Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cố gắng đến năm 2020 Thanh Hóa đạt tỉnh kiểu mẫu.
Cùng đi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa còn có nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu, đoàn công tác của Trung ương và các bộ ngành. Chủ tịch nước đã đến dâng hương và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà lưu niệm của Người ở thành phố Thanh Hóa và đi thăm khu di tích lịch sử Rừng Thông nơi mà cách đây 65 năm, Bác Hồ đã về nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa; thăm và dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân.
Trong chương trình công tác, Chủ tịch nước và đoàn đã về thăm người dân khu tái định cư thuộc xã Nguyên Bình huyện Tĩnh Gia. Tại đây, Chủ tịch nước hoan nghênh các gia đình khu tái định cư đã sẵn sàng nhường đất cho địa phương sớm triển khai các công trình trọng điểm của quốc gia, động viên nhân dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp làm giàu cho quê hương, đất nước.
Tiếp đó đoàn đã đi thị sát các công trình đang thi công ở Khu kinh tế Nghi Sơn và hoạt động của một số nhà máy ở khu kinh tế. Chủ tịch nước đánh giá cao công tác GPMB, tái định cư, triển khai các dự án của nhà thầu trên địa bàn. Chủ tịch nước động viên cán bộ, công nhân của các đơn vị hăng say thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng khá và bền vững.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác về tình hình KT- XH của địa phương, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và không ít thách thức, nhưng nhờ được sự quan tâm sát sao của TW, sự đồng lòng nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân nên những năm qua Thanh Hóa đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Nét nổi bật nhất là chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,3%, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 1,6 triệu tấn. Toàn tỉnh thành lập mới được 1.100 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đăng ký 30 ngàn tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tỉnh đã tạm dừng, giãn tiến độ thực hiện 30 dự án với số vốn cắt giảm 212 tỷ đồng”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong suốt những năm qua, nhất là năm 2011. Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 65 năm rằng “Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”.
Về một số đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước cho biết: “Đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, hiện Chính phủ vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nhưng sẽ cố gắng để quý II năm nay có thể khởi công được”.
Chủ tịch nước lưu ý: “Đối với Khu kinh tế Nghi Sơn phải được coi trọng và xem xét tính khả thi của các nhà đầu tư cho từng dự án cụ thể. Tức là dự án đó phải thực sự mang lại giá trị kinh tế cao, phải tính toán sát sao để sử dụng đất cho hiệu quả. Trong đó cần ưu tiên các dự án như may mặc, giày da vì đây là những dự án mà thu hút được nhiều lao động là con em nông thôn, nhất là con em vùng tái định cư”.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc phát triển hơn nữa khu công nghiệp Nghi Sơn như lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng… để không những giải quyết việc làm cho người dân mà còn tạo đà phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, điều này tác động rất lớn đến nền kinh tế của đất nước.
Chủ tịch nước đề cập đến những vấn đề thách thức, sức ép đối với đất nước do tình hình chính trị trên thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta như lạm phát tăng cao, nợ công lớn. Theo chủ tịch nước thì để kiềm chế được điều đó phải giải được bài toán kinh tế vĩ mô và đó là một điều khó khăn đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực, đóng góp của toàn Đảng, toàn dân.
Sáng 20/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên