ, sàn tập chỉ có mỗi mình ông. 15 phút sau có hai diễn viên trẻ đến, nửa tiếng nữa có thêm được ba người. Sau hơn một giờ chờ đợi, vẫn còn thiếu hai diễn viên - một chính, một thứ chính - đều là ngôi sao. Chờ hơn một tiếng rưỡi thì buổi tập kịch được bắt đầu. Chưa hết buổi tập, ngôi sao ngọt ngào: Thày ơi, buổi tập ngày mai em... kẹt, thày ráng giùm em!.
Một đạo diễn trẻ dựng vở, 14h bắt đầu tập, 14h30 còn thiếu bốn diễn viên chính. Đạo diễn rút điện thoại di động gọi lên tục. Quá giờ, thêm một người xuất hiện. 15 phút nữa, có thêm một người. Gần một giờ chờ đợi trôi qua, nữ diễn viên chính có mặt. Chờ thêm hơn nửa giờ nữa thì được biết nam diễn viên chính đang ở Bình Phước, không về được dẫu đã hẹn trước. Có tiếng cằn nhằn: Không đến được mà cũng không thèm gọi báo. Đạo diễn cắt quách vai nó cho rồi. Đạo diễn mặt méo xệch: Diễn viên hợp vai, mà cũng sắp đến ngày phúc khảo rồi, sao mà thay vai đây? Vả lại bây giờ ai cũng như thế hết, cần chạy show kiếm tiền để sống, đành thông cảm cho anh em thôi. Buổi tập kịch hôm đó hủy, chuyển sang dượt thoại. Không phải người ngoài, mà chính những trụ cột của ngành sân khấu cũng nhìn nhận: Chất lượng vở diễn sân khấu nói chung đang sa sút một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân có nhiều, chẳng thể giải quyết một sớm một chiều, như khan hiếm kịch bản hay chẳng hạn...
Song, diễn viên Hoàng Sơn bức xúc: Việc cần làm ngay là chấn chỉnh việc tập kịch - chiếm đến hơn phân nửa sự thành bại của một vở diễn. Không thể nể nang nhau mà để hiện trạng thành nếp xấu như thế này tồn tại mãi, chúng ta đang tự giết mình. Chính tôi cũng vướng phải nếp xấu này, nhưng tôi sẵn sàng bỏ bớt show, dẹp chuyện riêng tư vì cái chung, vì nghề, vì nghệ thuật....
Diễn viên Quyền Linh cho rằng: Ai mà không muốn kiếm tiền, nhưng tôi nản chuyện tập tành chẳng ra làm sao. Một buổi tập chỉ có vài giờ, diễn viên đã đến trễ còn hối nhanh nhanh rồi lại biến mất. Tôi cũng muốn đến đúng giờ, tập nghiêm túc, nhưng đến cũng ngồi mốc ra đó chờ người khác.... Một nữ diễn viên đang cộng tác với nhiều sân khấu nghĩ xa hơn: Quan trọng nhất là người lãnh đạo một sân khấu. Họ phải sâu sát, tính chuyện làm ăn nghiêm túc. Tôi chán kiểu làm ăn chụp giựt, tập tành không ra gì mà vẫn cho ra vở mới, tuổi thọ vở diễn hiện nay ngắn là đúng thôi.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc nói: Mọi sáng tạo hay dở trong vở diễn, đường dây tâm lý nhân vật đều được khai phá trong lúc tập. Có khi đạo diễn bắt gặp một ý hay, đến giờ tập chẳng thấy diễn viên đâu, ý tưởng vụt mất, cảm hứng cũng không còn. Phải thông cảm cho diễn viên chuyện kiếm sống, nhưng mỗi người cần phải biết tự giác và tự trọng: đã hứa phải giữ lời, đã nhận phải làm tử tế. Cần nhất vẫn là vai trò người quản lý. Họ phải đưa ra trước một lịch công việc dài hạn hợp lý để anh em biết tự sắp xếp công việc, thời gian. Cần thiết thì ký hợp đồng trách nhiệm về lịch tập. Người quản lý cũng cần có tầm nhìn xa, có kế hoạch lâu dài, không thể chỉ làm vở nào biết vở đó như hiện nay.
(Theo Tuổi Trẻ)